Lương Thị Trà My (bên phải) nhận học bổng tại buổi lễ diễn ra tại cơ sở Hà Nội của trường.
Xuất thân từ một gia đình nghèo ở TP Bắc Ninh với ba thành viên, trong đó có bố, em trai và bản thân My đều mắc bệnh đục thủy tinh thể. Cuộc sống của My còn khó khăn hơn khi căn bệnh cườm nước khiến cô bị mù vĩnh viễn vào năm học lớp 3.
“Tôi đã phải tạm dừng toàn bộ việc học trong hai năm”, My nhớ lại.
Nhờ sự kiên trì và quyết tâm mà My đã học hết toàn bộ bộ chữ nổi Braille trong vòng chỉ một tháng và có thể quay trở lại học chương trình hòa nhập.
“Với tôi, đó là khoảnh khắc buồn vui lẫn lộn vì tôi có thể tiếp tục được đi học nhưng lại phải cố gắng hết sức mình để xóa bỏ mọi nghi ngờ của thầy cô về khả năng học tập của tôi”, My chia sẻ.
Dẫu gặp phải nhiều trở ngại từ việc thiếu tài liệu học cũng như công cụ hỗ trợ phù hợp, My vẫn đạt được thành tích học tập tốt 12 năm liền, và đặc biệt năm 2019, cô gái trẻ tốt nghiệp trung học cơ sở loại Giỏi và đứng nhất khối.
Chỉ đến khi nhận ra các kỹ năng CNTT có thể tạo ảnh hưởng tích cực đến nhiều mặt trong cuộc sống một người như thế nào, giấc mơ theo học ngành CNTT mới bắt đầu nhen nhóm trong cô.
“Tôi được học một số kỹ năng CNTT cơ bản tại Hội Người mù TP. Bắc Ninh, và không ngờ điều này lại đánh dấu cột mốc hết sức quan trọng trong cuộc đời tôi”, cô gái trẻ chia sẻ. “CNTT đem đến cho tôi một nền giáo dục bình đẳng và vô số tài liệu tham khảo trong học tập, giúp tôi đạt thành tích tốt trong học tập. Chẳng những thế, CNTT còn giúp tôi tham gia các hoạt động ngoại khóa, chẳng hạn như cuộc thi bình luận về sách”.
Cô gái đầy hoài bão còn nhận ra rằng CNTT không chỉ hỗ trợ người khiếm thị trong việc học và cuộc sống, mà còn thu hẹp khoảng cách giữa họ và những người khác.
“Nhiều người có thể ngạc nhiên với quyết định chọn học CNTT của tôi”, My nói. “Nhưng tôi tin vào quyết định và khả năng của mình”.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Huyền, Chủ tịch Hội người mù TP Bắc Ninh, người đã chứng kiến My trưởng thành trong suốt chín năm, cho biết hiện chưa có trường đại học nào ở Việt Nam chấp nhận sinh viên khiếm thị vào học ngành CNTT.
“Học bổng Chắp cánh ước mơ của Đại học RMIT là một cơ hội tuyệt vời để My hiện thực hóa ước mơ của em”, cô Huyền chia sẻ.
“Với năng khiếu, đức tính chuyên cần, ham học hỏi và một mục tiêu rõ ràng cho tương lai, tôi thật sự tin tưởng rằng My chắc chắn đủ năng lực thành công ở môi trường đại học”.
Hào hứng bắt đầu hành trình của mình tại RMIT Việt Nam, My tin rằng “học bổng và những kỹ năng khác mà môi trường giáo dục quốc tế đem lại sẽ giúp tôi đạt được ước mơ trở thành một lập trình viên có thể tạo ra được những công cụ hỗ trợ khả năng tiếp cận cho sinh viên khiếm thị và những người khác nữa”.
Học bổng Chắp cánh ước mơ của Đại học RMIT Việt Nam năm 2022 đã đem đến cho Trà My, cùng năm sinh viên khuyết tật hoặc gặp khó khăn về tài chính khác, cơ hội thay đổi cuộc đời nhờ được theo học đại học tại RMIT.