Video chương trình
Chương trình với sự chia sẻ từ các chuyên gia:
- ThS Lê Minh Trí, Nhà đào tạo Sức khỏe & Dinh dưỡng ứng dụng, Cựu sinh viên Khoa CNSH, Trường ĐH Mở TP HCM.
- ThS- BSCK1 La Văn Minh Tiến, Giảng viên Trường ĐH Y Dược TP HCM, Chuyên ngành Sản phụ khoa – hiếm muộn.
- ThS Dương Nhật Linh, Giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Mở TP HCM.
Tổng thuật chương trình:
MC Trung Khang: Nói về bệnh lý ở người, lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong y dược, cô Linh có thể chia sẻ vai trò CNSH trong bệnh đái tháo đường?
ThS Dương Nhật Linh
* ThS Dương Nhật Linh: CNSH đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu và điều trị bệnh đái tháo đường thông qua nhiều khía cạnh khác nhau, bao gồm:
- Phát triển thuốc điều trị mới: CNSH giúp phát triển các loại thuốc điều trị đái tháo đường thông qua việc sử dụng kỹ thuật tái tổ hợp DNA, sản xuất insulin tái tổ hợp, và các protein liên quan.
- Liệu pháp gene: CNSH cung cấp các phương pháp tiềm năng để điều trị tận gốc nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường thông qua liệu pháp gene. Bằng cách sửa chữa hoặc thay thế các gen bị hỏng trong cơ thể, liệu pháp gene có thể giúp điều chỉnh chức năng sản xuất insulin hoặc tăng cường đáp ứng của cơ thể đối với insulin.
- Tế bào gốc: Công nghệ tế bào gốc hứa hẹn mang lại các giải pháp mới cho điều trị đái tháo đường type 1. Bằng cách sử dụng tế bào gốc để phát triển các tế bào beta của tuyến tụy, CNSH có thể giúp phục hồi khả năng sản xuất insulin của cơ thể.
- Công nghệ cảm biến và thiết bị y tế: CNSH hỗ trợ phát triển các thiết bị giám sát đường huyết tiên tiến, chẳng hạn như máy đo đường huyết liên tục (CGM) và bơm insulin tự động. Những thiết bị này giúp bệnh nhân quản lý mức đường huyết một cách hiệu quả và chính xác hơn.
- Phân tích gen và y học cá nhân hóa: CNSH cung cấp các công cụ phân tích gen để hiểu rõ hơn về nguy cơ di truyền của đái tháo đường. Thông qua phân tích gen, các bác sĩ có thể xác định nguy cơ mắc bệnh của một cá nhân và đưa ra các phương pháp điều trị và phòng ngừa cá nhân hóa.
- Phát triển vacxin: Mặc dù còn đang trong giai đoạn nghiên cứu, việc phát triển vacxin để phòng ngừa hoặc điều trị đái tháo đường type 1 là một lĩnh vực được quan tâm. Vacxin có thể giúp điều chỉnh hệ thống miễn dịch để ngăn chặn việc tấn công các tế bào beta sản xuất insulin.
CNSH không chỉ cung cấp các phương pháp điều trị mới mà còn mở ra nhiều hướng nghiên cứu tiềm năng, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân đái tháo đường và tiến tới mục tiêu chữa trị dứt điểm bệnh này.
MC: Tình hình của bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) nói chung và ĐTĐ thai kỳ nói riêng hiện nay như thế nào? Có những rủi ro nào của ĐTĐ thai kì? ảnh hưởng đến thai nhi và trẻ sơ sinh như thế nào?
ThS- BSCK1 La Văn Minh Tiến: ĐTĐ là bệnh thầm lặng làm tổn thương toàn bộ hệ thống mạch máu trong cơ thể. Điều này cần thời gian lâu dài. Đôi khi, đường huyết tăng qúa cao sẽ làm hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu trong máu hoặc chuyển hoá theo hướng acid hoá máu.
ĐTĐ thai kì chỉ xảy ra trong thời gian tồn tại của bánh nhau trong cơ thể và thường đường huyết vẫn còn được kiểm soát 1 phần nên ít khi nào có chuyện này. Những biến chứng cấp tính và lâu dài trên chỉ xảy ra khi người mẹ đã mắc ĐTĐ từ rất lâu trước mang thai. Khi đó, thai kì này sẽ có rất nhiều rủi ro cho sức khoẻ và tính mạng của mẹ và bé.
Tuy nhiên, trong thai kì sự thay đổi đường huyết 1 cách đột ngột —> sẽ có thể làm em bé bị hạ đường huyết nghiêm trọng, dẫn đến thai chết lưu trong tử cung. Điều này tương tự như việc chích quá liều Insulin mà không cho ăn vậy.
Đường cao 1 cách lâu dài trong máu, sẽ làm cho thai tăng cân rất nhanh, gây ra những bất lợi về mặt cơ học trong lúc sanh (dễ mổ lấy thai hơn do thai to và làm tổn thương cơ học cho em bé và đường sinh của người mẹ) và làm em bé bị hạ đường huyết ngay sau sinh nếu không được chăm sóc đúng cách.
MC: Người ta hay nói Sống xanh là lối sống tương lai bền vững. Vậy lối sống xanh là gì? Sống xanh có khó như nhiều người nghĩ? Và làm thế nào nó lại ảnh hưởng đến quản lý bệnh đái tháo đường?
ThS Lê Minh Trí: Lối sống xanh (LSX) là một lối sống hướng đến sự bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ tương lai. Hay nói cách khác Nó bao gồm những thói quen và lựa chọn lành mạnh hàng ngày giúp tăng cường sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của chúng ta, và thế hệ sau.
Do LSX liên quan đến nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen nên nó đơn giản nhưng dễ hay khó sẽ tùy mỗi người với các thói quen, nhận thực của chính họ hiện tại.
Tư duy và nguyên lý LSX rất hay, và có tác động hỗ trợ người ĐTĐ trong việc chủ động chăm sóc sức khỏe như: khuyến khích chế độ ăn uống lành mạnh, giàu trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc, vận động thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày, chủ động quản lý cân nặng, khuyến khích các hoạt động giúp giảm căng thẳng như yoga, thiền và dành thời gian trong thiên nhiên…
MC: Ở góc nhìn CNSH, sống xanh được hiểu như thế nào và có mối quan hệ nào giữa CNSH và sống xanh hay không?
ThS Dương Nhật Linh: Sống xanh thường được hiểu là cách tiếp cận và phong cách sống hướng tới bảo vệ và tôn trọng môi trường, cũng như thúc đẩy sự cân bằng giữa con người và tự nhiên. Trong ngữ cảnh của công nghệ sinh học, sống xanh có thể ám chỉ đến việc sử dụng các phương pháp và công nghệ sinh học để tạo ra các giải pháp và sản phẩm thân thiện với môi trường, như việc phát triển các loại sinh vật được tạo ra hoặc chỉnh sửa gen để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người.
Mối quan hệ giữa công nghệ sinh học và sống xanh là rất chặt chẽ. Công nghệ sinh học cung cấp cho chúng ta các công cụ và phương pháp để nghiên cứu, hiểu và bảo vệ môi trường. Nó cung cấp các công nghệ và phương tiện để chúng ta có thể phát triển các giải pháp xanh hơn cho các vấn đề môi trường và sức khỏe con người. Bằng cách sử dụng các phương tiện của công nghệ sinh học, chúng ta có thể tạo ra các sản phẩm và quy trình sản xuất ít tác động đến môi trường hơn, từ việc sản xuất thực phẩm đến sản xuất năng lượng và xử lý chất thải.
Tóm lại, Sống xanh là lối sống lành mạnh, bền vững, giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Sống xanh từ trong sinh hoạt, Eat Green - Ăn xanh uống sạch, Tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, Tái sử dụng và tái chế, Thời trang bền vững.
Khách mời trong chương trình
MC: Với góc nhìn của một Health Coach thực hành lối sống khỏe chủ động, thì cơ chế nào dẫn đến bệnh tật trong cuộc sống nói chung, và bệnh ĐTĐ nói riêng?
ThS Lê Minh Trí:
Khi nhìn vào 1 cái cây, chúng ta sẽ thấy biết là gồm 3 phần: Ngọn cành lá/ Thân cây/ Gốc rễ; ba cấu phần này tương ứng với sự liên kết Nhân -Quả dẫn đến trạng thái sức khỏe của mỗi người, kể cả bệnh Đái tháo đường:
- NGỌN CÂY (Triệu chứng): bệnh Đái tháo đường type 1,2 hay tiểu đường thai kỳ, hạ huyết áp, cholesterol cao…
- THÂN CÂY (Cơ chế): VIÊM MÃN TÍNH, rối loạn chuyển hóa bên trong cơ thể (thiếu hụt/ kháng insulin, tự miễn…)
- GỐC RỄ (Nguyên nhân): Di truyền, môi trường sống (vi khuẩn/ vi rút/ độc tố), chế độ & thói quen ăn uống không lành mạnh, thiếu vận động, căng thẳng…
-> Từ mô hình trên, anh chị sẽ thấy được cơ chế hình thành bệnh tật hay trạng thái sức khỏe của chúng ta. Mọi thứ đều bắt đầu từ gốc rễ lối sống và chế độ ăn uống …chứ không chỉ đổ lỗi do di truyền và mặc kệ cho số phận.
Và 1 ngành khoa học mới ngày nay gọi là Ngoại Di truyền, tập trung vào nghiên cứu các thay đổi biểu hiện gen không do thay đổi trình tự DNA gây ra. Nó giải thích cách các yếu tố môi trường và lối sống (chế độ ăn uống, vận động, căng thẳng…) có thể tắt/ mở gene, ảnh hưởng đến trạng thái sức khỏe và bệnh tật của chúng ta.
MC: BS có thể chia sẻ đối tượng nào là người có thể dễ mắc đái tháo đường thai kì? Nguyên nhân nào dẫn đến việc ĐTĐ thai kỳ? Những thai phụ đã bị đái tháo đường trước khi mang thai có giống thai phụ bị ĐTĐ thai kỳ?
ThS- BSCK1 La Văn Minh Tiến:
Tất cả thai phụ, đặc biệt là những thai phụ có nguy cơ cao: béo phì, PCOS, lần trước đẻ con to quá, lớn tuổi, gia đình có người đáI tháo đường, có dùng thuốc làm tăng đường huyết —> chiến lược tầm soát đái tháo đường tăng cường hơn mức cần thiết
Nguyên nhân của ĐTĐ thai kì là Những chất trong bánh nhau tiết ra, đặc biệt từ nửa sau thai kì, sẽ làm đề kháng Insulin nên sẽ làm rối loạn đường huyết vốn đã xấu sẵn ở những người có nhiều nguy cơ. Chính sự đề kháng này làm thay đổi đường huyết một cách rất đột ngột, theo kiểu đường sẽ rất cao trong máu ngay sau ăn 1-2 giờ, sau đó, tuỳ mức độ đề kháng Insulin, đường sẽ lao dốc rất nhanh.
Vì vậy, ĐTĐ sẽ quay trở lại về nền tảng cơ bản của người đó, sau khi bánh nhau được lấy ra khỏi cơ thể. (Nền tảng cơ bản trước mang thai chứ không phải là về bình thường!!)
Những thai phụ đã bị đái tháo đường trước khi mang thai, việc đường huyết cao, không ổn định quanh thời điểm thụ thai sẽ làm tăng nguy cơ SẨY THAI và DỊ TẬT (nhất là tim và tay chân). Vì vậy, những thai phụ này nên được kiểm soát đường huyết ổn trước khi mang thai là rất cần thiết. Về cơ bản, quan lí đái tháo đường ở những trường hơp này khá tương đồng với thai phụ đái tháo đường trong lúc có thai. Nhưng sự kiểm soát đường huyết này thường KHÓ hơn, yêu cầu dùng thuốc nhiều hơn và theo dõi nghiêm ngặt hơn. Bên cạnh đó, tầm soát DỊ TẬT cho những trường hợp này là đặc biệt cần thiết.
(https://trello.com/c/Uod8iNxo)
MC: Vậỵ có ứng dụng nào của CNSH trong tầm soát bệnh ĐTĐ hay không?
ThS Dương Nhật Linh: Công nghệ sinh học đã mang lại nhiều tiến bộ quan trọng trong việc tầm soát, chẩn đoán và quản lý bệnh đái tháo đường (tiểu đường). Dưới đây là một số ứng dụng cụ thể của CNSH trong lĩnh vực này:
Phát hiện sớm qua xét nghiệm máu:
Xét nghiệm HbA1c: Đây là xét nghiệm quan trọng để đo lượng đường trung bình trong máu của bệnh nhân trong 23 tháng trước đó. Công nghệ sinh học đã cải tiến quy trình và độ chính xác của các xét nghiệm này.
Biomarkers: CNSH đã phát triển các kỹ thuật để xác định các dấu ấn sinh học (biomarkers) đặc hiệu cho đái tháo đường, giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm hơn. Một số biomarker như insulin, Cpeptide, và các yếu tố di truyền khác đang được nghiên cứu và ứng dụng.
Chẩn đoán qua công nghệ di truyền:
Phân tích gen: CNSH cho phép phân tích các biến đổi gen có liên quan đến đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2. Các kỹ thuật như PCR (polymerase chain reaction), giải trình tự gen (genome sequencing) giúp nhận diện các biến đổi di truyền có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Cảm biến và thiết bị đo lường: Cảm biến glucose liên tục (CGM): Các cảm biến này được gắn trên cơ thể bệnh nhân để theo dõi mức đường huyết liên tục. Công nghệ sinh học đã giúp phát triển các thiết bị CGM với độ chính xác cao và khả năng kết nối với các thiết bị di động, giúp bệnh nhân quản lý bệnh tốt hơn.
Phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI):
AI trong chẩn đoán và dự báo: Các thuật toán học máy (machine learning) và trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng để phân tích dữ liệu lớn từ các bệnh nhân, giúp phát hiện các mô hình và xu hướng liên quan đến đái tháo đường. Điều này giúp các bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác và cá nhân hóa phương pháp điều trị.
Phát triển thuốc và liệu pháp gen:
Liệu pháp gen: CNSH đang nghiên cứu cách sử dụng liệu pháp gen để điều trị đái tháo đường, như việc thay đổi các gen liên quan đến sản xuất insulin hoặc đáp ứng của cơ thể đối với insulin.
Phát triển thuốc mới: CNSH đã góp phần vào việc phát triển các loại thuốc mới như thuốc ức chế SGLT2, GLP1 receptor agonists, và DPP-4 inhibitors, giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn.
Vaccine và liệu pháp miễn dịch: Vaccine phòng ngừa: Nghiên cứu CNSH cũng đang tiến hành phát triển các loại vaccine có khả năng phòng ngừa đái tháo đường tuýp 1 bằng cách ngăn chặn các phản ứng tự miễn dịch phá hủy các tế bào beta của tuyến tụy.
Các ứng dụng này của CNSH không chỉ giúp cải thiện khả năng chẩn đoán và điều trị đái tháo đường mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân thông qua việc quản lý bệnh hiệu quả hơn.
ThS Lê Minh Trí (trái) và ThS- BSCK1 La Văn Minh Tiến tại chương trình
MC: Quản lí ĐTĐ thai kì như thế nào? Thói quen ăn uống nên được thay đổi như thế nào?
ThS- BSCK1 La Văn Minh Tiến: Chuyện này không đơn giản, cũng không phải 1 phía từ BS. Nó cần sự nhận thức của bệnh nhân và tuân thủ điều trị rất tốt. Thuốc không phải là điều trị hiệu quả trong trường hợp này, thậm chí nó còn gây hại nếu bổ sung quá sớm. Thay đổi thói quen ăn uống là điều trị quan trọng nhất.
Không phải cứ cắt toàn bộ tinh bột/ đường sẽ tốt. Điều này vô tình làm thai phụ chuyển hoá mỡ thay vì đường (giống chế độ ăn low-carb vậy). Điều này sẽ làm acid hoá máu của mẹ và thai, thúc đẩy nhanh tổn thương các cơ quan non nớt của em bé và lưu thai.
Phù hợp nhất là ăn uống đều độ (hiểu là không phát sinh nhiều lên, cũng không bỏ bữa), chỉa nhỏ các bữa ăn để đảm bảo tinh bột được phân bổ đều trong ngày, sử dụng các thành phần tinh bột có chỉ số GI thấp để giúp đường không tăng vọt lên sau ăn và lưu ý là nên ăn nhẹ vào buổi tối trước ngủ.
Khác với người không có thai, nếu đường quá cao hoặc quá thấp thì còn khắc phục được. Nhưng chỉ cần 1 cử ăn quá nhiều đường hấp thu nhanh (vd sầu riêng, trà đá đường) có thể làm em bé bị thai lưu. Điều này là thất bại hoàn toàn trong kiểm soát ĐTĐ
Sau đó, phải kiểm soát lượng tinh bột ăn vào để hạn chế các biến chứng liên quan đến em bé quá to. Đây không có công thức chung cho tất cả mọi người. 2 yếu tố quan trọng:
- Đủ năng lượng để sinh hoạt (vì 1 số người làm việc khá nặng)
- Tự theo dõi đường huyết để điều chỉnh thực đơn và tìm ra “bữa ăn lí tưởng cho bản thân”. Lí tưởng đây là đường trước và sau ăn không thay đổi đáng kể và không quá cao/thấp. Có bữa ăn lí tưởng rồi thì cứ áp dụng đến cuối thai kì. Lúc này không cần thử đường quá nhiều nữa.
Công thức cho đường huyết của mỗi người?
Đường huyết. =ax1 + bx2 +cx3 + dx4. Trong đó (x1 là nền và x2 là sự vận đông, thông thường không thay đổi quá nhanh), trong đó x3 là chế độ ăn và x4 là thuốc hạ đường huyết sẽ biến động rất lớn. Đó là lí do không nên dùng thuốc quá sớm khi chế độ ăn chưa thực sự ổn định.
MC: Với thông tin sức khỏe về ĐTĐ thì dường như mọi người lo lắng quá nhiều về Tinh bột/ Đường trong chế độ ăn uống, đặc biệt với người ĐTĐ, vậy Từ góc nhìn của 1 Health Coach trong việc thực hành lối sống khỏe và dinh dưỡng ứng dụng, thì người TĐ nên lưu ý chế độ ăn uống nào để ngăn ngừa/ hỗ trợ bệnh ĐTĐ?
ThS Lê Minh Trí: Theo khái niệm từ Viện Dinh Dưỡng tích hợp, Hoa Kỳ chuyên đào tạo Health Coach quốc tế, thì Thức ăn có 2 loại thức ăn mà chúng ta ăn mỗi ngày:
+ Thức ăn chính yếu: Các khía cạnh của lối sống như vận động, các mối quan hệ, sự nghiệp, tài chính, đời sống xã hội, sức khỏe tinh thần…
+Thức ăn thứ yếu: Là những thức ăn chúng ta ăn và cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể mỗi ngày.
Từ đó, chúng ta sẽ thấy rõ những loại thức ăn chính yêu và thứ yếu gây nên các bệnh đái tháo đường là:
- Áp lực căng thẳng (stress) từ các mối quan hệ, từ công việc, gia đình, áp lực trong bữa ăn…làm tăng tiết các hormone Adrenalin thường xuyên gây viêm, làm giảm chức năng tiết Insulin của tụy.
- Chế độ ăn quá nhiều chất béo dầu mỡ (kể cả thịt động vật) lâu dài làm giảm chức năng gan, ảnh hưởng khả năng lưu trữ và giải phóng glucose, đường huyết, ảnh hưởng hoạt động Insulin.
- Chế độ ăn quá nhiều tinh bột (ĐB đường tinh luyện) kèm việc tập thể dục/ vận động quá ít, gây viêm mãn tính và tăng tình trạng kháng insulin.
CHO NÊN, một chế độ ăn uống đúng hỗ trợ ngăn ngừa/ phục hồi bệnh DTD là:
+ Chế độ ăn thực vật là chính, với nhiều ngũ cốc nguyên hạt, bột đường phức.
+ Hạn chế các món ăn/ uống nhiều đường tinh luyện
+ Hạn chế các thịt đỏ và chế phẩm từ sữa/thịt.
+ Hạn chế dầu tinh luyện hay các món chế biến chiên xào nhiều dầu mỡ.
+ Tăng khẩu phần rau củ trái cây – ít nhất 5 khẩu phần mỗi ngày.
+ Uống đủ nước theo nhu cầu mỗi người.
Và một lối sống vận động, tập thể dục và thư giãn sâu trong cuộc sống.
MC Trung Khang
MC: Vậy với người ĐTĐ, hay thai phụ có triệu chứng ĐTĐ thai kỳ thì có nên giảm, loại bỏ trái cây ngọt trong giai đoạn thai kỳ không?
ThS Lê Minh Trí:
Trước tiên, chúng ta cần hiểu rõ, trong trái cây (ví dụ 1 trái táo) gồm những dưỡng chất gì:
-> Khoáng chất và vitamin
-> Nước sạch
-> Polyphenol, chất chống Oxi hóa
-> Xơ, pectin, protein
-> Đường (chủ yếu là fructose)
Do đó, chúng ta cần rõ là:
-Khi ăn trái cây còn có rất nhiều dưỡng chất khác nhau hỗ trợ sức khỏe, chứ không chỉ là đường (glucose/ sucrose) tinh luyện trong các loại thực phẩm khác.
-Do lượng xơ và các dưỡng chất khác sẽ hỗ trợ việc hấp thu đường trái cây vào máu chậm hơn so với đường tinh luyện.
-Và nếu để nạp 1 lượng đường lớn (như 1 số cảnh báo nguy cơ ĐTĐ) từ trái cây thì bạn phải ăn 1 lượng rất lớn, điều đó cũng không tốt cho đường ruột, tiêu hóa của chúng ta.
Cuối cùng, bạn có có thể xem lại những nguyên nhân gây ra ĐTĐ đã đề cập trên, thì bạn sẽ biết được đường từ trái cây không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tiểu đường thai kỳ.
CHO NÊN, Quay lại điều cơ bản là, không sợ hãi trái cây dù thai phụ có bị hay không bị ĐTĐ thai kỳ, bạn CẦN KIÊNG ĐƯỜNG TINH LUYỆN, chứ không phải đường tự nhiên từ trái cây.
Hãy lắng nghe cơ thể và lựa chọn trái cây với lượng phù hợp với chính mình nhé.
MC: Vậy với góc nhìn CNSH, cô Linh có thể chia sẻ làm thế nào để đảm bảo tính an toàn khi áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, sống xanh- sống khoẻ để quản lý được bệnh ĐTĐ?
ThS Dương Nhật Linh: Để đảm bảo tính an toàn thực phẩm khi áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống xanh, có thể xem xét các biện pháp sau từ góc nhìn công nghệ sinh học (CNSH):
1. Chọn lựa thực phẩm an toàn và sạch
- Thực phẩm hữu cơ: Chọn thực phẩm hữu cơ vì chúng ít sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Công nghệ sinh học có thể hỗ trợ trong việc phát triển các giống cây trồng có khả năng kháng sâu bệnh tự nhiên, giảm nhu cầu sử dụng thuốc trừ sâu.
- Giám sát dư lượng hóa chất: Sử dụng các công nghệ hiện đại như cảm biến sinh học để phát hiện và giám sát dư lượng thuốc trừ sâu và các chất gây ô nhiễm khác trong thực phẩm.
2. Ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến thực phẩm
- Công nghệ bảo quản: Áp dụng công nghệ sinh học để phát triển các phương pháp bảo quản thực phẩm như sử dụng vi khuẩn có lợi để kéo dài thời gian bảo quản mà không cần đến chất bảo quản hóa học.
- Phát triển chế phẩm sinh học: Sử dụng các chế phẩm sinh học (probiotics) và enzyme để cải thiện giá trị dinh dưỡng và độ an toàn của thực phẩm.
3. Giảm thiểu chất thải và tác động môi trường
- Nông nghiệp thông minh: Áp dụng CNSH trong nông nghiệp để tối ưu hóa việc sử dụng nước, phân bón và năng lượng, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
- Tái chế và sử dụng lại: Sử dụng CNSH để phát triển các giải pháp tái chế chất thải thực phẩm thành phân bón hữu cơ hoặc nguồn năng lượng tái tạo.
4. Phát triển thực phẩm chức năng
Thực phẩm giàu dinh dưỡng: Sử dụng CNSH để phát triển các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và có lợi cho sức khỏe như các loại ngũ cốc, rau quả giàu vitamin và khoáng chất.
Thực phẩm chức năng: Phát triển các loại thực phẩm chức năng có khả năng phòng ngừa bệnh tật, hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch.
Bằng cách kết hợp các biện pháp này, chúng ta có thể đảm bảo tính an toàn thực phẩm trong quá trình áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống xanh, từ đó bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
MC: Bệnh nhân mà nghe đến mình bị ĐTĐ thai kỳ là rất lo sợ rồi, BS có thể chia sẻ một ví dụ về thực đơn cho 1 ngày dành cho thai phụ bị ĐTĐ được không ạ? Và trong hành trình đồng hành cùng bệnh nhân có những chuyện vui buồn nào không ạ? Có bệnh nhân thất bại trong quá trình điều trị không?
ThS- BSCK1 La Văn Minh Tiến:
MC: Là một chuyên gia về HC, Những phương pháp nào để hỗ trợ người bệnh đái tháo đường thai kỳ thích ứng với lối sống xanh? Ngoài sự chủ động của thai phụ trong giai đoạn này, thì cần lưu ý gì nữa hay không?
ThS Lê Minh Trí: Ba khía cạnh từ tâm thái đến hành động cần thiết:
+ Tư duy chủ động – không thụ động và cho rằng ĐTĐ thai kỳ là tất yếu, cứ chữa trị theo toa bác sĩ. MÀ CẦN chủ động tìm hiểu và chăm sóc cơ thể từ lúc tiền thai kì về thể chất, tâm trí và cảm xúc.
+ Hiểu rằng sức khỏe thai phụ KHÔNG CHỈ qua các kết quả xét nghiệm máu, mà chính là cảm xúc, năng lượng, tinh thần của thai phụ.
+ Hành động thực tế, gốc rễ chính là: Ăn uống đúng, thực hành THở đúng, Biết cách thư giãn đúng và vận động đúng với các giai đoạn thai kỳ.
Ngoài sự chủ động của thai phụ trong giai đoạn này, thì chúng ta cần lưu ý gì nữa ko?
VAI TRÒ CỦA NGƯỜI CHỒNG góp phần rất lớn trong việc hỗ trợ cân bằng cảm xúc của thai phụ. Người chồng cần chủ động tìm hiểu sức khỏe thai phụ để từ đó động viên, nói lời ái ngữ, hành động thực tiễn chăm sóc người vợ, cùng vợ vận động đều độ mỗi ngày, trò chuyện với đứa con ngày trong bụng mẹ…
Những điều đó sẽ giúp tác động cân bằng hoạt động hormone của người vợ, tác động tích cực đến trạng thái cơ thể, sức khỏe thai phụ và cả đứa con trong bụng mẹ. Và chính yếu tố này cũng tác động đến triệu chứng ĐTĐ thai kỳ của người phụ nữ.
Một thông điệp đến người chồng là, nếu anh đầu tư vào giai đoạn tiền thai kỳ và thai kỳ của vợ mình thì Anh lời gấp đôi – sức khỏe của mẹ và con!
MC: Còn cô Linh thì sao ạ, dưới góc độ là một người mẹ đã từng mang thai, cô có những chia sẻ gì thêm về vấn đề này không?
ThS Dương Nhật Linh: Dưới góc độ của một người mẹ từng mang thai và bị đái tháo đường thai kỳ, việc duy trì lối sống xanh và quản lý bệnh đái tháo đường là rất quan trọng.
Chế độ ăn uống:
Hạn chế đường và thức ăn có chỉ số đường huyết cao.
Tăng cường tiêu thụ rau xanh, trái cây, hạt và thực phẩm giàu chất xơ.
Theo dõi lượng carbohydrate trong bữa ăn để kiểm soát đường huyết.
Tập thể dục:
Tập thể dục đều đặn để cải thiện sức khỏe tim mạch và kiểm sát đường huyết.
Thả luận với bác sĩ về lịch trình tập thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Theo dõi đường huyết:
Sử dụng máy đ đường huyết để kiểm tra đường huyết hàng ngày.
The dõi các chỉ số đường huyết và tuân thủ kế hoạch điều trị.
Kiểm tra thai kỳ:
Thường xuyên kiểm tra thai kỳ để đảm bả sự phát triển bình thường của thai nhi.
Thả luận với bác sĩ về việc quản lý tiểu đường trong thai kỳ.
Tư vấn với bác sĩ:
Luôn thảo luận với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bạn và nhận lời khuyên cụ thể.
Nhớ rằng mỗi trường hợp là khác nhau, vì vậy hãy luôn thảo luận với bác sĩ để tìm ra phương pháp phù hợp nhất cho bạn.
MC: Từ đầu chương trình mình chia sẻ về chế độ ăn uống để kiểm soát, vậy thuốc đóng vai trò ra sao trong ĐTĐ thai kì? Việc lâu lâu đi kiểm tra đường huyết tại bệnh viện để kết luận “hết bị ĐTĐ”?
ThS- BSCK1 La Văn Minh Tiến: Thuốc mục tiêu chính là “hạ đường huyết” chứ không phải “ổn định đường huyết” nên nó không được đề ra đầu tiên. Thế nên, dùng thuốc hạ đường huyết phải đặt trong bối cảnh chung là để ổn định đường huyết. Có nghĩa là nó cần chiến lược và nhận thức của người bệnh. Dễ hiểu: nếu ăn 1 đĩa cơm thì liều Insulin 10IU là chuẩn. Nhưng nếu hôm đó cổ ăn quá ít do bệnh, 10IU đó sẽ làm cổ hạ đường huyết nghiêm trọng. Vì vậy, khi chưa tự ý thức được ổn định chế độ ăn, việc bổ sung Insulin sẽ làm tăng khả năng biến động đường huyết và làm tăng nguy cơ thai lưu.
Insulin sẽ có giá trị khi đã ổn định bữa ăn rồi, ăn ít nhất có thể rồi mà đường vẫn cao. Và khi có Insulin rồi, thì bữa ăn phải đặc biệt ổn định nghiêm ngặt
Khi nói 1 người bệnh mạn tính rằng chị hết bệnh rồi, ai cũng sẽ rất vui. Tuy nhiên thực tế điều này sẽ gây phản ứng dội rất tiêu cực.
Lúc này, thai phụ sẽ lơ là hơn trong kiểm soát đường huyết, vì thế có thể dẫn đến hậu quả không khắc phục được là thai chết lưu.
Việc thử đường huyết tại BV có nhiều bất cập của nó: bởi thời gian nhịn ăn, thức ăn vào sáng hôm đi khám sẽ không phản ánh thực tế chế độ ăn ở nhà. Vì vậy, nó sẽ cung cấp rất ít thông tin cho việc kiểm soát đường huyết tại nhà.
MC: Vận động có vai trò gì trong quản lí ĐTĐ thai kì?
ThS- BSCK1 La Văn Minh Tiến:
Ai cũng biết chuyện vận động sẽ làm giảm đề kháng Insulin hơn, giúp tiêu thụ lượng đường trong máu và vì thế làm hạ đường huyết.
Nhưng đều này cũng cần sự đều độ mỗi ngày, đừng phát sinh. Bởi vì phát sinh sẽ làm dao động đường huyết rất lớn.
Tóm lại, ĐTĐ là bệnh lí nguy hiểm để lại những rủi ro có thể không khắc phục được là em bé chết lưu. Điều này y như tai nạn, chỉ cần lơ là trong 1 lần ăn uống là nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà không có cơ hội điều chỉnh lại được. Quản lí ĐTĐ thai kì quan trọng nhất là sự đều độ trong chế độ ăn và vận động. Thuốc hạ đường huyết không có vai trò chính trong chuyện này, nó chỉ nên được đặt trong chiến lược ổn định đườnh huyết và ổn định ở mức cho phép.
MC: Như anh nói, lối sống (không tập thể dục, căng thẳng…) và chế độ ăn uống không lành mạnh ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành ĐTĐ, vậy liệu có những thói quen sinh hoạt nào khác tác động việc hình thành bệnh đái tháo đường?
ThS Lê Minh Trí: Bên cạnh những khía cạnh cuộc sống như chế độ ăn uống, môi trường, vận động, áp lực căng thẳng đã nêu ở trên, thì tôi muốn lưu ý 02 thói quen rất phổ biến có nguy cơ dẫn đến bệnh ĐTĐ mà ít ai để ý, đó là:
Một = Việc bỏ bữa ăn thường xuyên, nghĩa là bạn ăn uống thất thường làm cơ thể lặp lại trạng thái đói, hạ đường huyết. Khi đó, tuyến thượng thận phải xử lý nhanh bằng cách tiết nhiều Adrenalin, nhằm:
-> Tăng cường sản xuất glucose: bằng cách kích thích tuyến tụy sản xuất glucagon, báo Gan giải phóng nhanh glucose dự trữ vào máu. Hay kích thích Gan tân tạo glucose mới cho cơ thể.
-> Giảm độ nhạy Insulin: giảm việc hấp thu glucose máu vào mọi tế bào, để ưu tiên cho các mô cần thiết (não, tim…)
Và như vậy, lượng Adrenalin trong máu luôn cao, thì gây hại/phá hủy các mô cơ khác…trong đó có cả tuyến tụy với chức năng tạo Insulin, lâu dần gây ra bệnh ĐTĐ.
Hai = Khi ăn trong lúc căng thẳng (họp hành, làm việc, coi phim bạo lực, cảm xúc mạnh…), cơ thể sẽ tiết ra hai loại hormone chính: Insulin (do điều hòa đường huyết từ bữa ăn) và Adrenalin (do căng thẳng). Tuy nhiên, sự kết hợp của hai hormone này trong bối cảnh căng thẳng có thể dẫn đến những tác động tiêu cực đến tế bào, làm GIẢM khả năng nhận diện Insulin hiệu quả.
Adrenalin làm tăng nhịp tim và huyết áp, khiến các tế bào cơ bắp và gan trở nên nhạy cảm hơn với Adrenalin và các tế bào KHÁC trở nên ít nhạy cảm hơn với Insulin, dẫn đến tình trạng kháng Insulin.
MC: Nguy cơ mắc tiểu đường trong tương lai sau khi trải qua tiểu đường thai kỳ là cao hay thấp, làm thế nào để thai phụ thoát nguy cơ này?
ThS- BSCK1 La Văn Minh Tiến: Thai kì giống như 1 test ĐTĐ của 1 người vậy. Với những chất tiết ra từ bánh nhau vào nửa sau thai kì, nó sẽ làm cho những người có nguy cơ tìm ẩn bộc lộ thành ĐTĐ thai kì với nhiều mức độ khác nhau. Vì vậy những người mắc ĐTĐ thai kì là đối tượng nguy cơ cao của ĐTĐ type 2 sau này. Đó là lí do các hiệp hội về ĐTĐ đều khuyên những bạn này đi tầm soát ĐTĐ mỗi năm. Và quan trọng hơn hết là điều chỉnh lối sống về công việc, ăn uống và vận động 1 cách “xanh”, 1 cách “khoa học” như nãy giờ mọi người đã chia sẻ. Điều này giống như 1 dự phòng sớm vậy, đừng để đường huyết cao trong cơ thể 1 thời gian lây dài sẽ gây ra những tổn thương tạng không hồi phục.
Và đã có nhiều bạn bầu với mức test đường huyết rất cao, đến với mình điều chỉnh bằng chế độ ăn khoa học, bạn có 1 thai kì vẫn giống các bạn không mắc đái tháo đường (con không chết lưu, cân nặng đạt chuẩn, vẫn sinh thường khoẻ mạnh như bình thường). Sau đó, bạn vẫn duy trì chế độ ăn này do đã hình thành thói quen. Bạn kiểm soát được cân nặng khá tốt, dáng đẹp và sống “xanh”, sống tích cực hơn. Điều này chắc chắn sẽ hạn chế tối đa khả năng ĐTĐ. Và dù có bị ĐTĐ bạn vẫn kiểm soát tốt bằng lối sống, không thuốc và không có biến chứng lâu dài.
MC: Lối sống xanh có ảnh hưởng đến sự phục hồi sau khi mắc tiểu đường thai kỳ không?
ThS Lê Minh Trí: CHẮC CHẮN LÀ CÓ. Không chỉ giúp phục hồi mà còn giúp ngăn chặn/ giảm thiểu mắc TĐ thai kỳ. Vì lối sống xanh tác động vào đúng gốc rễ lối sống như Ăn đúng, thở đúng, vận động đúng và thư giãn đúng.
MC: Được biết anh là cựu sinh viên Khoa CNSH, theo anh thì SV khoa CNSH có cơ hội nào để trở thành một chuyên gia dinh dưỡng như anh hay không?
ThS Lê Minh Trí: Sinh viên khoa CNSH có lợi thế rất lớn nếu bạn hướng đến trở thành một chuyên gia dinh dưỡng hay một HLV Sức khỏe. vì các bạn SV đã được học khoa học cơ thể với các kiến thức nền tảng về cơ thể như hệ tuần hoàn, miễn dịch, tiêu hóa, cũng như các quá trình, phản ứng sinh hóa trong cơ thể, cấp độ tế bào…Đó là các nền tảng KT giúp SV tự học, cập nhật kiến thức đời sống sức khỏe thực tế qua nhiều nguồn thông tin khoa học khác….Bên cạnh đó, các bạn muốn làm nghề liên quan HLV SK hay CGDD thì có thể tìm hiểu thêm kiến thức về khoa học dinh dưỡng, các kỹ năng tư vấn, coaching (KV) …từ các viện, Trung tâm tổ chức uy tín cấp chứng nhận quốc tế hoặc ngay tại Việt Nam.
Khi bạn dấn thân trải nghiệm con đường sự nghiệp về sức khỏe – thịnh vượng (health -wellbeing) thì người được lợi đầu tiên chính là Bạn và người thân quanh bạn! Và đó là một trong những con đường tạo giá trị cộng đồng rất tốt.
MC: Ở góc độ là GV Khoa CNSH cô Linh có chia sẻ gì thêm không?
ThS Dương Nhật Linh: Với các bạn SV khi học cũng như mới tốt nghiệp, hình ảnh học xong CNSH thường sẽ là những người mặc áo blouse vào phòng Lab, nhưng các bạn thấy đó, hành trình sự nghiệp với ngành CNSH không chỉ đơn thuần là như vậy, anh Trí- một CSV khoa CNSH cũng là một ví dụ/một minh chứng cho thấy từ kiến thức chuyên môn/chuyên ngành, chúng ta học hỏi, phát triển, trau dồi thêm.