Nhiều ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế được ghi nhận tại Hội thảo
Ngày 5/11, tại Hà Nội, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT và ĐHQG Hà Nội tổ chức Hội thảo Giáo dục năm 2023 về 'Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học”. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, đại diện tổ chức quốc tế…
Chính sách còn sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh giáo dục ĐH có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Các trường ĐH không chỉ là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao, mà còn là nơi nuôi dưỡng và phát triển tri thức, tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước, tạo động lực mới cho hội nhập, phát triển bền vững. Vì vậy, nâng cao chất lượng giáo dục ĐH là nhu cầu tất yếu và cấp thiết trong bối cảnh nền kinh tế tri thức.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội thảo
Khẳng định thể chế, chính sách pháp luật được coi là yếu tố then chốt đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, tạo khung khổ pháp lý cho việc tổ chức, vận hành; là công cụ hữu hiệu để quản lý phát triển các hoạt động của từng lĩnh vực kinh tế - xã hội diễn ra theo đúng mục tiêu đã xác định. Ông Mẫn cho rằng thể chế, chính sách điều chỉnh lĩnh vực giáo dục ĐH còn có sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất trong cách hiểu, vận dụng và hướng dẫn thi hành, đặc biệt là về thực hiện tự chủ ĐH. Ông đề nghị các đại biểu thảo luận kỹ lưỡng về chất lượng giáo dục ĐH từ tác động của thể chế, chính sách, dưới các góc độ khác nhau từ cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo, người sử dụng lao động, doanh nghiệp xã hội. Đặc biệt, cần làm rõ những vướng mắc, rào cản liên quan tới thể chế, chính sách để đề xuất giải pháp phù hợp.
Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chỉ ra những “cái vướng” đang tạo ra lực cản cho tự chủ đại học - một thuộc tính đương nhiên của giáo dục ĐH. Bộ trưởng cho rằng, hệ thống quy phạm pháp luật mở đường cho tự chủ ĐH chưa có được sự đồng bộ và chia sẻ của hệ thống pháp luật khác. Bộ trưởng cũng dẫn chứng cụ thể những vướng mắc từ các quy định về đơn vị tự chủ công lập, vấn đề viên chức, vấn đề quản lý tài sản công, vấn đề sở hữu trí tuệ…
Đầu tư đủ tầm cho giáo dục ĐH
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, nhấn mạnh giáo dục ĐH trước hết là một dịch vụ công, mang lại cả lợi ích cho cá nhân và lợi ích công; nhưng cơ bản cũng phải tuân theo những quy luật của thị trường, có cạnh tranh, có phân khúc, có quan hệ giữa chất lượng và chi phí; và theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cần phải có vai trò điều tiết, định hướng của Nhà nước.
“Giáo dục ĐH là trước hết là một dịch vụ công đặc biệt, vì người học cũng như Nhà nước, là những khách hàng sử dụng dịch vụ; nhưng lợi ích nhận được có độ trễ, có tính lâu dài, bền vững và gia tăng theo thời gian. Cho nên khách hàng đồng thời là những nhà đầu tư.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn
Đầu tư cho giáo dục nói chung và cho giáo dục ĐH nói riêng là đầu tư cho phát triển, có hiệu quả đầu tư cao, tỉ suất thu hồi lớn. Cả người học/gia đình và Nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội cần phải đầu tư “đủ tầm” cho giáo dục ĐH”- Thứ trưởng cho hay.
Nhìn nhận quản trị ở cấp độ cơ sở giáo dục ĐH từ cách tiếp cận hệ thống, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, có thể nhận thấy những nguyên nhân căn cốt dẫn tới hạn chế về chất lượng giáo dục ĐH gồm: Cơ chế đánh giá cũng như giám sát chất lượng có thể chưa thực sự hiệu quả, thực chất; hành lang pháp lý của tự chủ ĐH chưa thực sự đồng bộ; năng lực quản trị của một số cơ sở giáo dục ĐH còn yếu.
Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục ĐH còn phân mảnh, chưa được tối ưu hóa. Một số cơ sở hoạt động kém hiệu quả, kém chất lượng. Nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn rất thấp so với yêu cầu phát triển. Đối sánh với khu vực và thế giới, tỷ trọng chi đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 so với mức trung bình của khu vực.
Từ điểm nghẽn đó, Thứ trưởng cho rằng, những chính sách cần nâng cao chất lượng giáo dục ĐH chính là tăng cường yếu tố tác động đến chất lượng, để khắc phục điểm nghẽn nói trên. Trong đó, cần có những chính sách và rà soát chính sách về đánh giá, giám sát chất lượng; cần giải pháp để tối ưu hóa ở cả cấp độ hệ thống cũng như trong từng cơ cở giáo dục ĐH; cần cơ chế chính sách để huy động tối đa và phát triển các nguồn lực về tài chính, đội ngũ, cơ sở vật chất, công nghệ, quan hệ hợp tác của nhà trường và của hệ thống giáo dục ĐH với bên ngoài, với thế giới; có cơ chế chính sách phân bổ và kiểm soát hiệu quả các nguồn lực từ nhà nước, đặc biệt là ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH.
Giáo dục ĐH cần sự bứt phá
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, nói giáo dục ĐH đang trong trạng thái phát triển, giàu sức sống với một số lượng sinh viên tương đối ổn định, khoảng trên 500.000 sinh viên; số lượng giảng viên nhích lên về số lượng, cải thiện về học hàm học vị; xếp hạng cũng nhích lên, một số trường vào top 1000 trường ĐH thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, “tốc độ phát triển đó có thể nói ngay là chậm - có nhưng mà chậm, không có bứt phá trong sự phát triển giáo dục đại học”. Lý giải kỹ hơn, Bộ trưởng cho rằng: Chúng ta đang kỳ vọng đất nước có sự phát triển mạnh mẽ, bứt phá, một nền kinh tế phát triển với tốc độ cao để đưa quốc gia thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình và kỳ vọng một vài chục năm sau là đất nước thu nhập khá. Nếu như trong một khung cảnh đất nước đang rất phát triển, trong bối cảnh chúng ta hài lòng với những gì kinh tế - xã hội đã có, thì những gì đang nhích lên của giáo dục đại học có thể tạm yên lòng.
“Nhưng cái chúng ta cần hệ thống giáo dục ĐH ở thời điểm này, ở thập kỷ này, bối cảnh này là một sự bứt phá. Cho nên, câu chuyện chúng ta bàn từ đầu đến giờ cảm giác vẫn đang loay hoay trong khung cảnh làm thế nào để các trường đại học cùng đỡ khổ, đỡ khó, đỡ nghèo nhưng chưa nhìn thấy nhiều con đường để bứt phá”, Bộ trưởng nói, đồng thời chia sẻ “hôm nay, chúng ta bàn về vấn đề chất lượng thì phải bàn về vấn đề lớn hơn là làm thế nào để các trường ĐH phát triển bứt phá, chỉ có phát triển mới có chất lượng, còn cứ loay hoay ứng phó với sự tồn tại thì câu chuyện chất lượng sẽ là câu chuyện vô cùng khó”.
Theo Bộ trưởng, với hệ thống giáo dục công, dứt khoát muốn có sự cải thiện mang tính bứt phá thì vừa phải huy động từ phía xã hội, phía doanh nghiệp một cách mạnh mẽ nhưng cũng phải có sự đầu tư mang tính bứt phá, đột biến. Bộ trưởng nhấn mạnh tới nguồn lực đầu tư, cách thức đầu tư để tạo ra sự bứt phá của các trường đại học.