• Thứ Năm, 25 tháng 02, 2021
  • 16:06 GMT +7

Ngành Công nghệ sinh học vì sao trở nên đắt giá?

Lệ Quyên/nguồn ĐH Mở TPHCM
Cùng với công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, Công nghệ sinh học chính là một trong những hướng đi mũi nhọn trong cuộc cách mạng 4.0 - đã, đang và sẽ tiếp tục là một phần không thể thiếu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

Thế kỷ 21 được xem là kỷ nguyên của Công nghệ sinh học (CNSH) khi các quốc gia trên thế giới tập trung nghiên cứu, phát triển lĩnh vực mũi nhọn này, nhất là trong bối cảnh cuộc sống con người dần thiếu an toàn khi dịch bệnh gia tăng, bùng phát, các bệnh hiểm nghèo ngày một nhiều, tình trạng kháng thuốc kháng sinh, thiếu vacxin hay vấn đề thực phẩm chứa hóa chất độc hại, môi trường sống ô nhiễm, thiếu nước sạch, xâm nhập mặn, hiệu ứng nhà kính,...

Vậy ngành CNSH cụ thể là gì? CNSH sẽ giải quyết các vấn đề đó như thế nào trong cuộc sống? Và sinh viên tốt nghiệp ngành CNSH có cơ hội như thế nào? 

Những câu hỏi trên sẽ được giải đáp trong chương trình Live stream diễn ra từ 17 giờ đến 18 giờ, thứ Năm tuần này, 25/2/2021.

Theo dõi LIVE STREAM tại đây

Phần tường thuật trực tiếp:

- Em muốn tìm hiểu về các ngành đào tạo tại khoa CNSH Trường Đại học Mở TP. HCM? Năm 2021 có ngành nào mới và em có thể đăng ký xét tuyển vào Khoa như thế nào ạ?

TS Nguyễn Ngọc Bảo Châu

* TS Nguyễn Ngọc Bảo Châu, trả lời: Năm 2021, Trường ĐH Mở Tp. HCM tuyển sinh 27 ngành đại trà và 11 ngành CLC, trong đó ngành CNSH xét tuyển cả chương trình đại trà và CLC.

Các bạn có thể tham khảo Thông tin tuyển sinh 2021 chi tiết về phương thức xét tuyển, các ngành, mã ngành và tổ hợp xét tuyển tại website tuyển sinh: http://tuyensinh.ou.edu.vn/thong-tin-tuyen-sinh-dai-hoc-chinh-quy-nam-2021.

Cụ thể bao gồm 6 phương thức xét tuyển

Phương thức 1: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển của Bộ GDĐT.

Phương thức 2: Theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021.

Phương thức 3: Theo kết quả học tập 3 năm THPT (học bạ).

+ Công nghệ sinh học, Xã hội học, Đông Nam Á, Công tác xã hội: Tổng điểm từ 18 điểm.

+ Các ngành còn lại 20 điểm trở lên.

 Phương thức 4: Ưu tiên xét tuyển Học sinh giỏi 3 năm THPT.

 Phương thức 5: Ưu tiên xét tuyển đối với thí sinh có:

+ Dựa trên bài thi tú tài quốc tế (IB) tổng điểm 26 điểm trở lên.

+ Chứng chỉ quốc tế A-level của trung tâm khảo thí ĐH Cambrige (Anh) theo điểm 3 môn thi (trở lên) đảm bảo mức điểm mỗi môn thi đạt từ C trở lên.

+ Kết quả kỳ thi SAT đạt từ 1100/1600.

 Phương thức 6: Ưu tiên xét tuyển thẳng học bạ có CC ngoại ngữ, đủ điều kiện xét tuyển theo Phương thức 3 và đạt điểm IELTS (hoặc các chứng chỉ khác quy đổi tương đương):

+ Các ngành Ngôn ngữ: IELTS 6.0.

+ Các ngành còn lại: IELTS 5.5.

Thông tin tham khảo điểm trúng tuyển các năm: http://tuyensinh.ou.edu.vn/diem-trung-tuyen-2017-2019-1581928239

Các ngành đào tạo tại Khoa CNSH, học sinh có thể chọn lựa gồm hai ngành Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm

Như vậy năm 2021, khoa có thêm một ngành mới đó là ngành Công nghệ Thực phẩm.

MC - Thạc sĩ Dương Nhật Linh

MC - Thạc sĩ Dương Nhật Linh

- Học CNSH sẽ học ở đâu và học phí như thế nào ạ vì em biết ngành này hay có thực hành với thí nghiệm? Em cũng muốn biết là em có thể xét tuyển bằng học bạ được không, 5 hay 6 học kỳ ạ? Thời gian đăng ký như thế nào?

* TS Nguyễn Ngọc Bảo Châu, trả lời: SV học tại TP.HCM và thực hành tại Cơ sở Bình Dương với phòng thí nghiệm chất lượng cao, được đầu tư hiện đại,..và đi lại hoàn toàn có xe đưa rước miễn phí.

Học phí dự kiến, cụ thể:

CNSH hệ đại trà: 23tr/năm/3 học kỳ

CNSH hệ CLC: 37.5tr/năm

Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào trường bằng nhiều phương thức khác nhau như đã trao đổi bên trên và tất nhiên các bạn hoàn toàn có thể đăng ký xét tuyển vào trường bằng kết quả học tập THPT (dự kiến 6 học kỳ và thời gian dự kiến từ 1/5 đến 30/5/2021) theo hệ thống đăng ký trực tuyến của trường, không phải đến trường, không đóng bất kỳ khoản lệ phí nào. Các bạn học sinh vui lòng theo dõi thêm thông tin chi tiết tại website tuyển sinh của trường tuyensinh.ou.edu.vn hoặc gọi điện thoại về tổng đài 1800585884 để có thêm thông tin.

- Để hiểu rõ về Ngành Công nghệ sinh học (CNSH), thầy cô có thể chia sẻ về những ứng dụng của CNSH trong cuộc sống thường nhật được không ạ?

* TS Nguyễn Ngọc Bảo Châu, trả lời: Công nghệ Sinh học hiểu theo nghĩa chung nhất là việc sử dụng các quá trình sinh học để tạo ra sản phẩm có ích cho con người như quá trình lên men tạo ra các sản phẩm sữa chua, phô mai, bia rượu....

Khái niệm Công nghệ Sinh học hiện đại ngày nay liên tưởng đến việc ứng dụng các phương pháp hiện đại của thao tác DNA để tạo thành sản phẩm ví dụ như bộ kit chẩn đoán Covid 19, và tạo ra các phẩm protein tái tổ hợp như Insulin trong điều trị bệnh tiểu đường….

Hiện nay CNSH đã được ứng dụng ngày càng mạnh mẽ đem lại lợi ích cho cả người sản xuất và tiêu dùng trong lĩnh vực Nông nghiệp- Môi trường, những sản phẩm thân thiện môi trường như nước rửa chén, bột giặt từ trái bồ hòn, các loại tinh dầu xả, tinh dầu tràm, tinh dầu bạch đàn,… được chiết xuất với hàm lượng hoạt chất cao, tăng hiệu quả cho người sử dụng.

Hay Cây nuôi cấy mô có chất lượng cao, màu sắc đa dạng, độc đáo như hoa lan hồ điệp, hoa cẩm chướng, đồng tiền; CNSH ứng dụng trong lĩnh vực nuôi trồng nấm ăn, nấm dược liệu; CNSH ứng dụng trong phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng từ các chế phẩm sinh học như dầu neem, nấm xanh, nấm trắng phòng trị sâu bệnh cây trồng,…

CNSH ứng dụng trong thực phẩm như các loại nước uống lên men, nước hoa quả lên men,… Thực phẩm chức năng (hay còn gọi là thực phẩm hỗ trợ sức khoẻ) là một loại thực phẩm được nhà sản xuất phát triển và chế biến từ các loại dược liệu, thực vật hay động vật ăn được có trong tự nhiên mà trong đó các nguồn nguyên liệu thực phẩm này chứa những chất giúp bổ sung và cải thiện khả năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.

- Năm nay trường có đào tạo thêm ngành mới là CNTP. Thầy Cô cho em hỏi ngành CNTP có gì khác với CNSH không ạ? Em thấy trong brochure thì ngành CNSH có chia chuyên ngành CNSH ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm? Vậy nó khác nhau ở điểm nào ạ?

* ThS. Tạ Đăng Khoa, trả lời: Để hiểu rõ điều này, chúng ta cần khái quát 2 ngành học CNSH và CNTP:

- Hiểu một cách đơn giản, Công nghệ sinh học là một lĩnh vực công nghệ cao, đa ngành và tích hợp, CNSH nghiên cứu và vận dụng sinh vật sống kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật để tạo ra sản phẩm và sản xuất ở quy mô công nghiệp với các sản phẩm sinh học phục vụ cho lợi ích của con người và bảo vệ môi trường….Một vài ứng dụng của ngành Công nghệ sinh học trong đời sống như: sản xuất thuốc, sản xuất thực phẩm; phát triển giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ di truyền, xét nghiệm trong y khoa; giải quyết các vấn đề môi trường;…

- Công nghệ thực phẩm là ngành chuyên về lĩnh vực bảo quản và chế biến thực phẩm; kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm trong quá trình chế biến thực phẩm; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, vận hành dây chuyền sản xuất – bảo quản, tạo nguyên liệu mới trong lĩnh vực thực phẩm hoặc dược phẩm, hóa học,…Với mục tiêu cung cấp một nền tảng vững chắc cho việc ứng dụng khoa học thực phẩm cho sản xuất các sản phẩm thực phẩm, phân tích và phát triển các giải pháp kỹ thuật và công nghệ để giải quyết tổng thể các vấn đề của ngành công nghiệp thực phẩm.

Ứng dụng của Công nghệ thực phẩm là vô cùng đa dạng, vì tất cả những gì liên quan đến đồ ăn thức uống, an toàn thực phẩm đều có thể ứng dụng kiến thức ngành học này: chế biến bánh kẹo, chế biến lương thực, thực phẩm (thịt, cá, sữa, cà phê, đồ hộp, trà…)…

Như vậy Ngành CNSH và CNTP thực tế là 2 ngành khác nhau, nhưng có những điểm chung và điểm riêng của mỗi ngành.

Chuyên ngành CNSH ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm là một trong những ứng dụng của CNSH trong lĩnh vực thực phẩm: lên men, kỹ thuật enzym ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm…

Bên cạnh đó, còn một điểm khác nhau nữa là bằng tốt nghiệp ĐH. Sinh viên học ngành CNTP thì trên văn bằng tốt nghiệp ghi ngành Cử nhân CNTP, tương tự cho ngành CNSH thì bằng tốt nghiệp sẽ ghi cử nhân CNSH (dù các bạn học chuyên ngành Công nghệ sinh học thực phẩm).

- Em nghe báo chí nói khá nhiều về việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao ? em muốn biết nhân lực chất lượng cao là như thế nào? G.C food khi tuyển dụng sinh viên ngành CNSH và CNTP thì thường quan tâm đến những tố chất, kiến thức và kỹ năng nào? 

Ông Nguyễn Văn Thứ

Ông Nguyễn Văn Thứ

* Ông Nguyễn Văn Thứ, trả lời: Nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực có thể làm việc hiệu quả, giải quyết các vấn đề tồn tại của Doanh nghiệp và giúp cho Doanh nghiệp phát triển, mang lại lợi ích cho cả Doanh nghiệp và xã hội.

Các yếu tố GC Food quan tâm khi tuyển dụng sinh viên CNSH và CNTP đó là kiến thức nền của sinh viên khi học ở trường (đảm bảo có thể nắm bắt và làm được những việc cơ bản trước) tiếp theo đó là thái độ tích cực trong công việc thể hiện ra tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, tinh thần cống hiến, sự nhiệt tình, trách nhiệm, trung thực,... Kiến thức có thể yếu một chút và sẽ được đào tạo nhưng thái độ thì nhất định phải tốt.

- Anh cho em hỏi học CNSH có khó không ạ? Anh có thể chia sẻ cơ duyên nào mà anh chọn ngành CNSH ở Trường Đại học Mở Tp. HCM ạ? Điều gì làm anh nhớ hay tâm đắc  về những gì được học và thời sinh viên tại Khoa CNSH, Trường Đại học Mở TP. HCM? Anh có thể chia sẻ được không ạ?

Anh Nguyễn Quang Trường

* Anh Nguyễn Quang Trường, trả lời: Nếu bạn đam mê một lĩnh vực nào đó và luôn nghiên cứu học tập thì không có gì được gọi là khó, và điều này vẫn sẽ đúng với việc học CNSH.

Công việc liên quan đến ngành Y là định hướng nghề nghiệp của tôi, và khi tìm hiểu về ngành CNSH tôi nhận thấy các nghiên cứu của ngành CNSH đem lại giá trị lớn rất lớn đến sức khỏe cộng đồng (sản phẩm insulin, KIT xét nghiệm chẩn đoán….). Bên cạnh đó, với thông tin tôi tìm hiểu được, Trường ĐH Mở TP.HCM là trường có Khoa CNSH đầu tiên tại TP.HCM và tôi đã quyết định đăng ký ngành học này tại trường.

Trong quá trình học tập tôi đã được học các môn học với sự hướng dẫn tận tâm của các thầy cô, và việc định hướng chương trình học của trường phù hợp nhu cầu thực tế của các Bệnh Viện và Viện. Nhờ đó, khi làm việc tại cơ quan trong giai đoạn đầu dễ dàng đáp ứng được nhu cầu công việc thực tế. Và tôi hoàn toàn hài lòng về những gì mình đã được học tập, trải nghiệm, rèn luyện tại trường, nó thật sự có ích và giúp tôi làm tốt công việc hiện tại, phát triển bản thân.

- Em đang rất bối rối trong việc lựa chọn ngành học, em cũng có tìm hiểu về ngành CNSH nhưng em không biết mình có phù hợp với ngành kỹ thuật này hay không. Thầy cô cho em hỏi ngành CNSH cần tố chất nào ạ?

Các khách mời trong chuơng trình 

TS Nguyễn Ngọc Bảo Châu, trả lời: Nếu các bạn yêu thích CNSH Nông nghiệp – Môi trường: Khi chọn học ngành CNSH nông nghiệp, trước tiên em sẽ được cung cấp những kiến thức và kỹ năng để phục vụ công tác nghiên cứu cũng như ứng dụng trong sản xuất Nông nghiệp ở một số lĩnh vực như:

+ Trồng trọt: Sinh lý thực vật, dinh dưỡng cây trồng, di truyền, chọn tạo

giống, sinh học phân tử thực vật, chế phẩm vi sinh, công nghệ gen, nuôi

cấy mô tế bào thực vật; chế phẩm BVTV, đấu tranh sinh học, Ứng dụng

CNSH trong canh tác ở những vùng nhiễm phèn, nhiễm mặn. Ứng dụng

công nghệ nuôi cấy mô tế bào để sản xuất giống cây cấy mô và chuyển giao kỹ thuật nuôi cấy mô, nuôi cấy túi phấn, bao phấn, v.v

+ Nấm ăn: Nghiên cứu và kỹ thuật sản xuất một số nấm ăn, nấm dược

liệu

+ Thuỷ sản: Chọn tạo giống bằng kỹ thuật sinh học phân tử, di truyền, dinh dưỡng, chế phẩm sinh học phòng ngừa bệnh, xử lý môi trường nuôi

+ Môi trường: Ứng dụng thực vật và vi sinh vật trong xử lý nước thải

Do đó, nếu em yêu thích lĩnh vực nông nghiệp, yêu thích thiên nhiên, năng động, thích trải nghiệm thực tế, đam mê NCKH, đam mê khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp và mong muốn ứng dụng CNSH vào nông nghiệp hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, thì cô tin rằng sự lựa chọn vào CNSH- chuyên ngành NN-MT của em sẽ giúp em thực hiện ước mơ của mình.

* Thạc sĩ Tạ Đăng Khoa, trả lời: Một số tố chất cho CNTP: Đam mê công nghệ, thích nghiên cứu; có tư duy sáng tạo, có khả năng phân tích; nhạy bén trong việc nắm bắt tâm lý, sở thích, nhu cầu mua sắm của người khác; đam mê đến lĩnh vực thực phẩm, dịch vụ ăn uống,...

* Anh Nguyễn Quang Trường, trả lời: Các tiêu chí để học các ngành nghiên cứu nói chung và ngành CNSH nói riêng cần có:

- Đam mê và kiên trì

- Khả năng tổng hợp và phân tích thông tin

- Cập nhật các ứng dụng công nghệ, phần mềm mới.

* Ông Nguyễn Văn Thứ: Trong những năm gần đây khi nền kinh tế phát triển thì Ngành CNSH cũng phát triển theo, là một trong những ngành mũi nhọn và vì vậy nhu cầu tuyển dụng các SV tốt nghiệp ngành này cũng tăng theo. Đây là một ngành tuy không quá hot nhưng nếu SV giỏi và đam mê nghiên cứu, sản xuất thì vẫn có thể đóng góp rất lớn cho sự phát triển của Doanh nghiệp thông qua các việc như sản xuất phân bón vi sinh, xử lý môi trường, chế biến thực phẩm,...

- Em chào Thầy Cô! Quê em có vườn tược rất nhiều, sản lượng cũng ổn định nhưng dịch bệnh hại cây trồng rất nhiều. Em học CNSH thì có giải quyết được những vấn đề này cho nhà em không ạ? Học CNSH thì có tự kinh doanh hay khởi nghiệp được không ạ?

* TS Nguyễn Ngọc Bảo Châu, trả lời: Ngành CNSH của Khoa CNSH - Trường Đại học Mở TP HCM đào tạo 3 chuyên ngành: CNSH Y Dược, Nông nghiệp - Môi trường, Thực Phẩm. Các em sẽ học các kiến thức chuyên ngành khi bước vào học kỳ 8.

Khi lựa chọn chuyên ngành CNSH NN-MT các em sẽ được học và thực hành những kiến thức liên quan đến lĩnh vực CNSH NN-MT, tham gia nghiên cứu, từ đó hiểu được cơ chế và ứng dụng của những chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học (có nguồn gốc vi sinh như Bacillus, nấm đối kháng vi khuẩn, côn trùng thiên địch…) ứng dụng trong phòng trừ sâu, bệnh hại trên các đối tượng cây trồng giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, Đến với chuyên ngành CNSH NN-MT của khoa em còn được có thêm những kỹ năng và cơ hội tiếp cận thực tế khi tham gia các chương trình kiến tập và thực tập của bộ môn, chương trình Co-op.

Bên cạnh đó, CNSH NN-MT còn nghiên cứu, ứng dụng chế phẩm sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản, nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi, giảm ô nhiễm môi trường;  GV của bộ môn còn cung cấp cho các em kiến thức và kỹ năng để có thể ứng dụng CNSH trong phát triển cây đặc sản của khu vực Nam Trung bộ, cây chịu mặn; Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào để sản xuất giống cây cấy mô và chuyển giao kỹ thuật nuôi cấy mô cho các vườn ươm để phục vụ công tác phát triển sản xuất và bảo tồn; Ứng dụng CNSH phục vụ phát triển nghề trồng nấm thực phẩm.

• Với những kiến thức và kỹ năng em học được như cô trình bày ở trên hy vọng sẽ giúp ích rất nhiều cho em đóng góp công sức của mình cho sự phát triển bền vững lĩnh vực nông nghiệp tại quê nhà.

Học CNSH thì có tự kinh doanh hay khởi nghiệp được không ạ?   Sáng tạo và khởi nghiệp là môn học được đưa vào CTĐT của khoa từ năm 2019 nhằm giúp các em có những kiến thức và kỹ năng cơ bản trong hoạt động sáng tạo khởi nghiệp. Trong quá trình học, các em còn được chia sẻ bởi những chuyên gia có kinh nghiệm, thực tiễn. Bên cạnh đó, Thầy Nguyễn Văn Minh, GV của khoa cũng có rất nhiều kinh nghiệm thực tế về hoạt động sáng tạo khởi nghiệp, Thầy đã dẫn dắt sinh viên tham gia một số cuộc thi và đạt các giải thưởng trong những năm vừa qua.

Nói như vậy để một lần nữa khẳng định với các em là học ngành CNSH, CNTP các em hoàn toàn có thể khởi nghiệp khi tích hợp được các yếu tố cần thiết.

- Thầy Cô có thể chia sẻ cho em nếu học CNSH ứng dụng trong thực phẩm và Công nghệ Thực phẩm thì nhà tuyển dụng ưu tiên cái nào hơn ạ? Và vị trí việc làm giữa 2 ngành này có khác nhau không?

* ThS. Tạ Đăng Khoa, trả lời: Tùy thuộc vào vị trí ứng tuyển và tính chất / lĩnh vực hoạt động của công ty. Thật ra thứ tự ưu tiên khi xin việc rất đa dạng và linh động, phụ thuộc rất nhiều yếu tố và thời điểm, để dẫn đến thành công ngoài năng lực, kiến thức chuyên môn; còn có kỹ năng mềm, tiếng anh… và một chút may mắn.

Nếu công ty có yêu cầu cụ thể về bằng cấp/ ngành học ví dụ CNTP hay CNSH. Thì bằng cấp đúng ngành học sẽ là một thế mạnh.

Vị trí việc làm/ nghề nghiệp giữa 2 ngành này về cơ bản khác nhau, tuy nhiên có những vị trí cả 2 ngành có thể ứng tuyển chung, cũng có những vị trí đặc thù riêng của mỗi ngành.

Ví dụ:

- Những công ty /vị trí đặc trưng cho ngành CNSH: Xét nghiệm y khoa, công việc liên quan công nghệ di truyền, phát triển giống cây trồng…

- Những công ty /vị trí đặc trưng cho ngành CNTP: Nghiên cứu phát triển sản phẩm thực phẩm (R&D), kiểm định chất lượng sản phẩm thực phẩm (QA), phụ trách dây chuyền sản xuất công nghệ chế biến bánh kẹo, chế biến lương thực, thực phẩm (thịt, cá, sữa, cà phê, đồ hộp, trà…), tư vấn kỹ thuật thực phẩm (technical sale), tư vấn dinh dưỡng…

- Những vị trí chung: Kỹ thuật phòng thí nghiệm (Laboratory staff), phụ trách sản xuất công nghệ lên men…

- Anh đánh giá như thế nào về khả năng thích ứng của SV Khoa CNSH với công việc sau khi ra trường ạ? Làm thế nào để SV có thể hòa nhập tốt trong môi trường cạnh tranh, năng động và chuyên nghiệp ạ?

* Anh Nguyễn Quang Trường: Hiện nay, các bạn SV Khoa CNSH, Trường ĐH Mở TP. HCM cơ bản đáp ứng công việc sau khi ra trường. Và để các bạn có thể hòa nhập tốt hơn và làm việc chuyên nghiệp hơn, thì chúng ta luôn học hỏi nâng cao kiên thức chuyên môn và rèn luyện các kỹ năng mềm giúp hỗ trợ công việc thực tế (lập kế hoạch, sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng phần mềm trong phân tích, sắp xếp thời gian…).

Các bạn còn một lợi thế rất lớn khi học trong môi trường đa văn hóa, đa ngành nghề nên hầu hết SV Khoa CNSH, Trường ĐH Mở TP. HCM có tác phong tốt hơn, nhạy bén, tích cực, giao tiếp tốt và kiên trì, dấn thân hơn một số các bạn khác trong công việc.

- Em muốn vừa học vừa được thực tập, học việc nhiều tại các DN áp dụng kiến thức vào thực thực tế cung như để làm quen môi trường làm việc, công ty G.C food có chính sách nhận sinh viên thực tập, học việc tại DN không ạ ?

* Ông Nguyễn Văn Thứ: GC Food có chương trình hợp tác với Trường ĐH Mở TP. HCM để đưa các SV của Trường đến thực tập và làm việc thực tế tại các nhà máy, trang trại nhằm giúp cho các SV có cái hiểu rõ hơn về hoạt động sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp Nông nghiệp và Thực phẩm - Dự kiến GC Food sẽ có 02 đợt tuyển dụng sinh viên thực tập / năm và sẽ gởi thông tin đến trường trong thời gian sớm để các SV đăng ký.

Như vậy các bạn SV Khoa CNSH, Trường ĐH Mở TP. HCM hoàn toàn có thể nắm bắt nhiều cơ hội để thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

- Thầy cô cho em hỏi kiến thức từ bậc THPT có đóng góp gì cho việc chọn ngành CNTP không ạ? Em muốn làm chuyên gia về đánh giá an toàn vệ sinh thực phẩm thì em nên chọn CNSH ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm hay CNTP ạ?

* ThS Tạ Đăng Khoa: Thật ra kiến thức từ bậc nào cũng đóng góp cho việc em chọn ngành sau này và kiến thức phổ thông được xem là nền tảng cho kiến thức của chương trình đại học giúp các em hiểu sâu và chuyên biệt, đây là một quá trình tích lũy có tính kế thừa. Bên cạnh kiến thức trong suốt quá trình học các bạn cũng học được khả năng tư duy, ý thức trong cuộc sống, đây mới là điều quan trọng.

Trong chương trình của ngành CNTP, phần đại cương sẽ có nhắc lại một số kiến thức ở bậc THPT giúp các em nắm vững kiến thức trước khi bước vào giai đoạn cơ sở ngành và chuyên ngành.

Theo thầy, muốn làm chuyên gia về đánh giá an toàn vệ sinh thực phẩm thì nên chọn ngành CNTP, vì ngành CNTP cung cấp đủ công cụ chuyên biệt về kiến thức giúp đánh giá toàn diện vấn đề an toàn vệ sinh trong  thực phẩm. Tuy nhiên đó mới là bước đầu, muốn trở thành chuyên gia thì cần tích lũy thêm một vài yếu tố khác nữa: kinh nghiệm, kỹ năng,…

- Công ty có sử dụng nhân lực của Khoa CNSH Trường ĐH Mở TP. HCM không? Không biết Ông/Anh có thể chia sẻ về đánh giá của doanh nghiệp dành cho SV Trường Đại Học Mở TP. HCM? (góc độ phụ huynh trao đổi)

* Ông Nguyễn Văn Thứ: Công ty sẵn sàng tuyển dụng SV Khoa CNSH, Trường ĐH Mở TP. HCM nếu các bạn vượt qua kỳ phỏng vấn tuyển dụng của Công ty. Đặc biệt chúng tôi có chính sách ưu tiên cho các SV có thực tập ở Công ty GC Food.

Trong Chương trình liên kết giữa Trường Đại Học Mở và GCfood cũng có nội dung GC Food ưu tiên tuyển dụng các SV Khoa CNSH, Trường ĐH Mở TP HCM.

- Vậy với góc độ quản lý của Khoa, cô có thể chia sẻ thêm về những định hướng hay chương trình đào tạo của Khoa có gắn liền với doanh nghiệp không ạ?

* TS Nguyễn Ngọc Bảo Châu: Thực tập, kiến tập thực tế là một trong những định hướng được xây dựng tại khoa CNSH giúp sinh viên tiếp cận và trải nghiệm thực tế, có thêm góc nhìn đa chiều về những ứng dụng của CNSH trong đời sống, trao dồi các kỹ năng theo định hướng phát triển nghề nghiệp CNSH và hoạt động khởi nghiệp. Hàng năm sinh viên tham gia kiến tập thực tế môn học, thực tập tại phòng lab của trường hoặc tại các bệnh viện, Trung tâm nghiên cứu, Viện nghiên cứu, công ty, xí nghiệp,.. giúp sinh viên mở rộng kiến thức chuyên ngành, định hướng phát triển nghề nghiệp sau khi ra trường, giúp sinh viên có những ý tưởng cho hành trình khởi nghiệp. Ngoài ra, Sinh viên còn có cơ hội tham gia kỳ thực tập ngắn hạn 3-4 tháng có học bổng tại trường Kasetsart, Thái Lan là đơn vị hợp tác với khoa và nhà trường trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Chương trình Co-op với Công ty Cổ Phần Mỹ Lan cũng là một định hướng của CTĐT giúp sinh viên tiếp cận thực tế và trải nghiệm thực hành của doanh nghiệp, là tiền đề cho các hoạt động sáng tạo khởi nghiệp của sinh viên. Và tương lai, các chương trình Co-op sẽ được tiếp tục đẩy mạnh với các doanh nghiệp.

- Còn anh Trường thì sao ạ, Viện Pasteur có sử dụng nhân lực của Khoa CNSH Trường Đại Học Mở TP. HCM không ạ? Nếu có anh có thể chia sẻ cảm nhận, những câu chuyện thú vị về các bạn đang làm không?

* Anh Nguyễn Quang Trường: Không chỉ Viện Pasteur mà còn các Viện nghiên cứu khác chắc chắn là luôn muốn sử dụng nguồn nhân lực của khoa CNSH Trường ĐH Mở TP. HCM, nếu các bạn sinh viên có thực sự đam mê, kiến thức và muốn làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu.

Hiện này, nhân lực của Viện Pasteur là một số các anh chị cựu sinh viên ngành CNSH của Trường ĐH Mở TP.HCM, trong đó có cả tôi.

- Nét đặc trưng của ngành CNTP của trường mình có khác gì so với các trường có cùng ngành đào tạo không ạ? (Điểm mạnh, điểm khác biệt trong đào tạo của trường so với các chương trình khác)

ThS Tạ Đăng Khoa

ThS Tạ Đăng Khoa

* ThS Tạ Đăng Khoa: Nét đặc trưng của ngành CNTP của Trường Đại Học Mở TP.HCM so với các trường có cùng ngành đào tạo khác: Chú trọng thực hành; Bám sát và đáp ứng nhu cầu xã hội; Tăng cường kỹ năng mềm cho sinh viên, ….

SV Khoa CNSH, Trường ĐH Mở TP HCM  cũng là Trường Đại học đầu tiên tại Việt Nam trong chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học, các kiến thức về Thuần Chay, giúp định hướng nghiên cứu, chế biến các sản phẩm thực phẩm Thuần Thực vật/ Thuần Chay cho thị trường Việt Nam: Dinh dưỡng Thuần Chay, Văn Hóa Ẩm Thực Thuần Chay, Kỹ Thuật Thực Phẩm…

- Các ngành CNSH của trường có chương trình Liên kết  quốc tế, nước ngoài và có cấp bằng chưa?

* TS Nguyễn Ngọc Bảo Châu: Hiện nay Khoa CNSH chưa mở chương trình liên kết quốc tế CNSH cấp bằng quốc tế. Tuy nhiên, Khoa hiện đang có chương trình CNSH hệ đại trà và CLC trong nước với ưu điểm CTĐT linh hoạt, đa số các môn đều có thực hành, và nội dung đào tạo mang tính ứng dụng cao. Và đặc biệt sinh viên khoa CNSH còn có cơ hội tham gia kỳ thực tập ngắn hạn 3-4 tháng có học bổng tại Trường Đại học Kasetsart, Thái Lan là đơn vị hợp tác với khoa và nhà trường trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, giúp các em trao dồi về chuyên môn và khả năng ngoại ngữ. Rất nhiều bạn SV tham gia và tiếp tục học các bậc cao hơn khi có học bổng và cơ hội.

Chương trình Co-op với Công ty Cổ Phần Mỹ Lan cũng là một định hướng của CTĐT giúp sinh viên tiếp cận thực tế và trải nghiệm thực hành của doanh nghiệp, học hỏi phong cách làm việc của doanh nghiệp khi còn là sinh viên. Ngoài ra khi tham gia học chương trình CLC, sinh viên được đầu tư không những kỹ năng tiếng anh phổ thông mà còn cả tiếng Anh chuyên ngành. Các em được học một số môn giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh bởi các thầy cô được đào tạo ở nước ngoài về, có kinh nghiệm giảng dạy và yêu nghề. Sinh viên của khoa được cấp học bổng tham gia SV nghiên cứu khoa học, tham gia công bố bài báo quốc tế. Và với những ưu điểm của CTĐT CNSH trong nước của khoa, sinh viên tốt nghiệp của khoa sẽ tự tin hội nhập quốc tế, và các em sẽ có cơ hội học tập lên cao ở các trường nước ngoài.

- Nhu cầu tuyển dụng, cơ hội việc làm, và phát triển nghề nghiệp lâu dài cho SV tốt nghiệp ngành CNTP và CNSH đối với Công ty GC Food có không ?

* Ông Nguyễn Văn Thứ: Công ty GC Food đang trong quá trình phát triển và chúng tôi tiếp tục mở rộng thêm trang trại, xây thêm nhà máy và hợp tác với nông dân để bao tiêu sản phẩm,... vì thế nhu cầu tuyển dụng sinh viên ngành CNSH còn lớn. Đây chính là cơ hội cho các bạn và cũng góp phần trả lời thêm cho câu hỏi vì sao, hiện tại và tương lai, CNSH trở thành một ngành đắt giá!

- Em rất thích lĩnh vực Y dược, nhưng em không thích đi làm ở bệnh viện. Em được biết anh làm trong Viện Pasteur, vậy cho em hỏi em học CNSH thì có thỏa được sự yêu thích của em với Y Dược không ạ? Anh có thể chia sẻ những ứng dụng hay những nghiên cứu mà anh đã và đang làm theo hướng Y Dược để em có thể hiểu rõ hơn không?

* Anh Nguyễn Quang Trường: Lĩnh vực Y dược là một lĩnh vực rất rộng lớn. Nếu bạn có sự yêu thích với Y Dược thì ngành CNSH hoàn toàn có thể đáp ứng sự yêu thích của bạn.

Hiện nay, Có nhiều hướng nghiên cứu, một trong những hướng nghiên cứu tôi đang theo đuổi về tính kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh đường ruột trên các nguồn thực phẩm, động vật và con người. Với mục đích nhằm giám sát tỷ lệ lưu hành, tỷ lệ kháng các kháng sinh được khuyến cáo điều trị hiện nay, tìm hiểu về cơ chế kháng thuốc, cũng như sự di truyền của các gen kháng thuốc giữa các loài vi khuẩn. Từ đó, có thể cung cấp thêm số liệu để xây dựng phác đồ điều trị, kế hoạch dự phòng, dự đoán sự kháng thuốc. Một hướng khác, thực hiện nhiệm vụ trong công tác phòng chống dịch tả, Covid-19.

- Em Chào Thầy Cô, câu hỏi em hơi dài một chút. Từ cấp 2, em đã có mong muốn làm bác sĩ trị những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư. Nhưng đến nay em tìm hiểu được thì BS chữa bệnh theo phác đồ được cho phép chứ không nghiên cứu chuyên sâu. Thầy Cô cấp 3 của em có chia sẻ về CNSH có nghiên cứu về bệnh này. Thầy Cô có thể làm rõ hơn giúp em về vấn đề này được không ạ?

* TS Nguyễn Ngọc Bảo Châu: Công nghệ Sinh học trong Y dược là ứng dụng các kỹ thuật và thành tựu của Công nghệ Sinh học phục vụ cho lĩnh vực Y dược để tạo ra các sản phẩm phân tích các vi sinh vật gây bệnh trên người (như bộ kit chẩn đoán Covid19), tham gia nghiên cứu tìm hiểu các bệnh lý liên quan đến yếu tố di truyền trên người bệnh (như bệnh ung thư, thoái hóa khớp) và các chế phẩm sinh học để điều trị (như Insulin trong điều trị tiểu đường hoặc các loại vaccine). Lĩnh vực CNSH Y dược sẽ khác với khía cạnh y dược phổ biến hiện nay như các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, phẩu thuật, khám và điều trị trực tiếp cho bệnh nhân.

Và tại Khoa CNSH - Trường Đại học Mở TP.HCM có đào tạo chuyên ngành CNSH Y Dược với những thành tích nổi bật, có tính thực tiễn cao.

Từ năm đầu tiên các bạn sẽ được học các khối kiến thức về giáo dục đại cương; kiến thức về kinh tế, luật và khoa học xã hội; khối kiến thức toán, tin và khoa học tự nhiên. Bắt đầu từ năm 2 các bạn học về kiến thức cơ sở ngành như vi sinh, sinh hóa, sinh học phân tử, công nghệ gen,... Dựa trên hiểu nền tảng khối kiến thức cơ sở ngành, đến học kỳ 1 năm 3 các bạn sẽ bắt đầu nhóm kiến thức chuyên ngành về CNSH Y Dược. Ở chuyên ngành này các em sẽ được học những môn như CNSH phân tử ứng dụng trong chẩn đoán, trong trị liệu bệnh ở người. Những môn học liên quan đến các kỹ thuật xét nghiệm vi sinh lâm sàng tại các bệnh viện như Vi sinh Y học, Miễn dịch học. Một số môn liên quan đến hướng ứng dụng trong Dược như: Vi sinh Công nghệ Dược, Hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học, Chiết xuất Dược liệu, Hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất dược phẩm,…

Khi nói đến hoạt động nghiên cứu khoa học về mảng Y Dược của Khoa CNSH thì có nhiều giảng viên chủ trì rất nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, Cấp Sở, Tỉnh. Nhiều công trình Nghiên cứu Khoa học lĩnh vực Y Dược của giảng viên mà đi đầu là nhóm của cô PGS.TS. Lê Huyền Ái Thúy – Trưởng khoa CNSH. Một số hướng nghiên cứu lĩnh vực Y Dược đang phát triển tại Khoa CNSH điển hình như:

- Hướng nghiên cứu về bệnh học phân tử ung thư như ung thư vú, vòm họng, cổ tử cung, thoái hóa khớp, cao cholesterol trong máu có yếu tố di truyền, các bệnh về di truyền khác...

- Hướng nghiên cứu về ứng dụng cấu trúc G-quadruplex: Là dạng cấu trúc bậc 2 ở những vùng giàu guanine của DNA, RNA; có dạng cấu trúc 4 sợi (Quadruplex), bởi những G- tetrad xếp chồng lên nhau. Hiểu và kiểm soát quá trình hình thành dạng cấu trúc này là định hướng nghiên cứu để tìm cách chữa trị ung thư.

- Hướng nghiên cứu về các hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học từ cây dược liệu, vi sinh vật nội sinh cây dược liệu.

Rất nhiều SV tốt nghiệp đúng chuyên ngành và đang làm việc tại các Phòng xét nghiệm vi sinh lâm sàng, Phòng nghiên cứu Sinh học phân tử của Khoa/Phòng Vi sinh ở các Bệnh viện, Trung tâm y tế dự phòng, các Khoa/Phòng tại Viện Pasteur như Khoa Vi sinh- Miễn dịch, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Pháp Y, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc. Còn các Công ty Dược phẩm, đa số các bạn làm việc tại Phòng R&D về Sinh học Dược, bộ phận QC. Bên cạnh đó, các bạn giữ ở những vị trí tại Phòng R&D, nhân viên sản xuất hoặc kinh doanh của các Công ty như CNSH Dược Nanogen, Nam Khoa Biotek, Khoa Thương, Việt Á, Bayer, …và các Công ty kinh doanh thiết bị y tế và sinh phẩm y tế.

- Em quan tâm đến ngành CNSH và thấy rất nhiều trường đào tạo về ngành này, Thầy Cô cho em hỏi làm sao để đánh giá được ngành CNSH ở trường mình là phù hợp với em ạ? Em có thể tham khảo điểm trúng tuyển các năm để biết khả năng của mình không ạ?

* TS Nguyễn Ngọc Bảo Châu: Mỗi trường đều có những đặc điểm riêng, thế mạnh riêng, bạn nên tìm hiểu và lựa chọn môi trường phù hợp với bạn.

Riêng đối với Khoa CNSH Trường Đại học Mở TP HCM, mình chia sẻ như thế này:

Khoa Công nghệ Sinh học (CNSH) Trường ĐH Mở TP.HCM được thành lập đầu tiên ở khu vực phía Nam từ năm 1991 Là một trong những khoa có tiềm lực nghiên cứu khoa học (NCKH) mạnh, có nhiều thành tích nghiên cứu thể hiện qua số lượng các đề tài cấp quốc gia NAFOSTED, cấp Bộ GDĐT, cấp Sở KHCN TP.HCM, các Tỉnh và nhiều công trình khoa học công bố trên các tạp chí uy tín thuộc hệ thống ISI.

Từ những năm đầu thành lập đến nay, sinh viên của Khoa liên tục duy trì nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi NCKH cấp Bộ, Eureka và các cuộc thi khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Khoa CNSH đang nỗ lực và tiếp tục phát triển các nghiên cứu ứng dụng, tạo sản phẩm thiết thực và hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ với hệ thống 10 phòng thí nghiệm được đầu tư hiện đại và đồng bộ.

Ngay từ năm thứ 2 các bạn có thể xin vào Phòng thí nghiệm và có thể chủ nhiệm một đề tài nghiên cứu được nhà trường cấp kinh phí và các hỗ trợ tiếp theo để tham gia các giải thưởng cấp Bộ, Eureka, và các cuộc thi khởi nghiệp… Hơn 10 năm nay, sinh viên của Khoa liên tục duy trì việc đạt nhiều giải cao tại các cuộc thi NCKH được tổ chức bởi Bộ GDĐT và Thành phố Hồ Chí Minh.

Môn học gắn với thực tế, được tham quan kiến tập ở các doanh nghiệp, nhà máy, trung tâm, viện nghiên cứu,..

Khoa CNSH đã ký thỏa thuận hợp tác với hơn 20 Trường Đại học, viện, trung tâm, nhà máy sản xuất uy tín hàng đầu trong lĩnh vực CNSH trong và ngoài nước. Một trong các tổ chức đã ký kết hợp tác (Trường Đại Học Kasetsart, Thái Lan) đang cùng Khoa thực hiện chương trình internship, sử dụng tiếng Anh trong học tập. Thông qua chương trình này, sinh viên năm thứ 3 của Khoa đã có điều kiện đến học tập, NCKH tại Trường Kasetsart, là cơ hội thực tập tốt về chuyên môn cũng như phát triển các kĩ năng khác, đặc biệt là ngoại ngữ. 

Nhà trường có khoảng 10 loại học bổng các loại dành cho SV trong quá trình học tập tại khoa.

Đoàn và Hội khoa CNSH thường xuyên tổ chức các hoạt động giúp SV phát triển các kỹ năng mềm, tham gia các hoạt động xã hội cùng với địa phương. Ngoài các hoạt động ngoại khóa phong phú, Khoa có 6 câu lạc bộ học thuật (CLB Môi trường, CLB Nông nghiệp, CLB Vi sinh – Sinh học phân tử, CLB thực phẩm, CLB Văn – Thể Mỹ và CLB Tiếng Anh) với nhiều hoạt động xuyên suốt năm học nhằm giúp SV ứng dụng kiến thức chuyên môn vào các thực tế, mang tính ứng dụng cao.

Từ những thông tin trên, nếu em yêu thích lĩnh vực CNSH, đặc biệt là các ứng dụng của CNSH vào cuộc sống, em có niềm đam mê nghiên cứu khoa học và thích tìm tòi, học hỏi, thích được trải nghiệm và sáng tạo thì cô tin rằng khoa CNSH trường Đại Học Mở Tp.HCM sẽ là nơi em có thể gắn bó, và sẽ là nơi đồng hành cùng em cho hành trình tương lai phía trước.

Điểm trúng tuyển: Thông tin tham khảo điểm trúng tuyển các năm: http://tuyensinh.ou.edu.vn/diem-trung-tuyen-2017-2019-1581928239

- CNSH: 16,15,15,18.5 (tương ứng 2020, 2019, 2018, 2017)

- CNSH CLC: 16, 15,15 (tương ứng 2020, 2019 ,2018)

Các chuyên gia trong chương trình:

- TS Nguyễn Ngọc Bảo Châu, Phó Trưởng Khoa CNSH Trường ĐH Mở TP HCM

- Thạc sĩ Tạ Đăng Khoa, giảng viên Tổ Bộ môn CNSH Thực phẩm, Trường ĐH Mở TP HCM

- Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch hội đồng quản trị GC Group, kiêm Tổng Giám Đốc GC Food

- Anh Nguyễn Quang Trường - Cựu SV Khóa 2004, Học viên cao học Khóa 2 - Hiện là Nghiên cứu viên Phòng Vi khuẩn Đường Ruột - Viện Pasteur TP HCM.

- MC - Thạc sĩ Dương Nhật Linh - Giảng viên Tổ bộ môn CNSH Y Dược, Trường ĐH Mở TP HCM

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top