• Chủ Nhật, 20 tháng 04, 2025
  • 21:28 GMT +7

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Phải đào tạo về công nghệ cao, kỹ thuật cao

Hải Anh
Làm việc với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị bên cạnh các ngành đào tạo là truyền thống, thế mạnh, nhà trường phải lựa chọn phân khúc về kỹ thuật cao, công nghệ cao, những lĩnh vực mới để đào tạo.

Chiều 20/4, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Tại đây, Bộ trưởng đã đưa ra nhiều gợi ý cho trường, đồng thời khẳng định luôn ủng hộ mạnh mẽ những chủ trương, cách làm đúng đắn, sáng tạo của nhà trường. 

3 lĩnh vực đột phá

Báo cáo tại buổi làm việc, PGS- TS Lê Hiếu Giang, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết thời gian qua, nhà trường đã tập trung vào ba lĩnh vực đột phá là xây dựng hạ tầng hiện đại, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng tốt và xây dựng chiến lược, chính sách tốt.

Trong đó, trên cơ sở cải thiện được nguồn thu, trường đã có chính sách tốt hơn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng tốt, từ đó xây dựng được những chương trình có tính hội nhập cao.

PGS.TS Lê Hiếu Giang, Hiệu trưởng Trường ĐHSPKT TP.HCM, phát biểu tại buổi làm việc

PGS- TS Lê Hiếu Giang, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, phát biểu tại buổi làm việc

Về công tác nghiên cứu khoa học, nhà trường có nhiều chính sách động viên, khuyến khích cán bộ, giảng viên tập trung nghiên cứu, đăng được nhiều bài báo quốc tế, góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu nhà trường.

Trong lĩnh vực hợp tác với các doanh nghiệp, nhà trường hiện có mạng lưới quan hệ với hơn 1.600 doanh nghiệp, đối tác. Chính các doanh nghiệp này đã tài trợ, trang bị cho nhà trường nhiều phòng thí nghiệm hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Về nhiệm vụ năm 2025, PGS- TS Lê Hiếu Giang cho biết, nhà trường sẽ tiếp tục tập trung phát triển chương trình đào tạo để nâng cao khả năng hội nhập; xây dựng thêm các phòng thí nghiệm hiện đại hơn; tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; sắp xếp, tinh gọn bộ máy; xây dựng vị trí việc làm; xây dựng đề án tự chủ tài chính…

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD- ĐT đã trao đổi, giải đáp và lưu ý nhà trường một số nội dung liên quan đến công tác mở ngành đào tạo, việc triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; công tác quản lý tài chính, tài sản, đầu tư; việc xây dựng đề án tự chủ tài chính; công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy; xây dựng đề án vị trí việc làm sau năm 2025…

Cần có tầm nhìn rộng

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao những thành tích Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đã đạt được qua nhiều thế hệ. Nhận định đây là một trường sư phạm kỹ thuật then chốt của ngành, Bộ trưởng khẳng định luôn ủng hộ mạnh mẽ những chủ trương, cách làm đúng đắn, sáng tạo của nhà trường.

Bộ trưởng cho biết, ông cảm nhận rõ được tinh thần, thái độ sẵn sàng của lãnh đạo nhà trường đối với sự đổi mới. “Nhưng cần định vị chúng ta là ai? Đang ở đâu? Đi về đâu? Cần làm gì trong tương lai? Nhà trường muốn phát triển thì cần trả lời được đúng và trúng những câu hỏi này”, Bộ trưởng gợi mở.

“Khuôn viên rộng hàng chục hecta là lớn hay là nhỏ? Thu học phí nghìn tỷ là ít hay là nhiều?”, người đứng đầu ngành Giáo dục tiếp tục đặt câu hỏi với đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Trường. Theo Bộ trưởng, cạnh tranh trong giáo dục đại học hiện nay là cạnh tranh toàn cầu. Vì vậy, phải có tầm nhìn mang tính toàn cầu, từ đó mới thấy rõ mình đang ở đâu, lớn hay nhỏ và cần phải làm gì.

Theo Bộ trưởng, nếu nhà trường có tầm nhìn rộng hơn thì còn rất nhiều việc phải làm để bước vào nhóm những trường đại học hàng đầu ở Việt Nam và vươn lên tầm thế giới. “Tầm nhìn đến đâu, mọi thứ sẽ rộng mở đến đấy. Đất nước đang mong muốn vào trong nhóm các nền kinh tế hàng đầu, chẳng nhẽ các trường đại học lại ở trong nhóm cuối?”, Bộ trưởng trăn trở.

Phải đào tạo về công nghệ cao, kỹ thuật cao

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM phải lọt vào nhóm những trường hàng đại học hàng đầu về công nghệ kỹ thuật. Muốn vậy, bên cạnh các ngành đào tạo là truyền thống, thế mạnh, nhà trường phải lựa chọn phân khúc về kỹ thuật cao, công nghệ cao, những lĩnh vực mới để đào tạo. Bên cạnh đó, cũng cần có trách nhiệm đào tạo các “máy cái” là giảng viên cho hệ thống các trường nghề. Đồng thời, cần tăng cường các ngành, lĩnh vực đào tạo bằng tiếng Anh để sinh viên ra trường có thể làm việc ở phạm vi rộng lớn hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc

Nhấn mạnh chữ “thời” khi đất nước cần bứt phá, khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao chính là “trận tiền”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đã có những “vốn liếng” ban đầu, có khả năng hấp thụ đầu tư, vươn mình bứt phá nên Bộ cũng có niềm tin để đầu tư. Cũng về lĩnh vực này, Bộ trưởng ghi nhận những nỗ lực rất lớn của nhà trường trong công bố quốc tế, “nhưng đất nước không phồn thịnh chỉ nhờ các bài báo”.

Về mô hình tổ chức, quản lý của nhà trường trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị nhà trường phải xây dựng mô hình quản trị thông minh; đồng thời hoàn thiện quy chế hoạt động nội bộ để phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ giảng viên bởi “khai phóng quan trọng nhất là sự khai phóng trong bản thân mỗi con người”.

Đối với công tác quản lý tài chính, theo Bộ trưởng, tự chủ không phải tự túc, nhà nước vẫn đầu tư, thậm chí đầu tư mạnh hơn. Nhưng nhà trường phải điều chỉnh cơ cấu tài chính theo hướng giảm dần tỷ trọng nguồn thu từ học phí, tăng tỷ trọng thu từ dịch vụ, chuyển giao công nghệ, bán sản phẩm… Về nhân lực, Bộ trưởng lưu ý lãnh đạo nhà trường cần quan tâm vun đắp để có các chuyên gia đầu ngành.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng gửi gắm kỳ vọng lớn vào sự phát triển của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, bởi sự phát triển của trường cũng là sự phát triển chung của toàn ngành Giáo dục.

Nguồn: Bộ GD-ĐT

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top