• Thứ Tư, 01 tháng 07, 2020
  • 09:58 GMT +7

Bộ GD-ĐT: Trường chuyên là mô hình nhà nước đầu tư để bồi dưỡng tài năng

Theo Đặng Chung (Lao động)
Trước những tranh cãi về việc có nên tư nhân hóa trường chuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm là khó có thể xã hội hóa trường chuyên, vì đây là mô hình nhà nước đầu tư để bồi dưỡng tài năng.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành giải đáp các băn khoăn của báo giới về hệ thống trường chuyên. Ảnh: Thế Đại

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành giải đáp các băn khoăn của báo giới về hệ thống trường chuyên. Ảnh: Thế Đại

Học sinh trường chuyên có kỹ năng mềm rất tốt

Trong cuộc họp báo quý II/2020 của Bộ GDĐT tổ chức chiều 30.6,  vấn đề quanh những ồn ào trên mạng xã hội về “giữ hay bỏ hệ thống trường chuyên” đã được đại diện Bộ GD-ĐT giải đáp.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành, việc phát triển hệ thống trường chuyên là quan điểm của Đảng và Nhà nước đã được thể hiện trong Luật giáo dục. Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020 (gọi tắt đề án 959).

Ông Thành cũng cho biết khó có thể xã hội hóa trường chuyên vì đây là mô hình nhà nước đầu tư để bồi dưỡng tài năng, hỗ trợ những nhóm yếu thế, để đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Hiện Bộ GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch triển khai tổng kết Đề án này.

"Chúng tôi đang yêu cầu các địa phương báo cáo về quá trình phát triển hệ thống trường chuyên và tổ chức hội nghị tổng kết đề án vào cuối năm nay.

Qua đó, sẽ đánh giá một cách căn bản quá trình phát triển trường chuyên, xác định rõ đến giờ chúng ta đã đạt được những gì để đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của đề án. Cùng đó phát hiện ra những gì còn bất cập so với xu hướng phát triển của giai đoạn mới. Từ đó xác định hướng đi căn bản cho hệ thống trường chuyên trong thời gian tiếp theo” – ông Thành thông tin.

Trước câu hỏi Bộ GDĐT dùng thước đo nào để đánh giá chất lượng trường chuyên, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, về cơ bản đào tạo ở trường chuyên là dựa trên nền giáo dục đại trà tốt, sau đó mới phát triển giáo dục mũi nhọn để các em học sinh phát triển tài năng của mình.

Minh chứng cho điều này, theo ông Thành, số lượng học sinh thi quốc, học sinh giỏi quốc gia tại trường chuyên là không nhiều. Đại đa số học sinh trong trường chuyên học chương trình bình thường và chỉ có những học sinh ở lớp chuyên mới học thêm các chuyên đề chuyên sâu của môn học theo năng khiếu, sở trường.

“Cần hiểu mỗi trường chuyên có thể tuyển 1.500 đến 2.000 học sinh. Từ đó, trường chọn ra những em tốt nhất để vào những lớp chuyên, chọn ra một số em đi thi quốc tế. Khi đã đầu tư trường chuyên thì tập trung đào tạo "phần nhọn" bên trên.

Nếu nhìn vào hệ thống các trường chuyên, ngoài học, còn có rất nhiều loại câu lạc bộ rất phong phú, toàn diện. Các em trường chuyên có kỹ năng mềm rất tốt” - ông Thành nói.

Không có hệ chuyên cho THCS

Về sự tồn tại của hệ THCS trong một số trường THPT chuyên hiện nay, trong khi Luật Giáo dục không quy định điều này, đại diện Bộ GDĐT cho biết, theo quy định, trường THPT chuyên là loại trường THPT mà không có hệ THCS.

Có điều thực tế vẫn có 2 trường THPT chuyên có hệ THCS là Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) và Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.

“Chúng tôi xin khẳng định hệ THCS trong những trường này không phải là chuyên, mà chuyên chỉ có ở hệ THPT. Tới đây chúng tôi cũng sẽ đánh giá một cách rõ ràng để xem vai trò đóng góp của hệ THCS trong các trường chuyên này ra sao”- ông Thành nhấn mạnh.

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top