Đại diện Trường ĐH Tài chính- Marketing (trái, hàng đầu) ký hợp tác với doanh nghiệp
Bên cạnh đó, sinh viên UFM còn có tên trong danh sách ưu tiên tuyển dụng tại các ngân hàng lớn, các tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực Marketing, Kinh doanh quốc tế, Tài chính- Ngân hàng... Điều này phản ánh giá trị thương hiệu của sinh viên UFM được các doanh nghiệp đánh giá cao, săn đón và đây là một trong những thước đo hiệu quả cho uy tín đào tạo của nhà trường trong suốt 48 năm qua.
Để đạt được kết quả trên, Trường ĐH Tài chính- Marketing đã không ngừng nỗ lực đổi mới chương trình đào tạo; tăng cường rèn luyện kỹ năng cho sinh viên và nâng cao nhận thức về nghề nghiệp thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, các buổi workshop định hướng nghề nghiệp.
Đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp
Trong thời gian qua, Trường ĐH Tài chính- Marketing thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, toạ đàm góp ý, chỉnh sửa chương trình đào tạo để phù hợp với định hướng ứng dụng. Bên cạnh sự góp mặt của các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục thì những ý kiến của rất nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp là một trong những nguồn thông tin hữu ích để nhà trường hiểu rõ “doanh nghiệp cần gì, muốn gì” ở sinh viên. Việc lấy ý kiến các bên liên quan gồm các chuyên gia, doanh nghiệp trực tiếp tuyển dụng, cựu sinh viên… là những tiếng nói thực tế nhất để từ đó xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng được mong muốn, nhu cầu của họ cả về kiến thức, kỹ năng.
Đại diện Trường ĐH Tài chính – Marketing (giữa) ký hợp tác với các doanh nghiệp
Mục tiêu đào tạo của nhà trường là đào tạo sinh viên có kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng thực hành tốt và khả năng thích ứng cao với môi trường làm việc mới; chú trọng đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên, như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề...
Chuẩn đầu ra được nhà trường cụ thể hóa và thực hiện đo lường, cập nhật thường xuyên đến từng ngày đào tạo để phù hợp và bắt kịp với sự thay đổi của thị trường lao động, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của các tổ chức quốc tế.
Nội dung chương trình đào tạo được cập nhật thường xuyên theo xu hướng phát triển của ngành nghề. Nhà trường tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để đưa nội dung thực tế vào chương trình đào tạo, đồng thời chú trọng đào tạo các kỹ năng thực hành cho sinh viên.
Đồng thời, thực hiện triển khai các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các doanh nghiệp, nhà trường đã mời các doanh nghiệp tham gia giảng dạy ở một số học phần chuyên ngành, đây được xem là điểm nổi bật, tạo nên những giá trị riêng và sự thích thú cho sinh viên. “Em cảm thấy rất hào hứng với những buổi học có sự góp mặt của các anh chị làm trực tiếp trong lĩnh vực sự kiện, marketing; chúng em được nhìn tận mắt 1 kịch bản ra sao, cách xây dựng proposal thế nào, cách vận hành 1 ekip chạy chương trình làm sao để hiệu quả cũng như những góc khuất trong ngành, để từ đó em biết mình phải cập nhật thêm kiến thức, kỹ năng gì” bạn Hoàng Tú, sinh viên năm 3 khoa Marketing chia sẻ.
Nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ sinh viên tìm việc
Với hơn 200 tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước ký kết hợp tác với Trường ĐH Tài chính- Marketing trong giai đoạn 2020 - 2024 là một trong những mắt xích quan trọng để sinh viên UFM được tiếp cận với vị trí công việc dồi dào, đáp ứng cho nhu cầu của hơn 4.000 sinh viên tốt nghiệp hằng năm ở 15 ngành đào tạo.
Sinh viên Trường ĐH Tài chính – Marketing tìm hiểu thông tin tuyển dụng của Sofitel Saigon Plaza
Hằng năm, nhà trường luôn tổ chức Ngày hội tuyển dụng – JOB FAIR UFM để tạo cầu nối giữa các đơn vị tuyển dụng và sinh viên; là nơi để các bạn tìm hiểu những vị trí công việc cũng như doanh nghiệp phù hợp với bản thân mình. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có cơ hội được tiếp cận với nguồn nhân lực chất lượng cao, chuẩn kỹ năng, giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp của trường cũng thường xuyên kết nối với hàng trăm doanh nghiệp mỗi năm; hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho 100% sinh viên thông qua nhiều hình thức trực tiếp, trực tuyến (website https://vieclam.ufm.edu.vn); tổ chức các chương trình định hướng nghề kết hợp "phỏng vấn thử - thành công thật”; tổ chức các chuyến trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp hay các hội thảo, toạ đàm định hướng nghề nghiệp.
Những bước đi bền vững
Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm là cơ sở quan trọng giúp định hướng nghề nghiệp nhưng nhiều người nghi ngờ con số thống kê được thổi phồng. Theo số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM, quý I/2024, đơn vị này tiếp nhận 28.535 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có 8.483 người (chiếm 35%) có trình độ ĐH và trên ĐH mất việc.
Sinh viên Trường ĐH Tài chính – Marketing ghi hồ sơ ứng tuyển vào doanh nghiệp
Giải đáp cho những nghi ngại này từ dư luận, PGS- TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính- Marketing, cho biết sinh viên theo học tại trường có thể yên tâm bởi tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp trong toàn trường giai đoạn 2021 - 2023 đều từ 85% trở lên. Điều đó khẳng định chất lượng sinh viên UFM sau khi tốt nghiệp cũng như chất lượng đào tạo của nhà trường. Không chỉ dừng lại ở kết quả đó, nhà trường vẫn đang nỗ lực để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với thực tế, thích ứng với xu hướng hiện tại, với nghề nghiệp, vị trí việc làm nhằm duy trì và ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng sinh viên, giúp cho sinh viên, học viên của UFM có thể vận dụng các kiến thức vào trong quá trình nghiên cứu, công việc, hỗ trợ phát triển nghề nghiệp của cá nhân và đóng góp hơn nữa vào sự phát của đất nước.
Đây là điều hết sức quan trọng, bởi mọi sự thành công đều đến từ yếu tố quan trọng nhất là nguồn nhân lực. Nhà trường kỳ vọng sẽ đem đến cho sinh viên chất lượng giáo dục cao nhất, ngày càng nâng tầm đáp ứng chuẩn khu vực và quốc tế./.