GS Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng điều hành Trường ĐH Hoa Sen, phải chia tay trường này, về lại Mỹ làm việc.
Đây là thông tin gây sốc đối với không riêng tập thể những người làm giáo dục và sinh viên trường này mà là tin buồn đúng nghĩa đối với đội ngũ trí thức.
Ngày 4-5-2018, từ Mỹ, ông viết email gửi cho nhà trường, chia sẻ:
"Đến hôm nay có lẽ các anh/chị/em đã biết thông tin về việc công nhận vị trí Hiệu trưởng của tôi qua thầy Hiệp, Hiệu trưởng. Tuy được tín nhiệm bởi Hội đồng Quản trị (HĐQT) của Đại học Hoa Sen với 16/18 phiếu, quy trình công nhận vị trí Hiệu trưởng theo Luật Giáo dục ĐH Việt Nam thì tôi chưa đạt đủ tiêu chuẩn 5 năm kinh nghiệm quản lý khoa/phòng của một cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam. Do đó Bộ/Sở Giáo dục và Đào tạo không đủ cơ sở để đề xuất UBND TP công nhận vị trí Hiệu trưởng của tôi. Đây là điều đáng tiếc ngoài mong đợi của HĐQT, toàn thể giảng viên, nhân viên, và sinh viên cũng như của riêng tôi…".
GS Trương Nguyện Thành được biết đến rộng rãi hồi tháng 4-2017 khi ông mặc quần sóc, áo thun lên giảng đường dạy học. Biệt danh "giáo sư quần đùi" ra đời từ đó. Dù có ý kiến khen chê khác nhau nhưng nhìn chung đa số ủng hộ ông, về sự cởi trói trong tư duy sáng tạo và hành động. Nói đúng hơn, ông là trí thức Việt kiều có tài đúng nghĩa, được trọng dụng và yêu quý. 88,89% thành viên HĐQT nhà trường bỏ phiếu ủng hộ ông làm hiệu trưởng và sự tiếc nuối của số đông sinh viên (khi GS Thành chia tay) đã chứng minh điều đó.
GS Trương Nguyện Thành - Ảnh: TL/Người đô thị
Cũng phải trích ngang "lý lịch khoa học" của ông: sinh năm 1962, là tiến sĩ khoa học ngành Hóa và Tính toán do Trường ĐH Minnesota (Mỹ) cấp năm 1990; tham gia giảng dạy tại ĐH Utah (Mỹ) từ năm 1992-2002, tham gia công tác tuyển sinh và quản lý sinh viên cao học khoa Hóa của ĐH này.
Ngoài ra, ông Thành cũng từng là viện trưởng khoa học của Viện Khoa học và Công nghệ tính toán (thuộc Sở Khoa học - Công nghệ TP HCM) từ tháng 11-2007 đến tháng 6-2017. Từ ngày 17-1-2017 tới nay, ông giữ chức phó hiệu trưởng điều hành của Trường ĐH Hoa Sen.
Trong số các hiệu trưởng ĐH ở Việt Nam hiện nay có mấy người được như GS Trương Nguyện Thành? Ấy vậy mà, thật "quái dị" khi một tiến sĩ khoa học do một trường ĐH cấp bang của Mỹ bổ nhiệm cùng bề dày quản lý giáo dục và dạy ĐH trình độ Mỹ "đầy mình" nhưng lại không đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập và tương đối mới như Hoa Sen của Việt Nam?!
Mà nào đâu phải vì nguyên nhân gì quá to tát, chỉ là vì cấn một tiêu chuẩn trong Điều 20 Luật Giáo dục ĐH của Việt Nam, quy định: hiệu trưởng phải "có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm"!
Nhà nước kêu gọi trí thức Việt kiều về cống hiến. Các địa phương đua nhau công bố chính sách chiêu hiền đãi sĩ. Ngành giáo dục cũng tuyên bố trải thảm chào đón các chuyên gia giáo dục - khoa học về nước công tác... Nhưng giữa nói và làm còn khoảng cách quá xa. Gần đây, người ta hay dùng hình ảnh ví von tương phản "trên trải thảm - dưới rải đinh" để mỉa mai cho những trường hợp nói không đi đôi với làm, như câu chuyện của GS Trương Nguyện Thành. Thực tế còn nhiều lắm những câu chuyện khóc cười như thế.
Các trường ĐH tư thục, nhất là những trường có chủ trương tự do học thuật và khai phóng mạnh mẽ như Hoa Sen, nên để họ tự quyết việc lựa chọn hiệu trưởng. Luật Giáo dục ĐH đang được đưa ra lấy ý kiến để sửa đổi, nên điều chỉnh theo hướng này, đặc biệt là khi việc tự chủ ĐH ngày càng đi vào chiều sâu. Còn không, sinh viên và các nhà trường sẽ mãi thiệt thòi bởi những quy định xa rời thực tế - như Điều 20 Luật Giáo dục ĐH. Rộng hơn, nền giáo dục này, đất nước này sẽ tiếp tục lãng phí nguồn lực ghê gớm.
GS Nguyện Thành, nguyện đã không thành! Thôi thì chúc ông tiếp tục hiển đạt ở Mỹ, còn ở Việt Nam, làm hiệu trưởng một trường ĐH tư mà vẫn quá khó với một tiến sĩ khoa học bằng cấp Mỹ như ông.
Cuộc chia tay của ông chẳng khác nào một cú tát vào những người làm chính sách giáo dục vốn quen nói mà không làm, nói đường làm nẻo, miệng nói trải thảm nhưng tay rải đinh...
Điều 20 Luật Giáo dục ĐH quy định tiêu chuẩn hiệu trưởng: Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục ĐH ít nhất 5 năm, có trình độ tiến sĩ đối với trường ĐH, giám đốc học viện, đại học, có sức khỏe tốt.
Theo Dương Quang/NLĐO