• Chủ Nhật, 22 tháng 03, 2020
  • 11:00 GMT +7

Tác giả Code dạo ký sự tiết lộ lý do theo đuổi ngành công nghệ thông tin

“Nhiều bạn trẻ nghĩ rằng công nghệ thông tin (CNTT) là một lĩnh vực sang chảnh, hào nhoáng, việc nhẹ lương cao… Nếu theo đuổi CNTT vì những lý do đó, con đường về sau sẽ rất gian nan”, anh Phạm Huy Hoàng - tác giả sách Code dạo ký sự – cựu sinh viên khoá 6A ngành Kỹ thuật phần mềm ĐH FPT TP.HCM chia sẻ.
Ngoài công việc là một Full Stack Software Engineer (lập trình viên nắm vững kiến thức từ front-end đến back-end) cho một doanh nghiệp tại Singapore, Phạm Huy Hoàng được nhiều người biết tới như một tác giả, một blogger với trang blog nổi tiếng: "Tôi đi code dạo".
 
Trang blog “Tôi đi code dạo” mà anh sáng lập hiện đạt được hơn 8 triệu lượt view và trung bình mỗi tháng thu hút 300.000 view. Đây là một trang blog dành cho các bạn trẻ mê nghề IT. Nội dung blog một nửa là về kỹ thuật lập trình, một nửa còn lại là những kinh nghiệm “xương máu” từ anh Hoàng như cách deal lương, sắp xếp thời gian, kỹ năng mềm, ngôn ngữ lập trình nên học, con đường phát triển nghề nghiệp… Đây cũng chính là những hiểu biết quan trọng mà một lập trình viên cần có, bên cạnh kỹ năng chuyên môn là lập trình.
 
Vừa qua, anh Hoàng cũng đã xuất bản quyển sách về ngành lập trình mang tên “Code dạo ký sự” khá hút hàng trên Tiki. Đồng thời, kênh youtube mang tên tác giả cũng sở hữu gần 100.000 subscriber.
 
Anh Hoàng cho biết, nhiều bạn trẻ tâm sự rằng, họ được truyền cảm hứng học ngành lập trình, theo ngành lập trình là nhờ được xem vlog/blog của anh. “Đó là điều khiến mình thấy tự hào nhất, còn những thành quả từ niềm đam mê lập trình của mình hiện nay, mình nghĩ cũng không có gì đáng chú ý. Chỉ là, mình thích thì mình làm thôi”, anh Hoàng khiêm tốn bày tỏ.
 
Tác giả
Tác giả "Tôi đi code dạo"
 
Tác giả “Tôi đi code dạo” chia sẻ, trước đây, anh lựa chọn ngành CNTT là vì đam mê ngành game. Anh dự định sau này “sống chết” với nghề lập trình game. “Ai ngờ dòng đời đưa đẩy, bây giờ làm về lập trình phần mềm”, anh Hoàng hài hước nói.
 
Nói về nhu cầu nhân lực Lập trình, anh Hoàng cho biết, số lượng công việc trong ngành cứ tăng dần. Các công ty trong ngoài nước theo dạng outsource hay product đều cần phải có lập trình viên. Nhu cầu nhân lực trên thị trường hiện nay rất cao.
 
Như một báo cáo Hồ sơ lập trình viên Việt Nam mới nhất của TopDev, nhu cầu nhân lực ngành IT tăng 56% trong năm 2019. Con số này tương đương với 62.829 việc làm, tăng xấp xỉ 5 lần so với nhu cầu năm 2015. Dự đoán, nhu cầu tuyển dụng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong giai đoạn 2019-2021, gây thiếu hụt khoảng khoảng 190.000 người vào năm 2021.
 
Lập trình là xu hướng không thể thiếu. “Ngày nay cái gì cũng cần phần mềm. Công ty khởi nghiệp làm phần mềm, hệ thống hoạt động bằng phần mềm, mọi thứ đều cần đến phần mềm. Do đó, cần phải có người làm ra, bảo trì, sửa chữa, nâng cấp phần mềm, gọi chung là lập trình viên”, anh Hoàng nhận định.
 
Cũng theo blogger nổi tiếng, hiện nay, nhiều bạn cứ nghĩ CNTT nói chung và lập trình nói riêng là một ngành sang chảnh, hào nhoáng, việc nhẹ lương cao như hình thức bên ngoài: ngồi máy lạnh, ôm laptop. Nhưng “nếu bạn chỉ muốn theo lập trình vì lương cao, dễ kiếm việc, mà  không thật sự đam mê CNTT, con đường về sau sẽ rất gian nan. Lập trình khá vất vả và đòi hỏi nhiều tố chất phù hợp. Nếu không “mê” nó, bạn sẽ khó theo đuổi lâu dài được”, anh Hoàng bật mí lý do để chọn ngành CNTT đến các bạn trẻ.
 
Trước khi theo học ngành Kỹ thuật phần mềm tại ĐH FPT TP.HCM, anh Hoàng đỗ cả ở ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH QG TPHCM. Có nhiều lựa chọn là thế, nhưng vì đạt được học bổng của ĐH FPT TP.HCM, đồng thời “thấy chương trình học vui hơn, được miễn các môn Toán Lý Hoá”, nên anh quyết định trở thành Cóc trường F.
 
Tốt nghiệp Đại học FPT TP.HCM, 2 năm sau, tác giả Tôi đi code dạo theo học Thạc sĩ Khoa học máy tính tại Đại học Lancaster ở Anh và xuất sắc giành luôn Học bổng 18000 bảng của chương trình học. “Lúc đó, mình vừa học vừa làm thêm tại phòng IT của trường, với chức danh full-stack developer, ôm cả front-end lẫn back end”, anh Hoàng cho biết.
 
Có thể nói, hành trình khám phá nghề lập trình phần mềm của tác giả “Tôi đi code dạo” cũng khá thú vị như tên trang blog của anh. Học xong chương trình thạc sĩ, anh xin việc trời Tây và thu về bảng “thành tích” khá gắt: 20 ngày phiêu diêu khắp 5 quốc gia với 6 lần phỏng vấn, và nhận được 5 offer công việc. “Tiếp đó, do bạn bè giới thiệu nên mình đã đặt chân tại Singapore để tiếp tục làm full-stack developer”, anh kể lại.
--------------------
Năm 2020, ĐH FPT tuyển sinh các ngành Kỹ thuật Phần mềm, An toàn thông tin, Quản trị Kinh doanh, Kinh doanh Quốc tế, Quản trị Khách sạn, Truyền thông Đa phương tiên, Thiết kế Đồ hoạ, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật theo 3 hình thức: Xét điểm học bạ THPT, Xét điểm thi THPT Quốc gia và Thi sơ tuyển vào ngày 10/5. Thí sinh quan tâm, vui lòng gọi điện 028 73005588 hoặc xem thêm thông tin TẠI ĐÂY. Ngay từ bây giờ, thí sinh có thể đăng ký để được tư vấn và giành cơ hội trở thành sinh viên Đại học FPT.
Thanh Hà

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top