Việc sắp xếp hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời gian tới sẽ thực hiện theo hướng linh hoạt, tạo hiệu quả và trọng điểm
Sinh viên Trường cao đẳng Lý Tự Trọng trong giờ thực hành
Giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh quanh năm nhưng nhiều trường cao đẳng đã tuyển đủ chỉ tiêu tập trung công tác đào tạo
Nhiều trường "sống khỏe"
Tại Trường cao đẳng Lý Tự Trọng (TP HCM), năm học 2018-2019 trường đã tuyển được 5.741 học sinh sinh viên đạt 105% chỉ tiêu, nâng quy mô đào tạo của trường lên 14.756 học sinh sinh viên. Kết quả trên thể hiện rõ vị thế, uy tín và thương hiệu của trường ngày càng được củng cố trong xã hội.
Không những tuyển dư chỉ tiêu, nhiều trường có điểm đầu vào khá cao. Tại Trường CĐ Cao Thắng, trong số 9 ngành tuyển sinh năm 2018 thì có 5 ngành có điểm trúng tuyển từ 15,50 đến 17,50; 4 ngành có điểm trúng tuyển từ 13,50 đến 14,75. Với mức điểm chuẩn này, đại diện nhà trường cho biết trường đã tuyển đủ chỉ tiêu từ tháng 8.
Tại Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, mức điểm trúng tuyển cho 11 ngành đào tạo giao động từ 12 đến 14 điểm. PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết năm 2018 trường tuyển đủ 3.300 chỉ tiêu từ tháng 8. Tại trường CĐ Viễn Đông, hàng năm trường có 2.000 chỉ tiêu và kết quả tuyển sinh đã đạt từ cuối tháng 10.
Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, kết quả tuyển sinh năm 2018 cũng đạt trên 2.250, gần gấp đôi so với năm 2017. TS Lê Lâm, hiệu trưởng nhà trường cho rằng thay vì cứ học xong THPT là vào học ĐH, sự nhìn nhận của học sinh đã có sự chuyển biến tích cực trong ít nhất 2 năm qua.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM, cho biết kết quả tuyển sinh năm 2018 đến thời điểm này chưa đạt chỉ tiêu nhưng nhiều trường, đặc biệt là khối CĐ đã tuyển đủ, thậm chí dư chỉ tiêu với chất lượng đầu vào của thí sinh ngày càng tốt. Theo ông Lâm, tâm lý chuộng bằng cấp của người học đang thay đổi, thay vào đó, học sinh quan tâm nhiều đến việc trang bị kiến thức, kỹ năng và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Lấy chất lượng làm đầu
Có được kết quả tuyển sinh ngày càng tốt, nhiều trường đã đột phá trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo học sinh, sinh viên tốt nghiệp thích ứng nhanh với yêu cầu công việc. Bên cạnh đó các trường đã tích cực tiếp thị, quảng bá hình ảnh đến người học và phụ huynh.
Ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, cho rằng muốn phát triển thì các trường phải làm tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phải đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm và được doanh nghiệp đánh giá cao. Muốn làm được việc đó, nhân tố quan trọng quyết định đào tạo chính là chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho rằng bối cảnh của năm 2018 mở ra một hướng nhìn hiện nay và những năm sắp tới. Đó là bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc, nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo kiến thức chuyên môn và kĩ năng nghề mới là yếu tố chính đưa người lao động đến với thành công.
“Trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng không quá chú trọng bằng cấp. Bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc, nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo kiến thức chuyên môn và kĩ năng nghề mới là yếu tố chính đưa người lao động đến với thành công”- ông Tuấn, nói.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT cho rằng cơ cấu nguồn nhân lực vẫn cần rất nhiều lao động có trình độ trung cấp, CĐ. Do vậy, trường nào đảm bảo được chất lượng đào tạo, sinh viên ra trường tìm được việc làm đúng chuyên môn thì vẫn sống tốt.
Nhận định về tình hình chung, GSLê Quân Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho rằng giáo dục nghề nghiệp đang có nhiều khởi sắc. Nhiều trường nghề hoạt động hiệu quả và có chất lượng. Trên bình diện chung toàn quốc, quy mô đào tạo nghề tăng cao, mức độ hài lòng của người học và của doanh nghiệp được cải thiện.
Hiện cả nước đang có gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó gần 400 trường cao đẳng, hơn 550 trường trung cấp, đa phần là các trường công lập. Ngoài ra, toàn quốc còn có hàng trăm cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp huyện.
Về việc sắp xếp lại hệ thống, Lê Quân, cho biết thời gian tới sẽ sắp xếp và tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Điều này nhằm giảm đầu mối, đầu tư có trọng tâm, khắc phục chồng chéo và dàn trải…Qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Theo saigonpress.net