Đó là Trường Cơ khí, Trường Điện - Điện tử, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông.
Trong đó, Trường Cơ khí phát triển từ 3 Viện đào tạo (Viện Cơ khí, Viện Cơ khí động lực và Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh).
Trường Điện - Điện tử được tổ chức lại từ 2 Viện đào tạo và 1 Viện nghiên cứu (Viện Điện, Viện Điện tử viễn thông; Viện Nghiên cứu quốc tế về thông tin đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng).
Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông trên cơ sở tổ chức lại các đơn vị thuộc Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông.
Lãnh đạo nhà trường cho biết trường đã xây dựng Đề án chuyển đổi mô hình thành Đại học, trong đó bao gồm các mô hình trường trực thuộc.
Trường có 4 mục tiêu cụ thể cho việc thành lập 3 trường trực thuộc, đó là: Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ 3 lĩnh vực Cơ khí, Công nghệ thông tin và Truyền thông, Điện - Điện tử; các trường sẽ thực hiện đào tạo và nghiên cứu tốt nhất để mỗi nhóm ngành tương ứng được xếp thứ hạng 300 - 400 của thế giới theo bảng xếp hạng QS vào năm 2025 (mức xếp hạng năm 2021 là 401- 450).
Ngoài ra, các trường Cơ khí, Công nghệ thông tin và Truyền thông, Điện - Điện tử tiếp tục là các đơn vị mũi nhọn, các tổ chức sáng tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội, tiếp tục giữ vững vị thế là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ số một Việt Nam, hàng đầu khu vực, và có uy tín trên trường quốc tế trong các lĩnh vực tương ứng.
Lộ trình đặt ra, đến cuối năm 2022, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ thành lập 5 - 6 trường và 4 - 5 viện, trung tâm nghiên cứu; chuyển đổi, tái cấu trúc các phòng thành các Ban thuộc Đại học; chuyển đổi các viện đào tạo còn lại thành khoa.
Hiện trường có đội ngũ giảng viên cơ hữu trên 1.100 người, trong đó gần 80% có trình độ tiến sĩ, quy mô đào tạo của trường đã đạt trên 35.000 người học với 65 chuyên ngành đại học, 47 chuyên ngành cao học, 32 chuyên ngành tiến sĩ.