• Thứ Ba, 01 tháng 04, 2025
  • 21:43 GMT +7

Đề xuất miễn học phí cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản

Hải Anh
Cần đưa nghiên cứu khoa học cơ bản (KHCB) trở thành nền tảng phát triển kỹ thuật, công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia, ươm mầm nhân tài khoa học, là tiền đề cho các phát minh và làm chủ công nghệ chiến lược

Ngày 1/4, ĐHQG TP HCM tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý cho Chương trình “Nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản tại ĐHQG TP HCM đạt trình độ tiên tiến, ngang tầm khu vực và thế giới giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn 2045” (Chương trình). Tham gia toạ đàm có hơn 60 nhà khoa học, chuyên gia giáo dục của ĐHQG TP HCM.

PGS.TS Huỳnh Khả Tú trình bày nội dung dự thảo của Chương trình.

PGS- TS Huỳnh Khả Tú trình bày nội dung dự thảo của Chương trình.

Theo đó, mục tiêu của Chương trình là đưa nghiên cứu khoa học cơ bản (KHCB) trở thành nền tảng phát triển kỹ thuật, công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia, ươm mầm nhân tài khoa học, là tiền đề cho các phát minh và làm chủ công nghệ chiến lược, đóng góp cho sự phát triển nhanh, bền vững, thúc đẩy tiến bộ xã hội, làm giàu thêm kho tàng tri thức nhân loại và nền văn hóa Việt Nam. Đến năm 2030, các ngành Toán học, Vật lý, Hóa học, Khoa học môi trường, Kinh tế, Quản lý, Ngôn ngữ thuộc tốp 100-150 thế giới; Các ngành Sinh học, Khoa học trái đất thuộc tốp 200-250 thế giới theo bảng xếp hạng QS.

Chương trình được thiết kế với cách tiếp cận đồng bộ, kết hợp giữa phát triển nhân tài, đầu tư đẩy mạnh tích hợp sâu nghiên cứu cơ bản với các công nghệ chiến lược, đổi mới sáng tạo, với phát triển cơ sở hạ tầng nghiên cứu hiện đại. Theo đó, ba trụ cột thực hiện chương trình bao gồm:

Phát triển nhân tài khoa học lĩnh vực khoa học cơ bản và khoa học liên ngành: Miễn học phí, cấp học bổng cho sinh viên, học viên sau ĐH theo học các ngành khoa học cơ bản; Thu hút và tài trợ cho các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành đến làm việc tại ĐHQG TP Hồ Chí Minh; Đổi mới chương trình đào tạo các ngành khoa học cơ bản, gắn với các công nghệ chiến lược; Phát triển các môn học MOOC cho các lĩnh vực khoa học cơ bản; Nâng cao năng lực giảng dạy các môn toán và khoa học (STEM) cho giảng viên ĐH, giáo viên phổ thông; tổ chức các hoạt động trải nghiệm STEM cho học sinh, sinh viên.

Tích hợp nghiên cứu cơ bản với các công nghệ chiến lược, với đổi mới sáng tạo: Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh về Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học trái đất, Khoa học biển gắn với các công nghệ chiến lược; Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh về lĩnh vực khoa học xã hội, bao gồm triết học, xã hội học, tâm lý học, kinh tế học, ngôn ngữ học, nhân học, khoa học chính trị, lịch sử, địa lý, luật, truyền thông; Phát triển các trung tâm xuất sắc về các công nghệ chiến lược, bao gồm: trí tuệ nhân tạo, chip – bán dẫn, công nghệ sinh học – y sinh, công nghệ hóa dược, công nghệ vật liệu, năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo; Thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo;

Xây dựng hạ tầng nghiên cứu hiện đại, đồng bộ với chuyển đổi số: Thành lập trung tâm dữ liệu phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản; Thành lập 3 phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ đào tạo và nghiên cứu về vật lý, hóa học, sinh học; Thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu liên ngành.

PGS- TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP HCM cho biết trong những năm qua, ĐHQG TP HCM đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trong nghiên cứu và đào tạo các ngành khoa học cơ bản và khoa học liên ngành. Riêng trong năm 2024, ĐHQG TP HCM có hơn 3.000 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus, trong đó có hơn 45% thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản.

ĐHQG TP HCM là đơn vị dẫn đầu cả nước vế số chương trình đào tạo được xếp hạng thế giới (18 chương trình được xếp hạng, trong đó có 15 chương trình được xếp trong tốp 500 thế giới, trong số này với nhiều chương trình thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản); 154 chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế. Các thành tựu nổi bật này cùng với đội ngũ giảng viên hùng hậu, tài năng trong lĩnh vực khoa học cơ bản (10 Giáo sư, 71 Phó Giáo sư và 330 Tiến sĩ) và mạng lưới hợp tác với các đối tác doanh nghiệp, đối tác học thuật trong và ngoài nước được phát triển mạnh mẽ là tiền đề để ĐHQG TP HCM triển khai hiệu quả Chương trình.

Theo Tạ Quang Bửu, nguyên Tổng thư ký, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học Nhà nước, hoạt động khoa học công nghệ bao gồm các nội dung (các bước) như sau:

1. Nghiên cứu cơ bản (Fundamental Research): khám phá quy luật và tạo ra lý thuyết mới.

2. Nghiên cứu ứng dụng (Applied Research): Trên cơ sở các kết quả của nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng có vai trò sáng tạo các nguyên lý và giải pháp ứng dụng trong công nghệ.

3. Nghiên cứu triển khai (Technological Experimental Development): Trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai sẽ chế tác các vật mẫu, sản phẩm mẫu, sản xuất thử (trong các xưởng nghiên cứu).

4. Nghiên cứu phát triển công nghệ (Technology Development): hoàn thiện công nghệ và đưa vào ứng dụng đại trà trong xã hội.

(Khái niệm này Tạ Quang Bửu dựa trên khái niệm của UNESCO, nhưng bổ sung thêm nội dung thứ 3).

Nguồn: ĐHQG TPHCM

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top