• Thứ Hai, 20 tháng 03, 2023
  • 14:44 GMT +7

Bộ GD-ĐT ưu tiên đặc biệt cho khối ngành công nghệ và kỹ thuật

Hữu Hà/nguồn Bộ GD-ĐT
Đất nước không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công nếu thiếu công nghệ, kỹ thuật mũi nhọn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nói như vậy tại lễ công bố Quyết định chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức ngày 17/3,

Bộ trưởng cho biết chuyển đổi mô hình và cơ cấu tổ chức từ trường thành ĐH để tiếp tục phát triển, để có điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển, có điều kiện để phát triển tổ chức bên trong, để quản trị tốt hơn theo thông lệ thế giới. Điều quan trọng đây là dấu ấn của sự phát triển, khi mà khuôn, vỏ, áo cũ đã trở nên chật hẹp, cần phải lột xác để phát triển. Một chữ “trường” và một chữ “đại học”, tuy chỉ là ngôn từ nhưng có sự khác biệt rất lớn và thể hiện một sự lựa chọn mô hình phát triển phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ĐH Bách khoa Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thiện cơ cấu đại học nhiều cấp với cấu trúc chặt chẽ của quản trị hiện đại. Cần hoàn thiện chiến lược và định hướng phát triển lâu dài, hoàn thiện lại quy chế tổ chức và hoạt động… Mô hình đại học là mô hình thích hợp để triển khai cơ cấu đa ngành. Với một hệ thống lớn và phức tạp, số lượng cán bộ, sinh viên đông và đa dạng, mô hình này vừa bảo đảm sự tự chủ và điều hành thống nhất của bộ máy chỉ huy chung của đại học, vừa tạo điều kiện cho các thành tố cấp thấp nhất có được quyền tự chủ tương đối về học thuận, tạo nên sự năng động chung cho toàn hệ thống. Mô hình này có nhiều ưu thế, nó phù hợp với một trình độ quản lý cao, nguồn lực dồi dào, dày đặc các hoạt động học thuật và tiếng nói chuyên môn có uy quyền và vai trò của các GS được phát huy cao độ, đặc biệt là các cấp điều hành chuyên môn. Các quyền hành chính tập trung ở cấp đại học, còn quyền và tiếng nói chuyên môn là cơ chế vận hành của các đơn vị cấp dưới. Nếu vận hành không tốt, nguy cơ phức tạp và chia cắt, thiếu thống nhất từ bên trong rất có thể diễn ra, hoặc làm phát sinh thêm sự cồng kềnh của bộ máy hành chính. Cho nên, các trường thuộc dễ có nhu cầu tự chủ cao hơn, mong muốn tự chủ cao hơn và hoạt động độc lập bên trong. Điều này cũng sẽ rất dễ làm thay đổi mục tiêu ban đầu của sự chuyển đổi.

Thay thay đổi một mô hình, một định hướng, từ sự lựa chọn đến sự vận hành đầy đủ và hiệu quả là cả một khoảng cách. ĐH Bách khoa cần xác định chặng đường đổi mới của mình, chặng đường đổi mới toàn bộ thực thể của đại học mới chỉ là đang bắt đầu. Một đại học vận hành theo mô hình mới, với mô hình quản trị tiên tiến, đại học số, sự chuyển đổi đó cần phải được tiến hành cùng lúc và đồng bộ, cần phải thấy hết các thách thức còn đang chờ phía trước. Sự chuyển đổi mô hình từ trường đại học thành đại học không phải và tránh là một xu hướng “hữu đại” mà phải xem đây là công cụ để giải phóng cho sức sáng tạo từ bên trong, giải pháp cho các năng lực sáng tạo bằng một cơ chế mới. Nếu không phải vậy sự thay đổi sẽ rất ít ý nghĩa.

Cần xem sự chuyển đổi mô hình này là con đường tốt hơn để hiện thực hóa các khát vọng phát triển của đại học. Đại học cần xác định về mặt tư tưởng, quan điểm cho cán bộ, nhân viên, toàn thể người lao động, học sinh, sinh viên; cần trả lời cho đúng và đầy đủ câu hỏi: Chúng ta chuyển trường đại học thành đại học để làm gì và tại sao cần phải làm như vậy.

ĐH Bách khoa đã, đang và sẽ phải là một cơ sở giáo dục, một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ số 1 của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật. Đất nước mong muốn phát triển, ngành GD-ĐT là một đột phá chiến lược để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của đất nước, thì các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, hiện đại hết sức quan trọng. Đất nước không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công nếu thiếu công nghệ, kỹ thuật mũi nhọn.

ĐH Bách khoa đứng trước cơ hội và định hướng mở rộng đa ngành, nhưng cần xác định trụ cột, chỗ đứng phải là công nghệ và kỹ thuật và kỹ thuật cao. Trường không chỉ phát triển cho mình mà còn cho quốc gia nói chung và thực hiện vai trò đầu tàu dẫn dắt cho cả khối các trường đại học, cao đẳng thuộc khối công nghệ, kỹ thuật. Rà soát cơ cấu ngành nghề phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp mới, bối cảnh công nghệ thay đổi từng ngày để dẫn dắt hệ thống. Điều này, ĐH Bách khoa cần phải tuyên bố rõ trong sứ mệnh, trong chức năng nhiệm vụ. Trong quá trình thực hiện, Bộ GDĐT sẽ giám sát việc tuân thủ sứ mệnh được tuyên bố và thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ đã lựa chọn, đã được công nhận. Đây là việc cần thiết của việc quản lý các trường đại học và các đại học thời tự chủ cao.

Bộ GD-ĐT xác định việc ưu tiên đặc biệt cho việc phát triển khối ngành công nghệ và kỹ thuật. Ưu tiên đầu tư về điều kiện hạ tầng cho khối ngành này, không phải vì tới trường nào tôi cũng sẽ nói trường đó là quan trọng, mà bởi vì với tính chất thực tế khối công nghệ kỹ thuật của ĐH Bách khoa khiến chúng ta phải khẳng định một cách mạnh mẽ về sự ưu tiên này

Tầm quan trọng của khối ngành khiến chúng ta cần phải có đầu tư trọng tâm, trọng điểm, toàn diện cho hệ thống phòng thí nghiệm, trang thiết bị để đại học có thể hoàn thành được sứ mệnh của mình. Tự chủ nhưng vẫn cần thiết và cần phải được tiếp tục đầu tư lớn.

ĐH Bách khoa cần phải đi đầu trong việc thực hiện tự chủ. ĐH tự chủ đầy đủ, tự chủ có chiều sâu, tự chủ trong một giai đoạn mới, vừa theo thông lệ của thế giới, vừa phù hợp với đặc điểm chính trị, xã hội, kinh tế, con người, văn hóa của Việt Nam.

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top