• Thứ Bảy, 06 tháng 10, 2018
  • 11:24 GMT +7

Tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội: Thí sinh phải thi 4 môn

Ngày 5/10, Sở GD&ĐT “chốt” phương án thi vào lớp 10 THPT. Theo đó, học sinh sẽ thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn.

 
Theo đó, môn tự chọn sẽ được lựa trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Môn thi thứ 4 này sẽ được công bố vào tháng 3/2019.
 
Thông tin do ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội công bố trong cuộc họp với các trường THPT ngày 5/10.
 
Theo ông Dũng, sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội trình phương án thi tuyển vào lớp 10, UBND TP Hà Nội đã có văn bản trả lời chấp thuận phương án học sinh sẽ dự thi 4 môn gồm: Văn, Toán, Ngoại ngữ và một môn thi khác sẽ công bố vào tháng 3 tới.
 
Như vậy, sau 2 tháng Sở GD&ĐT trình 3 phương án tuyển sinh để lấy ý kiến rộng rãi các trường thì đến thời điểm này, UBND TP Hà Nội phê duyệt phương án 1.
 
Cụ thể, học sinh sẽ thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn trong số các môn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trong đó, môn thi thứ 4 sẽ được công bố vào tháng 3/2019.
 
Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đưa ra 3 phương án. Cụ thể, phương án 1, thí sinh sẽ thi tuyển 4 bài thi độc lập gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi thứ 4 thuộc một trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Bài thi thứ 4 sẽ do Sở GD&ĐT Hà Nội công bố vào cuối tháng 3. Thời gian làm bài đối với các bài thi Toán, Ngữ văn là 120 phút, thời gian làm bài đối với 2 bài thi còn lại là 60 phút/ bài thi.
 
Phương án 2 là giữ nguyên như phương án tuyển sinh như lâu nay, thi tuyển hai môn Văn, Toán kết hợp xét tuyển.
 
Phương án 3 là tổ chức thi 3 bài thi gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp gồm: Tổ hợp 1 (gồm 4 môn: Ngoại ngữ, Vật lý; Lịch sử và giáo dục Công dân). Hoặc bài thi Tổ hợp 2 gồm 4 môn: Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học. Thời gian làm bài đối với bài thi Toán và Ngữ văn là 120 phút; đối với bài thi tổ hợp là 90 phút.
 
Ông Trần Mạnh Tùng, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng, chọn phương án 1 như trên đây là phù hợp nhất, tương tự như thi THPT đã áp dụng trong một thời gian dài. Phương án này phát huy được mục đích giáo dục toàn diện, khắc phục được các nhược điểm của hai phương án kia.
 
Theo ông Tùng, cách thức triển khai, do đây là năm đầu tiên thay đổi nên Sở cần đảm bảo không gây xáo trộn và khó khăn nhiều cho học sinh. Theo ông, nên thi Toán, Văn (120 phút) theo hình thức, nội dung như cũ, tránh thay đổi nhiều.
 
Ở môn Ngoại ngữ nên thi tự luận kết hợp trắc nghiệm. "Qua trao đổi với một số giáo viên Ngoại ngữ, chúng tôi thấy rằng, để đáp ứng tốt các yêu cầu về kỹ năng với môn Ngoại ngữ, nên thi ở dạng tự luận kết hợp một số câu hỏi trắc nghiệm, trong đó có các dạng câu hỏi khác nhau, tương tự bài thi học kỳ chúng ta vẫn tổ chức ở cấp quận, huyện", ông Tùng cho biết.
 
Môn thi thứ 4, theo ông Tùng, nên thi trắc nghiệm 100%. "Theo tôi, môn thi thứ 4 không nên nặng nề. Sở chỉ công bố vào cuối tháng 3 hàng năm nên thời gian không nhiều.
 
Để tránh áp lực cho học sinh, chúng ta nên thi ở dạng trắc nghiệm nhẹ nhàng với những câu hỏi cơ bản trong sách giáo khoa hoặc những câu hỏi vận dụng đơn giản, tránh các kiến thức hàn lâm, vô bổ", giáo viên này phân tích.
 
Cũng theo một số giáo viên, Sở GD&ĐT Hà Nội nên khẩn trương xây dựng đề minh họa và công bố sớm.
 
Nếu có thể, Sở nên công bố đề minh họa vào 2 đợt: Đợt 1 gồm đề 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ vào khoảng tháng 10, tháng 11. Đợt 2 gồm 4 môn, ngay sau khi Sở công bố môn thi thứ 4.
 
Bên cạnh đó, Sở cũng cần dành nhiều thời gian và nhân lực cho việc xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm để chủ động và tạo được các đề thi có chất lượng.
Vân Anh (tổng hợp)

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top