Học sinh đặt câu hỏi
Chương trình có 1.200 học sinh (HS) tham gia chương trình, cùng đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Mở TP HCM, Trường ĐH Kinh tế Tài Chính TP HCM, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi.
tại chương trình, HS đặt nhiều câu hỏi liên quan đến nghành nghề yêu thích, cách thức chọn ngành, chọn trường, xu hướng chọn ngành, yêu cầu nhà tuyển dụng… Cụ thể, nhiều học sinh hỏi nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn (KHXHNV) có còn cần thiết trong tương lai không? Học nhóm ngành này có làm lĩnh vực kinh doanh, kinh tế hay các lĩnh vực khác được không? Trả lời câu hỏi, ThS Trần Thị Lệ Quyên - Trường ĐH Mở TP.HCM chia sẻ: Nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXHNV) bao gồm nhiều lĩnh vực học phổ biến và đa dạng như tâm lý học, xã hội học, triết học, lịch sử, văn học, ngôn ngữ học và nghệ thuật. Sinh viên học các ngành này được trang bị kiến thức về lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế và xã hội học, cùng với các kỹ năng như phân tích, tổng hợp, tư duy logic, nghiên cứu, trình bày và viết lách. Sau khi tốt nghiệp, họ có nhiều cơ hội nghề nghiệp trong các lĩnh vực như con người, giáo dục, nghiên cứu, quản lý, tư vấn, truyền thông và nghệ thuật.
Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại ngày càng phát triển và con người đang đứt gãy các mối quan hệ cá nhân và cộng đồng, nhóm ngành KHXHNV trở nên càng thiết thực và quan trọng hơn. Những ngành học này giúp hiểu rõ về con người, xã hội và văn hóa, cũng như giải thích hiện tượng xã hội và tinh thần trong cuộc sống hàng ngày. Kiến thức từ nhóm ngành này cần thiết để giải quyết các thách thức và vấn đề xã hội và văn hóa trong tương lai. Do đó, nhóm ngành KHXHNV vẫn giữ vai trò quan trọng và cần thiết trong tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều ngành nghề đòi hỏi tính liên ngành.
Chia sẻ với một học sinh khi chưa biết chọn ngành nào phù hợp, ThS. Lư Trung Đức – PGĐ tuyển sinh vùng, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành gợi ý nếu chưa biết mình nên chọn ngành học nào, bạn có thể thực hiện các bước sau để có quyết định:
1. Tìm hiểu về các ngành học: Bạn có thể tìm hiểu về các ngành học thông qua các trang web tuyển sinh của các trường đại học, các trang web tư vấn nghề nghiệp, hoặc các nguồn tài liệu khác.
2. Xác định sở thích và kỹ năng của mình: Bạn cần xác định những sở thích và kỹ năng của mình để có thể chọn được ngành học phù hợp.
3. Tham gia các hoạt động ngoại khóa: Bạn có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa để có thêm kinh nghiệm và hiểu rõ hơn về các ngành học.
4. Hỏi ý kiến của người thân, bạn bè và giáo viên: Bạn có thể hỏi ý kiến của người thân, bạn bè và giáo viên để có thêm thông tin và đánh giá.
5. Tìm hiểu bản thân qua các trắc nghiệm tâm lý chuyên biệt chọn ngành.
6. Hỏi ý kiến chuyên gia.
Nếu bạn vẫn chưa chọn được ngành học, bạn có thể đăng ký xét tuyển vào các ngành học có điểm chuẩn thấp hoặc các ngành học đa ngành để có thể tìm hiểu và quyết định sau. Bạn cũng có thể tìm kiếm thêm thông tin và hỗ trợ từ các nguồn tư vấn nghề nghiệp hoặc chuyên gia trong lĩnh vực đó.
Trước những băn khoăn của HS khi cho rằng ĐH không phải là con đường duy nhất và mong muốn sau khi tốt nghiệp THPT sẽ đi xuất khẩu lao động sang Nhật, nhưng lại không biết quyết định của mình đúng hay sai và cần góp ý của ban tư vấn? Bà Trần Thị Kim Nhạn – Trưởng phòng CTTT & GDHN, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi đồng tình với câu nói đại học không phải là con đường duy nhất để thành công, các bạn học sinh sau khi tốt nghiệp THPT có thể phát triển bản thân, nghề nghiệp bằng nhiều con đường khác như học nghề yêu thích, kinh doanh hay khởi nghiệp vv….. Tuy nhiên bà dẫn chứng thêm tỉ lệ hàng năm theo thống kê của bộ GD&ĐT vẫn có 60-65% số lượng học sinh thi đỗ và theo học ở các trường ĐH – CĐ – Trung cấp trên cả nước, 35-40% còn lại các bạn chọn nhiều lựa hướng đi khác nhau, trong đó có cả xuất khẩu lao động, tuy nhiên xuất khẩu lao động là một tầm nhìn ngắn hạn, nó có thể mang lại kinh tế nhất thời, nhưng hết thời hạn xuất khẩu, người lao động trở về Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, có khi mất phương hướng không theo kịp xu thế hiện tại, nên cần thận trọng với quyết định này, bà phân tích thêm….
Là HS duyên hải miền trung, em có lợi thế gì để theo học các ngành Du lịch – Nhà hàng khách sạn nhằm trở về phát triển kinh tế địa phương? ThS Bùi Quang Đông - Trưởng Phòng CTSV, Trường ĐH Kinh tế- Tài Chính TP HCM, trả lời: Quảng Ngãi thuộc vùng duyên hải miền trung – có bờ biển trải dài 129 km rất thuận lợi để phát triển Du Lịch – Nhà hàng khách sạn, đồng thời khu vực duyên hải miền Trung nói chung và Tịnh Khê, Quảng Ngãi nói riêng còn còn nhiều chứng tích chiến tranh, nhiều vùng đất văn hóa, tâm linh,… có thể khai thác du lịch văn hóa, lịch sử, phát huy thế mạnh du lịch. Tuy nhiên hiện tại, sự đầu tư và chuẩn bị lực lượng nhân sự để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ngãi là chưa đủ và còn thiếu rất nhiều. Ông cho rằng học sinh học các ngành Dịch vụ, Du lịch, Nhà hàng khách sạn,… có nhiều lợi thế sau khi tốt nghiệp nếu các em biết nắm bắt cơ hội và có thể kết hợp du lịch về văn hóa, lịch sử, phát huy thế mạnh vùng miền tại địa phương. Khi đó các em không những làm mới cho công việc về ngành du lịch, dịch vụ mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch địa phương, đóng góp cho tỉnh nhà.
Ban TV đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích giúp các em hiểu hơn về nghề và đánh giá được sở thích, năng lực cá nhân, năng lực tài chính gia đình,… để chọn ngành, chọn trường phù hợp. Bên cạnh đó các anh chị đại diện khối Doanh Nghiệp cũng chia sẽ nhiều kinh nghiệm, kỹ năng định hướng nghề nghiệp theo góc nhìn của người Tuyển dụng lao động, từ đó giúp các em HS có được thông tin và chuẩn bị trước khi chọn ngành chọn trường trong thời gian sắp tới.
Trao học bổng cho HS
Tại chương trình, Ban Liên lạc cựu HS Trường THPT Sơn Mỹ khóa 2001-2004 đã tặng 25 suất học bổng (25 triệu đồng) cho 25 HS có hoàn cảnh khó khăn, có ý chí vươn lên trong cuộc sống, học tốt.