• Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2021
  • 13:58 GMT +7

16 tiêu chí an toàn để Hà Nội đón học sinh trở lại trường

UBND TP Hà Nội vừa ban hành hướng dẫn liên ngành về công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi học sinh trở lại trường trong điều kiện bình thường mới.

Văn bản hướng dẫn của UBND TP Hà Nội gồm hai phần, phần một hướng dẫn công tác phòng, chống dịch Covid-19, phần hai là bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học.

Trước khi trẻ đi học lại, UBND TP Hà Nội yêu cầu các nhà trường thực hiện 4 nhiệm vụ chính, bao gồm: Vệ sinh môi trường, khử khuẩn trường học; đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; tập huấn và tuyên truyền đến cán bộ, nhân viên nhà trường; phân công thực hiện nhiệm vụ cụ thể đến từng đơn vị.

Giáo viên được giao nhiệm vụ gửi thông tin, hướng dẫn phụ huynh, học sinh thực hiện các biện pháp bảo vệ, theo dõi sức khỏe tại nhà, đồng thời phối hợp với cha mẹ học sinh để theo sát tình hình của trẻ.

Giáo viên cũng cần chủ động đăng ký tiêm đủ 2 mũi vaccine và theo dõi sức khỏe tại nhà. Nếu đang trong thời gian cách ly y tế, giáo viên không được phép đến trường.

Đối với học sinh, trước khi đến trường, các em cần tăng cường tập thể dục, thực hiện các biện pháp phòng dịch và tự theo dõi sức khỏe của bản thân. Nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở, các em cần báo cho nhà trường và cơ quan y tế.

Bốn nhiệm vụ chính các nhà trường cần làm khi học sinh đi học lại bao gồm: Tổ chức các hoạt động tại trường học đảm bảo quy định phòng, chống dịch; thực hiện công tác khử khuẩn vệ sinh trường, lớp; theo dõi, chăm sóc, giám sát và xử lý các vấn đề sức khỏe tại trường; kiểm tra, giám sát, báo cáo việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại trường.

Giáo viên cần hướng dẫn, kiểm tra, nhắc nhở học sinh thực hiện các nguyên tắc phòng dịch khi ở trường. Hàng ngày, trước khi vào học, giáo viên phải điểm danh và kiểm tra tình hình sức khỏe của trẻ để có phương án theo dõi, xử lý kịp thời.

Học sinh cũng được nhắc nhở rửa tay thường xuyên, không dùng chung đồ dùng cá nhân,... Nếu có biểu hiện ho, sốt, khó thở, các em cần báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm.

Nhân viên y tế trường học, nhân viên bảo vệ trường cũng nhận được bộ hướng dẫn để cùng nhà trường thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và cán bộ.

Đối với các cơ sở giáo dục có ký túc xá học sinh, ban giám hiệu phải quán triệt vấn đề tổ chức nấu ăn trong phòng, đồng thời tổ chức khử khuẩn thường xuyên, bố trí trạm y tế đầy đủ để ứng phó kịp thời khi phát hiện học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở.

Nếu phát hiện các trường hợp sốt, ho, khó thở tại trường học, nhà trường cần tiến hành các biện pháp xử lý theo quy định của cơ quan y tế.

16 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn

UBND TP Hà Nội ban hành bộ đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học với 16 tiêu chí, chia thành 3 nhóm là: Trước khi học sinh đến trường, khi học sinh đến trường và sau khi kết thúc buổi học.

Mỗi tiêu chí được đánh giá ở hai mức là đạt và không đạt. Số tiêu chí đạt nhiều, tức là mức độ an toàn càng cao. Ngược lại, số tiêu chí không đạt nhiều, đồng nghĩa với mức độ an toàn thấp, trường học không an toàn.

Về phương pháp đánh giá, UBND quy định sẽ đánh giá lần lượt theo từng tiêu chí. Các tiêu chí đạt khi và chỉ khi các nội hàm của tiêu chí đều đạt.

Xếp loại mức độ an toàn được chia làm 3 loại, loại cao nhất là đạt từ 12 tiêu chí trở lên, loại trung bình đạt từ 8-11 tiêu chí và loại thấp nhất chỉ đạt từ 7 tiêu chí trở xuống.

Nếu đạt từ 7 tiêu chí trở xuống, trường học sẽ được đánh giá là chưa thực hiện tốt, không an toàn và không được phép hoạt động.

TP Hà Nội chỉ đạo sở GD-ĐT và sở y tế có trách nhiệm thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các quận huyện, thị xã có trách nhiệm thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra công tác chống dịch, đánh giá mức độ an toàn của đơn vị giáo dục theo bộ tiêu chí.

Minh Long (tổng hợp)

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top