Thông tin trên được PGS- TS Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT đưa ra sáng nay, 27/4.
Ông Trinh cũng tái khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ do các địa phương chủ trì tổ chức. Theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ: chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về sự an toàn, nghiêm túc của kỳ thi này tại địa phương mình. Các thí sinh sẽ được thi tại huyện (về cơ bản là tại trường THPT mà mình đang theo học). Việc coi thi sẽ do giáo viên của tỉnh đảm nhận theo nguyên tắc đổi chéo giáo viên giữa các trường với nhau. Để kỳ thi nghiêm túc, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo thực hiện các giải pháp chính như sau:
Thứ nhất, với bài thi trắc nghiệm trong mỗi phòng thi, mỗi thí sinh sẽ có một mã đề thi riêng.
Thứ hai, quy định chặt chẽ và yêu cầu cao đối với việc tuân thủ quy chế, quy trình trong tất cả các khâu tổ chức thi đối với tất cả các bộ, giáo viên tham gia kỳ thi này.
Thứ ba, tăng cường sử dụng thiết bị kỹ thuật (sử dụng camera giám sát), tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi.
Thứ tư, tiếp tục tổ chức chấm thi theo quy trình chặt chẽ trong đó với các bài thi trắc nghiệm sẽ được chấm bằng phần mềm với chức năng bảo mật cao; sử dụng thiết bị giám sát toàn bộ quá trình chấm thi cả đối với tự luận và trắc nghiệm.
Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Theo đó, sẽ có các đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT, thanh tra của Sở GD-ĐT tạo và thanh tra của UBND tỉnh để thanh tra, giám sát tất cả các khâu của kỳ thi.
Thứ sáu, các địa phương phải cập nhật kêt quả học tập của học sinh trong quá trình và kết quả thi tốt nghiệp THPT lên hệ thống phầm mềm quản lý thi. Bộ GD-ĐT sẽ quản lý, phân tích, đối sánh các dữ liệu này để đánh giá, xử lý các vấn đề phát sinh nếu có hướng tới sự đánh giá nghiêm túc, công bằng.
Cùng với việc thực hiện các giải pháp trên sẽ có các chế tài xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm (nếu có) trong kỳ thi.