• Thứ Hai, 07 tháng 03, 2022
  • 16:54 GMT +7

Tư vấn tuyển sinh ngành Công nghệ sinh học

Hải Dương/nguồn OU
Vào lúc 17 giờ 00 ngày 7/3 diễn ra chương trình tư vấn tuyển sinh ngành Công nghệ sinh học.

Công nghệ sinh học (CNSH) đã trả thành một phần quan trọng đối với cuộc sống hiện đại ngày nay, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như Y tế, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, môi trường, an ninh quốc phòng... Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp và công nghiệp chế biến đều đã trải quan các cuộc cách mạng CNSH vượt bậc với nhiều đóng góp quan trọng nhờ vào kỹ thuật nuôi cấy mô, kỹ thuật di truyền, công nghệ vi sinh...

Thí sinh quan tâm đến ngành công nghệ sinh học có thể theo dõi, đặt câu hỏi để được trả lời.

Tham gia chương trình tư vấn có:

- TS Nguyễn Ngọc Bảo Châu- Phó trưởng khoa CNSH, Trường ĐH Mở TP HCM

- ThS Dương Nhật Linh- Giảng viên Khoa CNSH, Trường ĐH Mở TP HCM- chuyên gia đào tạo khởi nghiệp Công nghệ sinh học

- Anh Quang Trọng Minh- Cựu sinh viên khoa CNSH Trường ĐH Mở TP HCM – Học bổng Vingroup

Chương trình được tường thuật trực tuyến trên kênh Facebook: Trường ĐH Mở Tp. HCM – Tư vấn tuyển sinh, giaoduc247.vn, website tuyensinh.ou.edu.vn, youtube OU,....

 

Phần tường thuật trực tiếp

- Em muốn tìm hiểu về các ngành đào tạo tại khoa CNSH Trường Đại học Mở TP. HCM? Năm 2022 có ngành nào mới và em có thể đăng ký xét tuyển vào Khoa như thế nào ạ? (Minh Lan, TP HCM)

TS Nguyễn Ngọc Bảo Châu, trả lời: Khoa Công nghệ Sinh học (CNSH) Trường ĐH Mở TP HCM được thành lập đầu tiên ở khu vực phía Nam từ năm 1991. Khoa Công nghệ Sinh học (CNSH) Trường ĐH Mở TP HCM gồm hai khối ngành Công nghệ Thực phẩm (CNTP) và Công nghệ sinh học (CNSH) đại trà và CLC với 3 chuyên ngành CNSH Y Dược, CNSH Thực phẩm, CNSH Nông nghiệp - Môi trường. Từ những năm đầu thành lập đến nay, sinh viên của Khoa liên tục duy trì nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi NCKH cấp Bộ, Eureka và các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hiện nay, Khoa CNSH đang nỗ lực và tiếp tục phát triển các nghiên cứu ứng dụng, tạo sản phẩm thiết thực và hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ với hệ thống 10 phòng thí nghiệm được đầu tư hiện đại và đồng bộ.

Đầu vào khối tuyển sinh là A, B, D, và xét học bạ. Năm học 2022 nhà trường có 6 phương thức xét tuyển.

Em có thể tham khảo trang web tuyển sinh: http://tuyensinh.ou.edu.vn/thong-tin-tuyen-sinh-dai-hoc-he-chinh-quy-nam-2022

Hoặc gọi số Hotline 1800 5858 84 để được tư vấn thêm nhé.

Các khách mời trong chương trình

- Để hiểu rõ về Ngành Công nghệ sinh học (CNSH), thầy cô có thể chia sẻ về những ứng dụng của CNSH trong cuộc sống thường nhật được không ạ? (Thanh Tùng, Bình Dương).

ThS. Dương Nhật Linh, trả lời: Công nghệ Sinh học hiểu theo nghĩa chung nhất là việc sử dụng các quá trình sinh học để tạo ra sản phẩm có ích cho con người như quá trình lên men tạo ra các sản phẩm sữa chua, phô mai, bia rượu....

Khái niệm Công nghệ Sinh học hiện đại ngày nay liên tưởng đến việc ứng dụng các phương pháp hiện đại của thao tác DNA để tạo thành sản phẩm ví dụ như bộ kit chẩn đoán Covid 19, và tạo ra các phẩm protein tái tổ hợp như Insulin trong điều trị bệnh tiểu đường….

Hiện nay CNSH đã được ứng dụng ngày càng mạnh mẽ đem lại lợi ích cho cả người sản xuất và tiêu dùng trong lĩnh vực Nông nghiệp- Môi trường, những sản phẩm thân thiện môi trường như nước rửa chén, bột giặt từ trái bồ hòn, các loại tinh dầu xả, tinh dầu tràm, tinh dầu bạch đàn,… được chiết xuất với hàm lượng hoạt chất cao, tăng hiệu quả cho người sử dụng.

Hay Cây nuôi cấy mô có chất lượng cao, màu sắc đa dạng, độc đáo như hoa lan hồ điệp, hoa cẩm chướng, đồng tiền; CNSH ứng dụng trong lĩnh vực nuôi trồng nấm ăn, nấm dược liệu; CNSH ứng dụng trong phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng từ các chế phẩm sinh học như dầu neem trị bệnh nấm xanh, nấm trắng, các bệnh cho cây trồng,…

CNSH ứng dụng trong thực phẩm như các loại nước uống lên men, nước hoa quả lên men,… Thực phẩm chức năng (hay còn gọi là thực phẩm hỗ trợ sức khoẻ) là một loại thực phẩm được nhà sản xuất phát triển và chế biến từ các loại dược liệu, thực vật hay động vật ăn được có trong tự nhiên mà trong đó các nguồn nguyên liệu thực phẩm này chứa những chất giúp bổ sung và cải thiện khả năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.

- Anh cho em hỏi học CNSH có khó không ạ? Anh có thể chia sẻ cơ duyên nào mà anh chọn ngành CNSH ở Trường Đại học Mở Tp. HCM ạ? Điều gì làm anh nhớ hay tâm đắc  về những gì được học và thời sinh viên tại Khoa CNSH, Trường Đại học Mở TP. HCM? Anh có thể chia sẻ được không ạ? (Nguyễn Thu Thuỷ, Bình Dương).

Anh Quang Trọng Minh, trả lời: Mình sinh ra trong gia đình có truyền thống học y và làm bác sĩ, thế nhưng tự thấy bản thân không được giỏi như những người thân của mình. Cuối cùng khi nhận ra được khả năng của mình đến đâu, Minh đã quyết tâm chọn một ngành có liên quan với ngành y đam mê và một trường có mức điểm đầu vào thấp hơn để theo học. Và Minh chấp nhận xuống Bình Dương để học đại học. Cho nên mình hiểu được mình cần phải cố gắng nhiều hơn, phải học làm sao để xứng đáng với từng giờ học, và với công sức, tiền bạc mà ba mẹ đã bỏ ra cho mình ăn học. Nhiều lúc phải chạy xe đi lại xa như vậy để học đại học, Minh tự đặt câu hỏi tại sao mình đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn không đạt được kết quả học tập như mong muốn, không giống được như những người khác, như các thủ khoa đầu vào của các trường. Nhưng rồi với tất cả những gì đã trải qua, Minh khẳng định “Dù chúng ta không quá giỏi, sinh ra không được giỏi như nhiều bạn khác, nhưng mà chúng ta vẫn có cách để thành công, các bạn ạ”.

Không gì xót xa bằng chưa tốt nghiệp mà người thân đã mất.Điều mình muốn nói với các bạn nhiều nhất, đó chính là các nhà khoa học có thể sáng chế ra bất kỳ loại thuốc nào, một loại vắc xin nào để trị các căn bệnh hiểm nghèo trên thế giới nhưng chắc chắn không bao giờ trị được thời gian. Các bạn phải luôn nhớ thời gian là một kẻ vô tình, thời gian có thể mang người thân của mình đi bất cứ lúc nào. Nên phải biết quí trọng từng giây từng phút, khi ngồi trên lớp học hãy học làm sao cho xứng đáng với giờ học đó, xứng đáng với những tiết học mà ba mẹ đã bỏ tiền ra cho các bạn học. Và phải luôn cảnh tỉnh mình là luôn cố gắng, vì hoàn cảnh đó và cố gắng vì chính gia đình và bản thân mình. Không phải ai sinh ra cũng có hoàn cảnh tốt, nhưng chúng ta phải tạo nên hoàn cảnh. May mắn, mình gặp được người thầy, người cô đã giúp mình tìm cách phát triển EQ (Trí tuệ cảm xúc) dựa trên các khía cạnh của trí tuệ cảm xúc, giúp mình tự kiểm soát cảm xúc, thích ứng trong từng hoàn cảnh, định hướng mục tiêu dưới góc nhìn tích cực, làm tăng động lực nội tại của bản thân. Từ đó, “hạnh phúc” dưới góc nhìn khoa học đã giúp mình thành công rất nhiều trên con đường NCKH và học tập.

- Học CNSH sẽ học ở đâu và học phí như thế nào ạ vì em biết ngành này hay có thực hành với thí nghiệm? Em cũng muốn biết là em có thể xét tuyển bằng học bạ được không, 5 hay 6 học kỳ ạ? Thời gian đăng ký như thế nào? (Thu Hoài, Đồng Nai)

TS Nguyễn Ngọc Bảo Châu

TS Nguyễn Ngọc Bảo Châu, trả lời: Sinh viên được học tập trong một môi trường chú trọng giảng dạy kết hợp NCKH. Các bài giảng lý thuyết hầu hết được minh hoạ qua thực hành cũng như làm sâu sắc hơn kiến thức thông qua các chủ đề NCKH gắn với thực tiễn đời sống, gắn với các tình huống xuất phát từ các chủ đề nghiên cứu của các GV; và chính điều này đã tạo nên nét đặc thù trong đào tạo của Khoa.

Khi là SV của khoa CNSH, các em sẽ học Lý thuyết ở các cơ sở của trường tại TP.HCM và thực hành sẽ học tại CS 3, Tỉnh Bình Dương, sinh viên sẽ được xe đưa và đón miễn phí từ Tp.HCM đi Bình Dương giúp các em thuận tiện trong học tập.

- Về xét tuyển, Em có thể tham gia xét tuyển bằng học bạ với các phương thức sau:

Phương thức 4: Ưu tiên xét tuyển Học sinh Giỏi.

Phương thức 5: Ưu tiên xét tuyển học bạ có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Phương thức 6: Xét tuyển theo kết quả học tập THPT: - Điều kiện đăng ký hồ sơ: Tổng Điểm trung bình môn học các môn trong tổ hợp xét tuyển (Điểm Đăng ký xét tuyển - không bao gồm điểm ưu tiên) phải đạt từ 18,00 điểm trở lên đối với các ngành Công nghệ sinh học (đại trà và chất lượng cao), Công tác xã hội, Xã hội học, Đông Nam Á học. Các ngành còn lại từ 20,00 điểm trở lên.

Em có thể tham khảo trang web tuyển sinh: http://tuyensinh.ou.edu.vn/thong-tin-tuyen-sinh-dai-hoc-he-chinh-quy-nam-2022

Hoặc gọi số Hotline 1800 5858 84 để được tư vấn hướng dẫn chi tiết.

Năm nay trường có đào tạo thêm ngành mới là Công nghệ thực phẩm. Thầy Cô cho em hỏi ngành CNTP có gì khác với CNSH không ạ? Em thấy trong brochure thì ngành CNSH có chia chuyên ngành CNSH ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm? Vậy nó khác nhau ở điểm nào ạ? (Nguyễn Hằng, Tiền Giang)

ThS. Dương Nhật Linh

ThS. Dương Nhật Linh, trả lời:  Để hiểu rõ điều này, chúng ta cần khái quát 2 ngành học CNSH và CNTP:

- Hiểu một cách đơn giản, Công nghệ sinh học là một lĩnh vực công nghệ cao, đa ngành và tích hợp, CNSH nghiên cứu và vận dụng sinh vật sống kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật để tạo ra sản phẩm và sản xuất ở quy mô công nghiệp với các sản phẩm sinh học phục vụ cho lợi ích của con người và bảo vệ môi trường….Một vài ứng dụng của ngành Công nghệ sinh học trong đời sống như: sản xuất thuốc, sản xuất thực phẩm; phát triển giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ di truyền, xét nghiệm trong y khoa; giải quyết các vấn đề môi trường;…

- Công nghệ thực phẩm là ngành chuyên về lĩnh vực bảo quản và chế biến thực phẩm; kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm trong quá trình chế biến thực phẩm; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, vận hành dây chuyền sản xuất – bảo quản, tạo nguyên liệu mới trong lĩnh vực thực phẩm hoặc dược phẩm, hóa học,…Với mục tiêu cung cấp một nền tảng vững chắc cho việc ứng dụng khoa học thực phẩm cho sản xuất các sản phẩm thực phẩm, phân tích và phát triển các giải pháp kỹ thuật và công nghệ để giải quyết tổng thể các vấn đề của ngành công nghiệp thực phẩm.

Ứng dụng của Công nghệ thực phẩm là vô cùng đa dạng, vì tất cả những gì liên quan đến đồ ăn thức uống, an toàn thực phẩm đều có thể ứng dụng kiến thức ngành học này: chế biến bánh kẹo, chế biến lương thực, thực phẩm (thịt, cá, sữa, cà phê, đồ hộp, trà…)…

Như vậy Ngành CNSH và CNTP thực tế là 2 ngành khác nhau, nhưng có những điểm chung và điểm riêng của mỗi ngành.

Chuyên ngành CNSH ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm là một trong những ứng dụng của CNSH trong lĩnh vực thực phẩm: lên men, kỹ thuật enzym ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm…

Bên cạnh đó, còn một điểm khác nhau nữa là bằng tốt nghiệp ĐH. Sinh viên học ngành CNTP thì trên văn bằng tốt nghiệp ghi ngành Cử nhân CNTP, tương tự cho ngành CNSH thì bằng tốt nghiệp sẽ ghi cử nhân CNSH (dù các bạn học chuyên ngành Công nghệ sinh học thực phẩm)

- Được biết anh Minh là một trong các lứa thủ khoa toàn trường tốt nghiệp xuất sắc từ trường ĐH Mở TP.HCM, anh có thể cho em biết thêm các cảm nhận của anh khi học tập tại Khoa CNSH được không ạ? (Nguyễn Lan Anh, Long An).

Quang Trọng Minh

Quang Trọng Minh

Anh Quang Trọng Minh, trả lời: Trước hết, mình cảm thấy hoàn toàn tin tưởng chương trình đào tạo của Khoa, vốn luôn mềm dẻo và linh hoạt cả về nội dung đào tạo nhằm đáp ứng một cách tốt nhất nguyện vọng của sinh viên khi theo học và nhu cầu thực tế của thị trường lao động, giúp cho các bạn sinh viên ra trường (bao gồm cả anh) dễ dàng có được việc làm phù hợp với năng lực chuyên môn và thích ứng nhanh với môi trường làm việc có tính cạnh tranh cao.

Sau khi học xong chương trình, các Cử nhân Công nghệ Sinh học bọn anh hoàn toàn có thể:

(1) Làm việc ở các cơ quan quản lý có liên quan đến Sinh học và Công nghệ Sinh học của các Bộ, Ngành, hoặc các địa phương.

(2) Phụ trách kỹ thuật, quản lý chất lượng, kiểm nghiệm tại các đơn vị sản xuất trong các lĩnh vực Nông, Lâm, Y - Dược, chế biến Thực phẩm, Khoa học Môi trường...

(3) Nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực về Sinh học, Sinh học thực nghiệm và Công nghệ Sinh học ở các doanh nghiệp, Viện nghiên cứu, các Trung tâm và cơ quan nghiên cứu của các Bộ, Ngành, các trường Đại học và Cao đẳng.

(4) Tham gia giảng dạy sinh học (một số môn sinh học thực nghiệm) và công nghệ sinh học ở các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học Chuyên nghiệp..

(5) Tạo lập hoặc tham gia quản lý, điều hành trang trại, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm CNSH.

(6) Tư vấn, tiếp thị tại các đơn vị thương mại, dịch vụ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, y dược..

(7) Tiếp tục theo học các bậc sau đại học.

Cuối cùng, bọn anh còn có được nhận thức và trách nhiệm của sinh viên đối với xã hội, được rèn luyện thể chất và tinh thần, biết giữ gìn đạo đức nghề nghiệp để trở thành người trí thức đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển đất nước, phát triển tư duy độc lập và sáng tạo, khả năng tự học hỏi,…

Ngoài ra, các bạnsinh viên theo học các ngành phụ như Công nghệ Thực phẩm, Công nghệ Dược phẩm hoặc Quản trị Kinh doanh sẽ được Khoa trang bị thêm các kiến thức cơ bản, kỹ năng thực hành, ứng dụng  trong một ngành mới ngoài CNSH.

- Em quan tâm đến ngành CNSH và thấy rất nhiều trường đào tạo về ngành này, Thầy Cô cho em hỏi làm sao để đánh giá được ngành CNSH ở trường mình là phù hợp với em ạ?

Em có thể tham khảo điểm trúng tuyển các năm để biết khả năng của mình không ạ? (Minh Nhật, Đồng Tháp)

ThS. Dương Nhật Linh, trả lời:  Mỗi trường đều có những đặc điểm riêng, thế mạnh riêng, bạn nên tìm hiểu và lựa chọn môi trường phù hợp với bạn.

Riêng đối với Khoa CNSH Trường ĐH Mở TP HCM, mình chia sẻ như thế này:

Khoa Công nghệ Sinh học (CNSH) Trường ĐH Mở TP HCM được thành lập đầu tiên ở khu vực phía Nam từ năm 1991 Là một trong những khoa có tiềm lực nghiên cứu khoa học (NCKH) mạnh, có nhiều thành tích nghiên cứu thể hiện qua số lượng các đề tài cấp quốc gia NAFOSTED, cấp Bộ GDĐT, cấp Sở KHCN TP.HCM, các Tỉnh và nhiều công trình khoa học công bố trên các tạp chí uy tín thuộc hệ thống ISI.

Từ những năm đầu thành lập đến nay, sinh viên của Khoa liên tục duy trì nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi NCKH cấp Bộ, Eureka và các cuộc thi khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Khoa CNSH đang nỗ lực và tiếp tục phát triển các nghiên cứu ứng dụng, tạo sản phẩm thiết thực và hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ với hệ thống 10 phòng thí nghiệm được đầu tư hiện đại và đồng bộ.

Ngay từ năm thứ 2 các bạn có thể xin vào Phòng thí nghiệm và có thể chủ nhiệm một đề tài nghiên cứu được nhà trường cấp kinh phí và các hỗ trợ tiếp theo để tham gia các giải thưởng cấp Bộ, Eureka, và các cuộc thi khởi nghiệp… Hơn 10 năm nay, sinh viên của Khoa liên tục duy trì việc đạt nhiều giải cao tại các cuộc thi NCKH được tổ chức bởi Bộ GD- ĐT và TP Hồ Chí Minh.

Môn học gắn với thực tế, được tham quan kiến tập ở các doanh nghiệp, nhà máy, trung tâm, viện nghiên cứu,..

Khoa CNSH đã ký thỏa thuận hợp tác với hơn 20 Trường Đại học, viện, trung tâm, nhà máy sản xuất uy tín hàng đầu trong lĩnh vực CNSH trong và ngoài nước. Một trong các tổ chức đã ký kết hợp tác (Trường Đại Học Kasetsart, Thái Lan) đang cùng Khoa thực hiện chương trình internship, sử dụng tiếng Anh trong học tập. Thông qua chương trình này, sinh viên năm thứ 3 của Khoa đã có điều kiện đến học tập, NCKH tại Trường Kasetsart, là cơ hội thực tập tốt về chuyên môn cũng như phát triển các kĩ năng khác, đặc biệt là ngoại ngữ. 

Nhà trường có khoảng 10 loại học bổng các loại dành cho SV trong quá trình học tập tại khoa.

Đoàn và Hội khoa CNSH thường xuyên tổ chức các hoạt động giúp SV phát triển các kỹ năng mềm, tham gia các hoạt động xã hội cùng với địa phương. Ngoài các hoạt động ngoại khóa phong phú, Khoa có 6 câu lạc bộ học thuật (CLB Môi trường, CLB Nông nghiệp, CLB Vi sinh – Sinh học phân tử, CLB thực phẩm, CLB Văn – Thể Mỹ và CLB Tiếng Anh) với nhiều hoạt động xuyên suốt năm học nhằm giúp SV ứng dụng kiến thức chuyên môn vào các thực tế, mang tính ứng dụng cao.

Từ những thông tin trên, nếu em yêu thích lĩnh vực CNSH, đặc biệt là các ứng dụng của CNSH vào cuộc sống, em có niềm đam mê nghiên cứu khoa học và thích tìm tòi, học hỏi, thích được trải nghiệm và sáng tạo thì cô tin rằng khoa CNSH trường ĐH Mở TP HCM sẽ là nơi em có thể gắn bó, và sẽ là nơi đồng hành cùng em cho hành trình tương lai phía trước.

Điểm trúng tuyển: Thông tin tham khảo điểm trúng tuyển các năm: http://tuyensinh.ou.edu.vn/diem-trung-tuyen-2017-2019-1581928239

- Được biết chương trình hôm nay có anh Quang Trọng Minh – một gương Sinh viên Việt Nam tiêu biểu được biểu dương trên các phương tiện truyền thông đại chúng như báo Thanh Niên, báo Tuổi Trẻ, kênh truyền hình HTV9,…Hiện nay, anh còn 1 trong 2 sinh viên đã tốt nghiệp của Khoa đạt được Học bổng Thạc sĩ trong nước của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup. Anh có thể chia sẽ thêm về cách anh lập trình để có được các thành tích hiện tại? (Thanh Hải, Cần Thơ)

Anh Quang Trọng Minh, trả lời:  Để đạt thủ khoa tốt nghiệp toàn trường ĐH Mở TP HCM, anh luôn lấy siêng năng làm gốc rễ để phát triển bằng cách học tập lắng nghe, ghi chú, đọc hiểu và “xào nấu” kiến thức theo cách riêng để “biến tấu” kiến thức học được trở thành một “giai điệu” dễ ghi nhớ, giúp tăng khả năng suy luận logic, khả năng phân tích và lập luận chặt chẽ trong quá trình học. Theo đó, những kiến thức “hợp vần” sẽ được mình cảm thụ, vận dụng chuyên sâu và lồng ghép vào những câu thành ngữ do bản thân mình tự sáng tạo để đạt được năng lượng học tập cao, tăng khả năng nghe hiểu, ghi nhớ thông tin, vốn từ và sự nhạy cảm với nghĩa từ. Ngoài ra, gia đình luôn là động lực phấn đấu không ngừng nghỉ của anh và sự may mắn khi được gặp gỡ, học hỏi và trao đổi với nhiều thầy cô, anh chị và đồng nghiệp giỏi có chuyên môn cao tại Khoa CNSH trường ĐH Mở TP HCM.

Về nghiên cứu khoa học sinh viên tại Khoa, anh đã nhận được sự hỗ trợ to lớn từ PGS- TS Lê Huyền Ái Thúy, TS Lao Đức Thuận, anh Nguyễn Hoàng Danh trên con đường chuyên sâu về mảng bệnh học phân tử. Cùng với đội nhóm được sự nuôi dưỡng của Nhà Trường, anh đã liên tục đạt nhiều giải thưởng cao trong các giải cuộc thi NCKH như Eureka, sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ Giáo Dục và Đào tạo,... cùng một số công trình trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước để từ đó là một trong 12 tấm gương sinh viên học tập và nghiên cứu khoa học tiêu biểu của TP HCM và là Đại biểu Tài năng trẻ (Sinh viên tài năng) Việt Nam.

Từ hai nền tảng được bồi dưỡng tốt là học tập chuyên sâu và nâng cao năng lực NCKH tại khoa CNSH, anh đã vinh dự được hỗ trợ tài chính cho học viên cao học xuất sắc đang theo học các chương trình sau đại học trong nước từ Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup để phát triển nghề nghiệp và bản thân trong bối cảnh hội nhập và phát triển của đất nước cũng như tạo ra lợi ích thiết thực và bền vững cho cộng đồng người Việt Nam. Việc đạt học bổng Vingroup đã mở ra cơ hội cho bọn anh chuyên tâm phát triển ngay trong nước, và là nền tảng vững chắc tạo động lực phát triển bền vững cho đất nước.

Do đó, khi nhìn lại các thành tích hiện tại, mình biết ơn lắm, những người Thầy, người Cô, người Anh, người Chị, người bạn và người em tại Khoa CNSH trường ĐH Mở TP HCM đã luôn thương mình từ trái tim hiểu biết, cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ vô tư. Đó là “gia tài” lớn nhất tính đến nay của mình.

Sinh viên ngành Công nghệ sinh học

Sinh viên ngành Công nghệ sinh học

- Em đang rất bối rối trong việc lựa chọn ngành học, em cũng có tìm hiểu về ngành CNSH nhưng em không biết mình có phù hợp với ngành kỹ thuật này hay không. Thầy cô cho em hỏi ngành CNSH cần tố chất nào ạ? (Lê Thuý, TP Đà Lạt)

TS Nguyễn Ngọc Bảo Châu, trả lời: Theo cô nghĩ muốn theo học ngành CNSH thì ngoài niềm yêu thích và đam mê thì tính tỉ mỉ, cẩn thận, trung thực cũng rất quan trọng vì là ngành học thường xuyên tham gia thực hành và nghiên cứu, hoàn thiện xây dựng những quy trình để có thể ứng dụng vào cuộc sống. Bên cạnh đó, các kỹ năng mềm và ngoại ngữ cũng là yếu tổ không thể thiếu trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

ThS Dương Nhật Linh, trả lời: Các tiêu chí để học các ngành nghiên cứu nói chung và ngành CNSH nói riêng cần có:

- Đam mê và kiên trì

- Khả năng tổng hợp và phân tích thông tin

- Cập nhật các ứng dụng công nghệ, phần mềm mới.

 Anh Quang Trọng Minh, trả lời: Nếu bạn muốn chọn ngành học để sau này chỉ cần có một nghề nghiệp thỏa mãn nhu cầu vật chất thì đó chưa phải là đam mê mà chỉ là công việc đơn thuần. Nhưng khi bạn luôn đau đáu vì nó, muốn làm tốt hơn, luôn tìm tòi sáng tạo và sống với nó bằng tất cả cảm xúc vui buồn thì đó chính là đam mê. Đam mê đôi khi không tự nhiên mà có, mà nó xuất phát từ sự gắn bó, trải nghiệm. Nếu bạn muốn chọn ngành học để sau này chỉ cần có một nghề nghiệp thỏa mãn nhu cầu vật chất thì đó chưa phải là đam mê mà chỉ là công việc đơn thuần. Nhưng khi bạn luôn đau đáu vì nó, muốn làm tốt hơn, luôn tìm tòi sáng tạo và sống với nó bằng tất cả cảm xúc vui buồn thì đó chính là đam mê. Chúng ta hãy cho phép mình thử một lần, trải nghiệm nó, thì mới biết ngành nghề có phù hợp hay không.

Để có thể học tốt CNSH, Trong năm 1 chúng ta đa phần chỉ học những môn đại cương, lúc này các bạn thường hay có cảm giác chán nản rồi tự hỏi mình có đang chọn đúng ngành không, nhưng thực ra năm nhất thì chúng ta chưa vào học các môn cơ sở ngành nên chưa thể đánh giá được gì. Mình khuyên các bạn trong năm nhất, trước khi vào cơ sở ngành thì nên giỏi một ngoại ngữ nào đó để có thể trở thành “mồi câu” cho các giảng viên chú ý, các bạn cũng nên xem ngoại ngữ như một căn cước công dân chứ không phải chỉ học cho có. Đến năm 2 thì các bạn nên kiếm điểm thật cao ở các môn cơ sở ngành và chuyên ngành, vì lúc này bảng điểm của mình quyết định rất nhiều đến việc các nhà tuyển dụng ứng tuyển các bạn sau này. Hãy đầu tư chuyên biệt để giỏi ở một chuyên môn nào đó, khi chuyên môn của mình giỏi thì từ đó chúng ta sẽ tự biết cách gọi giá để các nhà tuyển dụng đầu tư vào mình.

- Là một sinh viên vừa tốt nghiệp, Anh đánh giá như thế nào về khả năng thích ứng của SV Khoa CNSH với công việc sau khi ra trường và cơ hội việc làm thực tế của SV tốt nghiệp từ Trường ĐHM ạ? Làm thế nào để SV có thể hòa nhập tốt trong môi trường cạnh tranh, năng động và chuyên nghiệp ạ? (Nguyễn Quang, Bình Phước)

Anh Quang Trọng Minh, trả lời: Khả năng thích ứng của sinh viên Khoa CNSH với công việc sau khi ra trường là tương đối cao, một số sinh viên sau khi ra trường có rất nhiều cơ hội để học tập sau hơn ở trong và ngoài nước. Đa số các bạn có việc làm đúng chuyên ngành, hoặc một số sinh viên tốt nghiệp khoa CNSH đại học Mở vẫn rất thành công trong thế giới trái ngành vì tính giáo dục linh động và mềm dẻo tại Khoa giúp cho các bạn có một tư duy mở, và luôn chủ động trong bất kỳ công việc được giao (kể cả trái ngành).

Để sinh viên có thể hòa nhập tốt trong môi trường cạnh tranh, năng động và chuyên nghiệ thì sinh viên vừa tốt nghiệp cần phải có kiến thức chuyên ngành(;Người có bằng cấp cao chưa chắc kiến thức chuyên môn vững vàng, vì họ thiếu cập nhật hay chẳng có nghiên cứu); có đạo đức nghề nghiệp; có tinh thần trách nhiệm; biết tự kiểm soát và chỉn chu trong hình ảnh, phong cách cá nhân, và cuối cùng là biết tôn trọng và coi trọng công việc và mọi người.

- Học CNSH thì có tự kinh doanh hay khởi nghiệp được không ạ? (Phương Nhung, Bình Thuận)

ThS Dương Nhật Linh, trả lời: Học CNSH thì có tự kinh doanh hay khởi nghiệp được không ạ? Sáng tạo và khởi nghiệp là môn học được đưa vào CTĐT của khoa từ năm 2019 nhằm giúp các em có những kiến thức và kỹ năng cơ bản trong hoạt động sáng tạo khởi nghiệp. Trong quá trình học, các em còn được chia sẻ bởi những chuyên gia có kinh nghiệm, thực tiễn. Bên cạnh đó, Thầy Nguyễn Văn Minh, GV của khoa cũng có rất nhiều kinh nghiệm thực tế về hoạt động sáng tạo khởi nghiệp, Thầy đã dẫn dắt sinh viên tham gia một số cuộc thi và đạt các giải thưởng trong những năm vừa qua.

Bên cạnh đó, Trường cũng như Khoa có những CLB khởi nghiệp dành cho SV, đây là những sân chơi để các em có thể trao dồi những kiến thức để tạo ra 1 sản phẩm phục vụ lợi ích cho xã hội bắt đầu từ những đam mê của mình

Nói như vậy để một lần nữa khẳng định với các em là học ngành CNSH, CNTP các em hoàn toàn có thể khởi nghiệp khi tích hợp được các yếu tố cần thiết.

- Cô có thể chia sẻ thêm về những định hướng hay chương trình đào tạo của Khoa có gắn liền với doanh nghiệp không ạ? Các ngành CNSH của trường có chương trình Liên kết  quốc tế, nước ngoài và có cấp bằng chưa? (Nguyễn Khánh Linh, Bình Thạnh)

TS. Nguyễn Ngọc Bảo Châu, trả lời: 

Với định hướng đào tạo theo hướng ứng dụng, bên cạnh việc chú trọng giáo dục toàn diện một con người, CTĐT cử nhân CNSH, Trường ĐH Mở TP.HCM tập trung đào tạo kiến thức cũng như kỹ năng thực hành nghề nghiệp, Khoa luôn tạo điều kiện kết nối để SV được thực tập tại các đơn vị bên ngoài Trường như các bệnh viện, trung tâm y tế, doanh nghiệp, viện nghiên cứu…, để có có điều kiện học hỏi nhiều hơn từ thực tế.

* Từ năm 2018, khoa đã cây dựng chương trình trao đổi sinh iên ngắn hạn khoảng 3-4 tháng tại trường Đại học Kasetsart, Thái Lan. Chương trình có sự tham gia của SV của một số nước như Nhật Bản, Malaysia, Myanma, v.v. Đây là cơ hội cho SV giao lưu quốc tế, học hỏi và tham gia nghiên cứu cùng SV quốc tế, là cơ hội thực tập tốt về chuyên môn cũng như phát triển các kĩ năng khác, đặc biệt là ngoại ngữ.

* Đặc biệt, năm 2020 Khoa triển khai chương trình Co-op, đây là một chương trình hợp tác hay chương trình liên kết, SV học tập các học kỳ tại trường xen kẽ ới học kỳ làm việc ở các Tập đoàn, Công ty tư nhân hay Nhà nước. SV tham gia chương trình sẽ tích lũy được kinh nghiệm làm việc trong lúc học tập tại trường và được doanh nghiệp trả lương trong học kỳ làm việc.

Trong tương lai, khoa sẽ tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp để tiếp tục duy trì và phát triển chương trình trao đổi, thực tập SV. Sinh viên sau khi hoàn tất chương trình trao đổi, thực tập ngắn hạn đều được cấp giấy chứng nhận tham gia chương trình của đơn vị mình tham gia.

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top