Bộ Y tế vừa có đề xuất gửi tới Chính phủ, các bộ ngành, trong báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác năm 2025, ngày 24/12/2024.
Theo đó, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, ban hành các chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực ngành y; chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, phê duyệt một số chính sách đãi ngộ, thu hút tương đương với ngành sư phạm.
Sinh viên y, dược được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi theo học; hỗ trợ chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Sinh viên y dược thực hành tại bệnh viện.
Theo báo cáo của Bộ Y tế hiện cả nước có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, trong đó 66 cơ sở giáo dục đại học, 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 9 viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ; trong đó theo phân cấp quản lý, Bộ Y tế quản lý 22 trường và viện.
Số bác sĩ tốt nghiệp năm 2023 trên cả nước là 11.297; số dược sĩ tốt nghiệp năm 2023 là 8.470; số điều dưỡng tốt nghiệp năm 2023 là 18.178. Đồng thời, tiếp tục xây dựng các quy định liên quan đến đặc thù đào tạo nhân lực y tế để hoàn thiện thể chế nhằm tạo môi trường pháp lý triển khai đổi mới đào tạo nhân lực y tế.
Bộ Y tế đánh giá quy mô nhân lực y tế của Việt Nam tăng không đáng kể trong 10 năm qua (tăng 2,33%). Tổng nhân lực ngành y tế hiện nay là 431.724 người và thấp hơn nhiều so với dự kiến 632.510 người của Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2011-2020.
Ngành y đang thiếu về số lượng và chất lượng, đồng thời mất cân đối về nhân lực y tế cả về phân bố và cơ cấu cán bộ chuyên môn.
"Tại cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh viện công lập có cơ cấu nhân lực chuyên môn lâm sàng chưa đáp ứng được với yêu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân và có nguy cơ không đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn bệnh nhân"- báo cáo Bộ Y tế nêu.
Theo khuyến cáo quốc tế, tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ phải >2 điều dưỡng/bác sĩ và yêu cầu 1 điều dưỡng không phải phụ trách quá 7- 8 bệnh nhân nội trú, và ở các khoa phẫu thuật, chăm sóc tích cực tỷ lệ này là 4/1.
Tuy nhiên hiện nay các bệnh viện công lập mới chỉ đạt được tỷ lệ 1,2 - 1,5 điều dưỡng/bác sỹ và 1 điều dưỡng vẫn phải phụ trách chăm sóc trung bình 10- 15 giường bệnh nội trú.
Theo Bộ Y tế, trình độ năng lực của nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ ở tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế trong chăm sóc sức khỏe đáp ứng với sự thay đổi mô hình bệnh tật và các vấn đề sức khỏe liên quan tới già hóa dân số.
Điều 4 Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học;
Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học. Trong trường hợp tổ chức giảng dạy theo học chế tín chỉ, cơ sở đào tạo giáo viên có thể quy đổi mức hỗ trợ cho phù hợp với học chế tín chỉ. Tổng kinh phí hỗ trợ của cả khóa học theo học chế tín chỉ không vượt quá mức hỗ trợ quy định cho khóa học theo năm học.