Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh
Sáng 4/11, Quốc hội khóa XIV tiếp tục với phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020.
Bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT) cho biết, sách giáo khoa là vấn đề quan tâm của mỗi gia đình. Bà chia sẻ với những lo toan, trăn trở của cử tri và các đại biểu.
Theo bà Ngô Thị Minh, những lo toan đó hoàn toàn chính đáng.
"Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông là vấn đề lớn và rất khó. Bộ GD-ĐT và Hội đồng thẩm định đã tiếp thu ý kiến cử tri, giải trình trước Quốc hội. Việc đổi mới này đang phải chuyển hướng rất mạnh từ truyền thụ kiến thức một chiều cho học sinh sang phát triển năng lực, phẩm chất người học", bà Minh nhấn mạnh.
Theo đại diện Bộ GD-ĐT, sách giáo khoa là tài liệu và mỗi môn học có nhiều sách giáo khoa. Việc dạy theo chủ đề sẽ giúp học sinh có nhiều cách nhìn nhận, tiếp cận bởi trình độ các em khác nhau.
Lý giải thời gian qua, việc bồi dưỡng giáo viên gặp khó khăn do COVID-19. Học sinh tiếp cận và theo học chương trình mới gặp khó khăn. Điều này tạo nên "áp lực rất lớn" đối với ngành giáo dục. Vì vậy, bà Minh mong đại biểu, cử tri hiểu và có sự đồng thuận.
Về vấn đề giáo dục, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cũng cho biết, cần ghi nhận những đổi mới, nỗ lực của Bộ GD-ĐT trong việc cả cách sách giáo khoa.
Đại biểu Phương cho rằng đừng để đến mức độ người dân thiếu niềm tin vào giáo dục. "Tôi đề nghị có sự vào cuộc để tránh những hiểu lầm không đáng có. Cần khuyến khích việc đổi mới, cải cách nhưng làm sao để sát sao với các quy định được chặt chẽ, khoa học, hiệu quả. Đây không phải là lần đầu tiên giáo dục có sự đổi mới và cần nhận được sự chia sẻ của dư luận", ông Phương nói.
Liên quan vấn đề giáo dục, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) cho biết, ông tán thành với các giải pháp của Chính phủ phục hồi nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới, đánh giá kỹ hơn hiệu quả của gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, tiếp tục có những gói hỗ trợ để khắc phục hậu quả của đợt bão lũ tại miền Trung vừa qua.
Liên quan đến vấn đề giáo dục, theo ông Nguyễn Bá Sơn, năm học 2019-2020 gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng ngành giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng, hoàn thành năm học, tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, do thời lượng số tiết học giáo dục hướng nghiệp còn ít, thiếu giáo viên nê đại biểu đề nghị ngành giáo dục cần có những giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tư vấn hướng nghiệp, cần có sự tham gia của doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực giáo dục đại học, đại biểu Sơn cho rằng cần ban hành đầy đủ các văn bản liên quan đến quản lý hoạt động tự chủ đại học, chấn chỉnh những trường đại học chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật.
Thậm chí đại diện đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cho biết, nhiều trường đại học còn thiếu giảng viên cơ hữu nên chất lượng đào tạo còn yếu. "Có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, liêm chính trong nghiên cứu khoa học, cần có hệ thống đo lường chất lượng giáo dục đại học khách quan, trung thực, hiệu quả", đại biểu Nguyễn Bá Sơn nhấn mạnh.
Trước những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, đại biểu đề nghị phân tích kỹ hơn những khó khăn của thị trường lao đông, người lao động, có chính sách hỗ trợ người lao động, đặc biệt là chuyển đổi ngành nghề theo diễn biến dịch bệnh, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.