PGS- TS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP HCM (UEH), cho biết năm nay trường giữ ổn định tổng chỉ tiêu và 6 phương thức xét tuyển. Nhà trường tiếp tục phát triển đa lĩnh vực với 11 lĩnh vực đào tạo và 56 lựa chọn chương trình học, từ Kinh doanh, Kinh tế, Quản lý, Nhân văn đến Công nghệ, Thiết kế ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.
Cũng năm nay, trường mở mới 2 chương trình đào tạo: ArtTech (Công nghệ nghệ thuật) và Điều khiển thông minh và tự động hóa.
Các phương thức xét tuyển của ĐH Kinh tế TP HCM, gồm:
1/ Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
2/ Xét tuyển thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế;
3/ Xét tuyển học sinh Giỏi;
4/ Xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn;
5/ Xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực;
6/ Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Đối với các phương thức xét tuyển sớm (2), (3), (4), (5), ĐH Kinh tế TP HCM dự kiến mở cổng đăng ký xét tuyển trực tuyến từ ngày 2/4/2024 đến 10/5/2024.
Năm nay, ĐH Kinh tế TP HCM tuyển sinh 56 chương trình đào tạo ở 11 lĩnh vực, từ Quản lý, Kinh doanh, Kinh tế, Ngôn ngữ đến Công nghệ và Thiết kế ứng dụng với 2 lựa chọn địa điểm học tập: tại TP HCM (mã KSA) hoặc tại Vĩnh Long, năm cuối luân chuyển học tập tại TP HCM (mã KSV).
Sau khi lựa chọn được ngành học phù hợp với bản thân, người học có thể lựa chọn các loại hình chương trình đào tạo như:
(1) chương trình tiên tiến quốc tế,
(2) chương trình tiên tiến,
(3) chương trình kế toán tích hợp với chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế,
(4) chương trình Cử nhân Tài năng ISB BBus,
(5) chương trình Cử nhân ISB ASEAN Coop. Theo từng loại hình, sinh viên có thể lựa chọn học hoàn toàn bằng tiếng Anh, bán phần tiếng Anh và chương trình tiếng Việt.
Học phí tín chỉ tiếng Việt từ 975.000 đến 1.065.000 VNĐ, học phí tín chỉ tiếng Anh bằng khoảng 1,4 lần tiếng Việt. Riêng học phí học tại Phân hiệu Vĩnh Long bằng 60% - 65% học phí tại TP HCM
Tín chỉ: được sử dụng để tính khối lượng học tập của sinh viên. Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết lý thuyết, 30-45 tiết thực hành; 45-90 giờ thực tập tại cơ sở; 45-60 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn (theo quy định của UEH).
Bên cạnh đó, ĐH Kinh tế TP HCM tiếp tục phát triển chương trình song ngành tích hợp, theo hướng tối ưu giúp người học “nhận 2 bằng cử nhân với 4 năm học”. Đây là sự ghép đôi các lĩnh vực chuyên môn cần thiết theo thực tế yêu cầu của thị trường lao động hiện nay. Người học có thể lựa chọn ngay từ đầu các chương trình học có thiết kế song ngành tích hợp.
Thông tin thêm, thí sinh xem Tại đây