• Thứ Năm, 01 tháng 07, 2021
  • 11:53 GMT +7

Bộ GD- ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại nhiều địa phương

Thanh Hoa (tổng hợp)
Bộ GD-ĐT vừa tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT (đợt 1 ngày 7 và 8/7) tại nhiều địa phương trong cả nước.

Ngày 29/6, đoàn kiểm tra số 2 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 do Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Phạm Ngọc Thưởng làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi của tỉnh Thái Nguyên.

Báo cáo đoàn kiểm tra, ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT kiêm Phó trưởng ban thường trực BCĐ Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tỉnh Thái Nguyên cho biết, tỉnh có 16.973 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó hơn 3.000 em là thí sinh tự do và thí sinh Giáo dục thường xuyên. Căn cứ điều kiện cụ thể tại địa phương, 33 điểm thi tại các huyện, thành phố, thị xã được thành lập.

Tỉnh huy động hơn 2.900 cán bộ, giáo viên, nhân viên các ngành Giáo dục, Công an, Y tế… tham gia làm công tác coi thi, thanh tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn sức khoẻ. Tất cả lực lượng này, theo từng nhiệm vụ, đã tham gia tập huấn Quy chế thi, nghiệp vụ thanh. Vượt qua bài kiểm tra sau tập huấn, cán bộ, giáo viên, nhân viên mới được lựa chọn để tham dự vào các khâu trong quy trình tổ chức Kỳ thi.

Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của BCĐ, sự phối hợp tích cực, đồng bộ của các sở, ban, ngành liên quan, các công việc chuẩn bị cho Kỳ thi như: in sao đề thi; vận chuyển và bảo quản đề thi, bài thi; công tác coi thi; thanh tra, giám sát; đảm bảo an ninh, an toàn tại điểm thi đã và đang được thực hiện đúng quy trình, Quy chế, tiến độ.

Kiểm tra thực tế tại một số Điểm thi, đoàn kiểm tra đã có những lưu ý cụ thể với lãnh đạo Điểm thi cũng như BCĐ Kỳ thi của tỉnh về một số vấn đề kỹ thuật liên quan đến bố trí phòng thi, phòng chờ, camera giám sát, tủ chứa đề và bài thi… còn cần hoàn thiện.

Đặc biệt, đoàn nhấn mạnh BCĐ cấp tỉnh phải nhanh chóng tổ chức kiểm tra, rà soát tất cả các Điểm thi để kịp thời khắc phục những khó khăn, thiếu sót trước khi Kỳ thi chính thức diễn ra. Việc phổ biến, hướng dẫn Quy chế thi cho thí sinh, nhất là thí sinh tự do cần thực hiện sớm, để các em nắm chắc các quy định và yên tâm thực hiện đúng.

Thứ trưởng đề nghị BCĐ cấp tỉnh chỉ đạo các đơn vị rà soát lại cán bộ tham gia làm thi để có những lựa chọn chính xác. Trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, chểnh mảng trong công việc phải thay thế ngay và đánh giá thi đua. Bên cạnh đó, những nhân sự làm tốt, nỗ lực, trách nhiệm cần được tuyên dương kịp thời để tạo động lực cho cán bộ và các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt những nhiệm vụ khác, cũng như trong tổ chức Kỳ thi các năm sau.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chủ trì tại điểm cầu Bộ GDĐT

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chủ trì tại điểm cầu Bộ GD-ĐT

Cùng ngày, Đoàn kiểm tra số 4 do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 của 9 tỉnh, thành phố bằng hình thức trực tuyến. Bao gồm: TP HCM, Đăk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Tiền Giang, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kon Tum, Long An.

Theo báo cáo, hầu hết các địa phương cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị, xây dựng các kịch bản, từ cơ sở vật chất, nhân sự đến an ninh, an toàn, phòng chống dịch bệnh,.., đảm bảo sẵn sàng cho kỳ thi an toàn, nghiêm túc.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum, bà Đinh Thị Lan cho biết, toàn tỉnh có hơn 4.600 thí sinh, dự thi ở 12 điểm thi với 209 phòng thi. Địa phương bố trí 20 phòng chờ, 33 phòng thi dự phòng; đồng thời, lựa chọn bố trí 12 điểm thi dự phòng tương ứng với điểm thi chính thức, sẵn sàng kích hoạt khi phải tổ chức thi trong điều kiện dịch bệnh bùng phát.

“Có thể nói, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã cơ bản hoàn tất, tất cả đã sẵn sàng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc, chất lượng và thành công”, bà Đinh Thị Lan khẳng định.

Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Đắc Nông cho hay, cùng với công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, tỉnh còn chú trọng duy trì tốt công tác quan tâm, hỗ trợ thí sinh, với quyết tâm, không để trường hợp nào phải bỏ thi vì điều kiện kinh tế hay đi lại khó khăn. Theo đó, mỗi thí sinh được hỗ trợ 330 nghìn đồng trong 3 ngày thi. Đồng thời, các em được bố trí chỗ ăn, nghỉ và phương tiện đi lại để yên tâm tham gia kỳ thi. Bên cạnh đó, tỉnh cũng lưu ý công tác giám sát thí sinh, đặc biệt thí sinh tự do chặt chẽ, đảm bảo các em không ra ngoài tỉnh.

Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Long An khẳng định, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi đã diễn ra theo kịch bản, đảm bảo tiến độ và đúng Quy chế. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hầu hết các nhà hàng, khách sạn đóng cửa. Sở tham mưu với tỉnh, bố trí chỗ ăn, nghỉ và xe đưa đón cán bộ coi thi. Tỉnh đã chỉ đạo, các huyện, thị xã, thành phố sắp xếp nơi ăn, chỗ nghỉ cho cán bộ coi thi, đảm bảo an toàn, giúp cán bộ coi thi yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Thông tin về số thí sinh, điểm thi, phòng thi, cán bộ và giáo viên tham gia làm thi, Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM cho biết, mỗi quận, huyện sẽ bố trí từ 1 đến 3 điểm thi dự phòng. Mỗi điểm thi có 2 phòng thi dự phòng.

Tập trung vào nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo an toàn thi trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục tổ chức sàng lọc, cung cấp và cập nhật danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác thi và thí sinh thuộc các diện F0, F1, F2. Toàn bộ cán bộ, giáo viên làm công tác thi và thí sinh được xét nghiệm sàng lọc Covid-19. Sở cũng đã xây dựng nhiều kịch bản và sẵn sàng chờ quyết định chính thức của TP.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị các địa phương cần lưu ý đến chất lượng trong công tác tập huấn, quán triệt đến cán bộ coi thi nắm rõ Quy chế, hạn chế tối đa những sơ suất không đáng có.  Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, đưa đón, bố trí ăn nghỉ cho cán bộ, giáo viên làm thi cũng như các thiết bị lưu trữ tại điểm thi, phòng thi cần được chuẩn bị chu đáo và rà soát kỹ,

Công tác thanh tra, kiểm tra cần được thực hiện nghiêm túc, khách quan. Đặc biệt, công tác in sao đề thi, vận chuyển đề thi, bài thi và khu vực chứa đề thi, bài thi phải được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Cũng theo Thứ trưởng, các địa phương cần có một đầu mối phát ngôn thống nhất để nhanh chóng, kịp thời thông tin cho truyền thông, tránh những thông tin thất thiệt, sai lệch.

Liên quan đến tuyển sinh, Thứ trưởng cho biết, các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện quyền tự chủ về tuyển sinh nên đều áp dụng nhiều phương thức xét tuyển. Với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn phù hợp, tinh thần là đảm bảo công bằng về quyền lợi cho thí sinh.

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top