Từ 8 giờ sáng nay (16/7), Bộ GD- ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2025. Trước đó, Bộ đã công bố phổ điểm các môn thi.
Theo phổ điểm được công bố, chỉ khoảng 12% thí sinh đạt từ 7 điểm trở lên môn toán, trong khi tỷ lệ này ở môn vật lí là 54%, hóa học 34%; môn tiếng Anh có tới 85% thí sinh dưới 7 điểm. Môn Toán giảm mạnh so với các năm trước, trong khi các môn khác biến động nhẹ và không đáng kể.
Toán là môn có mức sụt giảm điểm trung bình lớn nhất trong tất cả các môn. Ở môn này, phổ điểm năm nay nghiêng mạnh về phía dưới trung bình, thể hiện đề thi khó, phân hóa cao. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình tăng gấp hơn 3 lần, rất nhiều thí sinh gặp khó khăn. Dù xuất hiện điểm 10 nhưng tỉ lệ vẫn thấp (0.4555/1.000 thí sinh).
Với môn tiếng Anh, phổ điểm vẫn chủ yếu tập trung quanh mức trung bình, không thay đổi nhiều về trung vị. Tuy nhiên, tỉ lệ điểm cao giảm rõ rệt, số lượng điểm 10 rất thấp. Độ lệch chuẩn giảm cho thấy phổ điểm "dồn" hơn quanh mức trung bình, ít đột phá ở hai đầu phổ điểm.
Theo TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM, tỉ lệ thí sinh đạt điểm dưới trung bình (<5) ở nhiều môn tăng rõ rệt. Số lượng điểm 10 ở một số môn như vật lí, địa lí, lịch sử, tin học...) tăng, nhưng ở các môn cơ bản như toán, ngữ văn, tiếng Anh lại giảm hoặc rất thấp. Độ lệch chuẩn ở hầu hết các môn tăng, chứng tỏ mức độ phân hóa giữa các thí sinh rõ rệt hơn.
Nhiều chuyên gia tuyển sinh giáo dục ĐH nhận định điểm chuẩn ĐH năm nay sẽ giảm ở hầu khắp các ngành, các tổ hợp xét tuyển.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho rằng với phổ điểm như đã công bố thì điểm trúng tuyển bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm ở tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt các lĩnh vực xét tuyển các môn toán + hóa + sinh sẽ giảm sâu có thể lên đến 2- 3 điểm so với năm 2024. Tại trường, hầu hết các tổ hợp luôn có 2 môn bắt buộc là toán+ vật lí nên điểm trúng tuyển bằng phương thức này giảm nhiều có thể lên đến 2 điểm so với năm 2024. Đặc biệt là nhóm ngành hóa, sinh, môi trường có thể giảm nhiều hơn lên đến 2,5 điểm.
Thạc sĩ Phùng Quán (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM), cho rằng với các ngành có điểm chuẩn từ 28 trở lên những năm trước, điểm chuẩn năm nay có thể giảm nhẹ, nhưng không đáng kể. Các ngành có điểm chuẩn dưới 28 điểm sẽ có xu hướng giảm mạnh, phổ biến từ 1 đến 2 điểm, áp dụng cho hầu hết các tổ hợp như A00, A01, B00, D01. Cụ thể theo tổ hợp: Tổ hợp A00, A01, B00: Dự kiến giảm 1,5 - 2 điểm ở nhiều ngành, đặc biệt là nhóm kỹ thuật, công nghệ, y dược. Tổ hợp D01 có thể giảm nhẹ hơn, khoảng 0,5–1,5 điểm, nhưng các ngành như kinh tế, ngôn ngữ, luật vẫn giữ mức cạnh tranh nếu chỉ tiêu không tăng.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng (Trường ĐH Tài chính- Marketing), điểm chuẩn của nhiều ngành, đặc biệt các ngành khối kinh tế – quản trị – kỹ thuật, có khả năng giảm từ 1 đến 2 điểm. Trong khi đó, các tổ hợp C00 (văn – sử – địa), C19 (văn – sử – kinh tế pháp luật), D14 (văn – sử – Anh) lại giữ được sự ổn định, thậm chí có khả năng tăng nhẹ nhờ phổ điểm đồng đều và cao hơn trung bình ở các môn xã hội.
Theo ThS Nguyễn Thị Kim Phung, sau khi biết điểm thi, thí sinh cần chủ động tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của các trường đại học như điểm chuẩn các năm trước, chỉ tiêu năm nay, phương thức xét tuyển, tổ hợp môn, mã ngành và các điều kiện phụ liên quan của từng trường đã công bố.
Việc phân tích điểm thi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi V-SAT, kỳ thi đánh giá năng lực, học bạ.... của bản thân để lựa chọn nguyện vọng phù hợp là rất quan trọng. Thí sinh nên ưu tiên các ngành, trường đúng với năng lực và sở thích của mình, đồng thời sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự mong muốn thực sự, trong đó nguyện vọng 1 là ngành hoặc trường mà thí sinh yêu thích nhất.
Hệ thống xét tuyển chỉ xét từ nguyện vọng 1 đến khi thí sinh trúng tuyển, do đó việc sắp xếp chiến lược là rất cần thiết. Thí sinh không bị giới hạn số lượng nguyện vọng nhưng cần lưu ý mỗi ngành ở mỗi trường chỉ được đăng ký một lần duy nhất.
Việc đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng được thực hiện trong thời gian quy định của Bộ GD-ĐT từ 16/7 đến 17 giờ ngày 28/7/2025 nên thí sinh phải kiểm tra thật kỹ thông tin trước khi đăng ký và xác nhận thông tin.
Khi đăng ký, cần đảm bảo chính xác mã ngành, mã trường và lưu giữ, ghi lại các thông tin xác nhận để đối chiếu khi cần thiết. Bên cạnh đó, thí sinh phải hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng đã đăng ký qua hình thức trực tuyến đúng thời hạn.
Ngoài ra, để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh nên đăng ký thêm một vài nguyện vọng mang tính “an toàn” với điểm chuẩn thấp hơn và có thể cân nhắc kết hợp các phương thức xét tuyển khác tránh việc chỉ đăng ký 1 ngành vào 1 trường. Việc chuẩn bị kỹ càng và lựa chọn thông minh sẽ giúp thí sinh tự tin và chủ động hơn trong quá trình xét tuyển đại học.
Dù thí sinh trúng tuyển ở phương thức nào thì thí sinh vẫn cùng học chung chương trình của ngành đó, vẫn học cùng giảng viên, mức học phí là như nhau nên quan trọng nhất là thí sinh đăng ký nguyện vọng đúng ngành mà mình cảm thấy phù hợp, đam mê của mình nhất tránh lo sợ điểm thi mà đặt nguyện vọng ngành phía dưới làm ảnh hưởng quá trình xét tuyển của mình khi nguyện vọng không muốn đã trúng tuyển trước đó.