Ảnh minh hoạ
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên môn Văn Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP HCM): Cô hiểu đây là nỗi trăn trở của nhiều thí sinh muốn hoàn thiện bài thi môn văn.
Thực ra, làm bài văn cũng như một kiến trúc sư thiết kế công trình. Dù bài nghị luận xã hội, nghị luận văn học, ở dạng văn bản nào thì chúng ta cũng phải làm bài đúng nội dung, quy cách. Đầu tiên thí sinh sẽ thực hiện việc cân đối thời gian cho bài làm? Trong 30 phút cho bài nghị luận xã hội thì phần mở bài, thân bài, kết bài mỗi phần các em dành bao nhiêu phút. Chúng ta phải nhận diện vấn đề cần bàn bạc trong bài nghị luận xã hội, các em cần bàn luận vấn đề gì: Từ ngữ, khái niệm, từ dấu chấm câu…tất cả tín hiệu mà các em tiếp nhận để nhận diện vấn đề. Các em cần gạch được những ý chính (ít nhất 3 ý chính) từ các ý chính triển khai các ý phụ. Sau khi nhận diện vấn đề thì giải thích, làm rõ khái niệm, nêu hiện trạng, các em cần tìm hiểu tác động của vấn đề đó đến bản thân, xã hội… sau đó đưa ra chính kiến của bản thân. Dù đồng tình hay ý kiến trái chiều cũng phải chứng minh, cho quan điểm đó… sau đó chúng ta đưa ra giải pháp, sáng kiến…
Ở nghị luận văn học cũng thế, chỉ khác là đối tượng bàn bạc gần như đã lộ diện, có thể là một đoạn thơ, bài thơ, một nhân vật. Công việc của thí sinh là khám phá ra cái hay, cái đẹp của đoạn thơ đó, bài thơ đó, hình tượng nhân vật đó… Văn chương là nghệ thuật ngôn từ, chúng ta phải chú ý đến cả cách trình bày, liên kết câu, từ ngữ… Khi làm bài, thí sinh phải thực hiện đúng nội dung và quy cách. Các thầy cô chấm bài sẽ chú ý đến chính tả, cấu trúc bài làm, cách trình bày…chứ không phải các em trình bày lan man, hoặc chỉ những gạch đầu dòng là được.