Các con Chip do Trường ĐH Bách khoa thiết kế được chế tạo tại nhà máy sản xuất Chip TSMC, Đài Loan
Trước những yêu cầu mang tính đặc thù của ngành vi mạch bán dẫn, việc đào tạo nhân lực đòi hỏi cơ sở đào tạo phải có cả năng lực và tiềm lực mạnh mẽ về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm (PTN), chương trình đào tạo, đội ngũ giảng dạy, mạng lưới hợp tác,...
Đón đầu xu hướng
Đón đầu xu hướng phát triển khoa học công nghệ trên thế giới và định vị mình là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học xuất sắc có vai trò tiên phong dẫn dắt lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong nước, Trường ĐH Bách khoa- ĐHQG TP HCM đã triển khai chương trình đào tạo liên quan đến vi mạch từ hơn 20 năm nay. Các môn học thiết kế vi mạch đã được tích hợp trong 3 ngành trình độ ĐH, gồm: Kỹ thuật Điện tử- Viễn thông; Kỹ thuật viễn thông (Việt Pháp); Hệ thống mạch - Phần cứng (Chương trình tiên tiến) và 1 ngành trình độ sau ĐH là Kỹ thuật Điện tử - Kỹ thuật Viễn thông. Tất cả đều thuộc khoa Điện - Điện tử.
Trước nhu cầu cấp thiết về nhân lực vi mạch cũng như trên cơ sở tận dụng lợi thế đã có suốt hơn hai mươi năm ở lĩnh vực này, Trường ĐH Bách khoa tiếp tục phát triển 2 ngành đào tạo: Thiết kế Vi mạch (bậc ĐH) và ngành Vi mạch Bán dẫn (bậc sau ĐH) với mã ngành mới. Việc này hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của thế giới cũng như với các chủ trương, chính sách của ĐHQG TP HCM, TP HCM và Chính phủ về phát triển nền công nghiệp vi mạch.
Hai chương trình đào tạo này sẽ được đưa vào vận hành ngay trong năm học 2023-2024 thông qua việc phân ngành sinh viên đang học năm hai và chính thức tuyển sinh với mã ngành mới trong năm học 2024-2025.
Theo cơ sở dữ liệu về đào tạo, Trường ĐH Bách khoa mỗi năm cung cấp khoảng 300 sinh viên có liên quan đến vi mạch. Trong khi đó, Việt Nam đang cần khoảng hơn 1.000 kỹ sư vi mạch mỗi năm. Nhìn chung, hệ thống các trường ĐH tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này. Do đó, việc đẩy mạnh đào tạo kỹ sư vi mạch là vô cùng cần thiết.
PGS- TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, nhìn nhận, trong chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn gồm thiết kế, sản xuất, đóng gói - kiểm tra và chế tạo thiết bị, Việt Nam hiện nay có lợi thế để tham gia sâu vào khâu thiết kế - vốn chiếm 53% giá trị gia tăng của một sản phẩm vi mạch. Hiện nay, có khá nhiều công ty thiết kế vi mạch lớn trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam, tạo ra cơn khát nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông cũng cho biết muốn phát triển công nghệ vi mạch bằng chính nội lực trong nước thì bài toán đầu tiên phải là đào tạo nhân lực và có chiến lược cụ thể ở tầm quốc gia.
Trước thực trạng này, 2 chương trình đào tạo vi mạch của Trường ĐH Bách khoa sẽ góp phần tăng cường lực lượng kỹ sư cho ngành thiết kế vi mạch bán dẫn tại Việt Nam. Chương trình đại học “Thiết kế vi mạch” (với 132 tín chỉ) chú trọng về thiết kế vi mạch để giúp cho người học sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ngay tại hầu hết các công ty thiết kế vi mạch trong nước và khu vực. Trong khi đó, chương trình thạc sĩ “Vi mạch bán dẫn” (60 tín chỉ) tiếp tục cung cấp các kiến thức và kỹ năng nâng cao về thiết kế và chế tạo vi mạch (số, hỗn hợp, tương tự và cao tần) nhằm đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đúng tầm cho nền công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Có kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu
Trong suốt hơn 20 năm qua, các chương trình đào tạo về vi mạch được xây dựng và giảng dạy bởi đội ngũ 200 giảng viên của Khoa Điện- Điện Tử, Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính và Khoa Công nghệ Vật liệu. Các giảng viên đều tốt nghiệp Tiến sĩ từ các quốc gia có nền công nghiệp vi mạch bán dẫn tiên tiến như: Mỹ, Đức, Pháp, Úc, Nhật, Hàn Quốc.
Đây cũng chính là nguồn lực chủ chốt hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh về nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm, làm chủ và chuyển giao công nghệ vi mạch số, tương tự và siêu cao tần,... Đội ngũ giảng viên của Trường đã thực hiện nhiều đề tài các cấp về thiết kế vi mạch, từ trọng điểm cấp Nhà nước, cấp Quốc gia đến cấp cơ sở, có nhiều công bố trên các tạp chí uy tín. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu thuộc PTN Vi mạch và Hệ thống cao tần của Trường đã thiết kế thành công 3 chip CMOS RF DVB-T2 TUNER có gắn logo Trường ĐH Bách khoa. Được chế tạo tại nhà máy sản xuất Chip TSMC, Đài Loan, 3 chip thành phẩm đã ra đời ở các mốc thời gian tháng 3/2017: con chip CMOS RF DVB-T2 TUNER đầu tiên; tháng 1/2018: con chip CMOS RF DVB-T2 TUNER thứ hai; tháng 6/2018: con chip CMOS RF DVB-T2 TUNER cuối cùng (Hình bên dưới). Tất cả các chip đều hoạt động tốt. Các sản phẩm này thể hiện trí tuệ của đội ngũ chuyên môn và là minh chứng cho thấy năng lực đào tạo, nghiên cứu mạnh của trường trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Bên cạnh đó, do tính đặc thù, hoạt động đào tạo và nghiên cứu về thiết kế vi mạch đòi hỏi phải có các hệ thống máy móc, trang thiết bị thí nghiệm hiện đại và đồng bộ. Sớm nhận thức được điều này, Trường Đại học Bách khoa đã đầu tư hệ thống các phòng thí nghiệm (PTN) tiên tiến, chuyên sâu phục vụ thiết kế và đo kiểm vi mạch bán dẫn như: PTN Vi mạch và Hệ thống cao tần, PTN Thiết kế vi mạch số, PTN Kỹ thuật siêu cao tần và anten, PTN Kỹ thuật Máy tính, PTN HCMUT-Renesas SuperH Lab, PTN Tính toán nâng cao, PTN Vật liệu năng lượng và ứng dụng, PTN Vật liệu kim loại-hợp kim,...
Không dừng lại ở đó, trong mạng lưới phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục trong nước với các cơ sở đào tạo nước ngoài và các doanh nghiệp được xem là yếu tố then chốt để thúc đẩy tiềm lực nghiên cứu, đào tạo của cả đôi bên. Trong thời gian qua, Trường ĐH Bách khoa đã thiết lập mối quan hệ hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn với nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới như: University of Illinois Urbana-Champaign (Hoa kỳ), Texas A&M University (Hoa kỳ), Arizona State University (Hoa kỳ), University of California, Davis (Hoa kỳ), KAIST (Hàn Quốc),... Trường Đại học Bách khoa cũng đã hợp tác với các tổ chức và doanh nghiệp lớn như Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP), Intel, Marvell Technology, Faraday Technology, Renesas Corp., Synopsys, Cadence, Keysight Technology, Wavepia Inc., Rainno, IMEC, NXP, Ampere Computing và Viettel. Ngoài ra, Trường cũng nhận được tài trợ bản quyền hệ thống phần mềm chuyên dụng của 2 công ty lớn nhất thế giới về cung cấp công cụ thiết kế vi mạch là Synopsys và Cadence...
Tại Hội thảo quốc tế về Kỹ thuật Điện- Điện tử ngày 19/10/2023 tại Trường ĐH Bách khoa, ông Ray Nguyễn, Giám đốc bộ phận thiết kế vi mạch tương tự và hỗn hợp, Công ty Marvell Technology, Hoa Kỳ, khẳng định Việt Nam đang có nhiều cơ hội trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn khi các doanh nghiệp có xu hướng dịch chuyển và tăng cường đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt chuyến thăm vừa qua của tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã thể hiện sự công nhận vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, ông Ray Nguyễn nhìn nhận Trường ĐH Bách khoa là đơn vị có năng lực về đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực vi mạch với đội ngũ giảng viên học tập từ các nước tiên tiến, có thể tạo nền tảng học thuật vững cho sinh viên. Nếu có sự hợp tác với doanh nghiệp để trao đổi kiến thức, cử chuyên gia đến thỉnh giảng hoặc tham gia xây dựng chương đào tạo thì Trường sẽ phát triển nhanh hơn và sinh viên sẽ có nhiều cơ hội va chạm hơn.