• Thứ Tư, 30 tháng 05, 2018
  • 18:09 GMT +7

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chuyển học phí thành 'giá dịch vụ đào tạo' không phải là đổi tên

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội sáng 30/5, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết việc chuyển từ "học phí" sang "giá dịch vụ đào tạo" phù hợp với Luật giá, Luật Phí và lệ phí. Theo quy định của Luật phí, lệ phí, học phí được chuyển sang thực hiện theo cơ chế tính giá dịch vụ của Luật giá.
Theo Bộ trưởng, Điều 105 dự luật Giáo dục sửa đổi vẫn quy định về học phí. Đó là khoản tiền người học phải nộp cho người cung cấp dịch vụ. Cơ chế xác định và thu học phí được đổi mới theo Luật giá, cụ thể mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục đào tạo.
 
Điều 65 dự luật bổ sung về “giá dịch vụ đào tạo” là theo quy định của Luật giá. Nó được hiểu là tất cả chi phí dịch vụ đào tạo mà cơ sở đào tạo cung cấp. Cụ thể, giá dịch vụ đào tạo không chỉ có học phí mà còn chi phí Nhà nước đặt hàng đào tạo, chi phí tuyển sinh… Những dịch vụ Nhà nước đặt hàng phải áp dụng theo Luật giá, theo khung giá Nhà nước, chứ không tùy tiện.
 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ
 
Từ phân tích trên, Bộ trưởng Nhạ khẳng định việc chuyển từ "học phí" sang "giá dịch vụ đào tạo" không phải là đổi tên. "Học phí là khái niệm nghe quen tai, có tính truyền thống. Việc dùng từ học phí hay giá dịch vụ đào tạo trước hết phải theo luật và vận dụng cho phù hợp với thực tiễn", Bộ trưởng Nhạ nêu quan điểm.
 
Dự luật Giáo dục đại học sửa đổi được Bộ trưởng Giáo dục trình bày tại phiên họp Quốc hội sáng 30/5 có nội dung "sửa đổi để chuyển học phí của cơ sở giáo dục đại học sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo, phù hợp với Luật giá, Luật Phí và Lệ phí".
 
Thẩm tra dự luật, đa số thành viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục và Thanh thiếu niên nhi đồng tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ. Tuy nhiên, Ủy ban không nhất trí việc thay thuật ngữ học phí bằng giá dịch vụ đào tạo như thể hiện trong dự luật.
 
"Việc sử dụng khái niệm học phí (cũng đã được quy định trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật giáo dục) vừa thể hiện quan điểm coi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và vừa tránh cách tiếp cận theo hướng thương mại trong giáo dục", văn bản thẩm tra nêu rõ.
Hương Thuỷ (tổng hợp)

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top