• Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2023
  • 21:07 GMT +7

Sinh viên Việt Nam đi du học nước ngoài ngày càng nhiều

Việt Nam có khoảng 3,6% sinh viên đại học đang du học nước ngoài. Đây là mức trung bình đối với các quốc gia có tổng số đầu vào sinh viên nhập học tương đương. Nhưng tỷ lệ này, với Việt Nam, tốc độ tăng là nhanh hơn so với khu vực.

GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Nói về thực trạng hệ thống giáo dục ĐH tại một hội thảo mới đây do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nhận định tỷ lệ nhập học ĐH sau phổ thông ở Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực.

Theo ông Vinh, ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam đi du học ở nước ngoài. “Việt Nam có khoảng 3,6% sinh viên ĐH đang du học nước ngoài. Đây là mức trung bình đối với các quốc gia có tổng số đầu vào sinh viên nhập học tương đương. Nhưng tỷ lệ này, với Việt Nam, tốc độ tăng là nhanh hơn so với khu vực”. 

Theo ông Vinh, đây là một dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ ngược lại, giáo dục ĐH Việt Nam rất yếu trong vấn đề quốc tế hóa tại chỗ.

“Trong khi tỷ lệ sinh viên nước ngoài đến du học tại Việt Nam rất thấp. Đây cũng là một trong những bài toán cần giải nếu như chúng ta muốn định hướng đến việc quốc tế hóa giáo dục ĐH”- GS Vinh nói.

Theo GS Vinh, trong 10 năm vừa qua, chất lượng giáo dục ĐH của Việt Nam có rất nhiều thay đổi và khởi sắc. Thứ nhất, công tác đảm bảo chất lượng, tăng tỷ lệ số giảng viên/sinh viên, tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ (đạt khoảng 31,3%).

Về xếp hạng ĐH, Việt Nam cũng đã có những trường ĐH lọt vào top 1.000 thế giới và góp mặt trong những bảng xếp hạng có uy tín của Châu Á.

“Tuy các trường ĐH đã lọt vào các bảng xếp hạng có uy tín, song số lượng các trường lọt vào các bảng xếp hạng này vẫn rất khiêm tốn so với các nước khác, thậm chí so với các nước trong khu vực”.

Tỷ lệ công bố quốc tế cũng tăng đáng kể trong những năm gần đây (khoảng gấp 10 lần trong 10 năm từ năm 2011 đến năm 2020). “Tuy nhiên, nếu phân tích các chỉ số sâu thấy rằng chúng ta vẫn đứng cuối trong bảng xếp hạng, trong khu vực”.

Cũng theo GS Lê Anh Vinh, mặc dù quy mô đào tạo của giáo dục ĐH đã tăng trở lại khá nhiều từ năm 2019, nhưng với 185 sinh viên/1 vạn dân, tỉ lệ sinh viên/1 vạn dân của Việt Nam còn rất thấp so với khu vực. Trong khi đó, từ năm 2005, Thái Lan đã có 374 sinh viên/1vạn dân; Nhật Bản có 316 sinh viên/1 vạn dân và Hàn quốc có 674 sinh viên/1 vạn dân.

Tỷ lệ sinh viên đăng ký học so với tổng số người trong độ tuổi học ĐH, cao đẳng năm 2021 của Việt Nam là 35,4%, thấp hơn Indonesia (36,3%), Thái Lan (43,8%), Malaysia (43,1%) hay Singapore (91,1%).

Một trong những kiến nghị của GS Vinh để tạo bước đột phá về chất lượng trong các trường đại học Việt Nam là cần tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, bao gồm việc thực hiện các giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng giảng viên; trao đổi sinh viên giữa các quốc gia và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác nghiên cứu, chuyển giao, chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo, học thuật giữa các cơ sở giáo dục đại học trong nước với quốc tế.

Cùng đó, cần xây dựng các chính sách khuyến khích hoạt động trao đổi sinh viên giữa Việt Nam với các quốc gia phát triển nhằm tạo cơ hội cho sinh viên các cơ sở giáo dục ĐH được học tập, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, trau dồi các kỹ năng, nâng cao kinh nghiệm thực tiễn trong môi trường giáo dục quốc tế; góp phần nâng cao tính liên thông quốc tế và chất lượng đào tạo. 

Bên cạnh đó, thu hút sinh viên nước ngoài đến học tập, nghiên cứu, tăng cường mức độ quốc tế hóa của các cơ sở trong nước. Qua hoạt động trao đổi đào tạo sẽ giúp các trường tiếp cận và chuyển giao kinh nghiệm quản trị đào tạo các chương trình quốc tế và quản trị người học trong môi trường đa quốc gia, đa văn hóa đồng thời góp phần quảng bá, phát triển thương hiệu và nâng cao vị thế của các cơ sở giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế.

Các hoạt động hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao và chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ sở trong nước với quốc tế về phát triển các ngành, lĩnh vực cũng như trong quản trị ĐH cần được đẩy mạnh thực hiện nhằm thu hẹp khoảng cách trong nghiên cứu, đào tạo giữa các cơ sở của Việt Nam với thế giới.

Liên quan đến nội dung này, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng cần thể chế chính sách về hợp tác liên kết. “Chúng tôi cho rằng chúng ta cần phải có một cơ chế độc lập và tự chủ cho các trường ĐH để liên kết với các trường ĐH trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là các trường có danh tiếng để dần đổi mới, học tập kinh nghiệm quản lý, đổi mới phương thức đào tạo và nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viên.

Đây là cách làm nhanh và hiệu quả nhất để chúng ta có thể tiếp nhận kinh nghiệm quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Cùng đó, có thể thu hút được sinh viên có trình độ chất lượng cao và hạn chế chuyện ‘chảy máu ngoại tệ’ trong đào tạo và thu hút dần các sinh viên quốc tế”.

Lê Hà/T.H

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top