• Thứ Ba, 20 tháng 07, 2021
  • 09:31 GMT +7

Giải pháp nào cho thí sinh chưa thi tốt nghiệp THPT đợt 1?

Thanh Hà (Tổng hợp)
Nguồn: Không xác định
Hiện còn hơn 26.000 thí sinh ở 42 tỉnh, thành phố chưa thi tốt nghiệp THPT đợt 1 do ảnh hưởng của Covid-19. Tỉnh An Giang có số lượng thí sinh dự thi đợt 2 nhiều nhất, tiếp đến là Đồng Tháp, Bình Định, TP HCM…

Ngày 19/7, Bộ GD-ĐT đã chính thức chốt lịch thi đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong 2 ngày 6 và 7-8. Để đợt 2 của kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo sở GD- ĐT phối hợp với các sở, ban ngành liên quan của địa phương, nhất là Sở Y tế, triển khai thực hiện xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức đợt 2 của Kỳ thi bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu nghiêm túc, khách quan, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh

TP HCM: Hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày

Trong cuộc họp mới đây với các sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT đề nghị mỗi Sở GD-ĐT sẽ thành lập một hội đồng thi. Địa phương có số lượng thí sinh đăng ký dự thi ít có thể gửi thí sinh đến hội đồng thi của tỉnh, thành phố lân cận. Bộ sẽ xem xét hỗ trợ công tác in, sao đề thi cho các Sở có ít thí sinh đăng ký dự thi và có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức thi đợt 2. Đại diện Bộ GD-ĐT lưu ý những thí sinh diện F0 đã được đặc cách tốt nghiệp THPT ở đợt 1 theo quy chế thi, nhưng vẫn có nguyện vọng dự thi ở đợt 2 thì vẫn được phép. Những em này cần có đơn hủy quyền được đặc cách.

Tại TP HCM, dù đã thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần của chỉ thị 16 được hơn 1 tuần nhưng tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm khi mỗi ngày ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mối. Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), cho rằng TP HCM đã trãi qua hơn 1 tuần thực hiện giãn cách theo tinh thần chỉ thị 16 nhưng số ca nhiễm không ngừng gia tăng. Nếu tới đây số ca nhiễm có giảm thì cũng chưa thể đẩy lùi hoàn toàn dịch bệnh. Với các tỉnh/TP khu vực phía Nam, việc áp dụng chỉ thị 16 của Chính phủ mới thực hiện từ 19-7, nếp áp dụng 2 tuần thì ngày 3 hoặc 4- 8 mới huỷ bỏ nên tổ chức thi đợt 2 vào ngày 6 và 7-8 là không khả thi. Nếu tiếp tục lùi thời gian tổ chức thi thì ảnh hưởng đến tiến độ tuyển sinh, đào tạo của các trường ĐH, CĐ. Ông Phú đề nghị ở những địa phương vì dịch bệnh mà không tổ chức thi thì nên xét đặc cách tốt nghiệp.

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho rằng thời gian dự kiến tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT- đợt 2 năm 2021 vào đầu tháng 8 mà Bộ GD-ĐT đưa ra là phù hợp. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp, đặc biệt là tại TP HCM nên rất khó để tổ chức thi tốt nghiệp THPT vào ngày 6 và 7- 8. Nếu dời kỳ thi xa hơn nữa thì chưa biết đến lúc nào và việc dời sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của các trường ĐH, CĐ trong việc tuyển sinh, nhập học, tổ chức đào tạo…

Nếu không thi, xét tuyển thế nào?

Năm 2021, các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức để xét tuyển nhưng phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm ưu thế. Ngoài ra, cũng có những trường dành hầu hết chỉ tiêu để xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT. Giải pháp nào cho thí sinh chưa thi đợt 1 nhưng đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH chỉ xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT?

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐHQG TP HCM, cho rằng TP HCM cũng như những địa phương khác, nơi nào kiểm soát tốt dịch bệnh thì có thể tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu chưa thể kiểm soát dịch bệnh thì cũng không nhất thiết phải thi. Theo ông Chính, tới đây khi có kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT đợt 1 thì có thể phân tích tương quan giữa kết quả học tập THPT với điểm thi tốt nghiệp THPT đợt 1 từ đó xây dựng mô hình để xác định điểm thi THPT của các thí sinh chưa tham gia thi THPT đợt 1.

TS Lê Trường Tùng, chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT, cho biết hiện còn khoảng 2% thí sinh chưa thi tốt nghiệp THPT đợt 1. Thi thêm đợt 2 vào ngày 6 và 7-8, khi đó do dịch bệnh chắc sẽ còn 1%. Giải pháp xét tốt nghiệp thì dễ, Bộ GD-ĐT hoặc Sở GD-ĐT quyết là xong. Giải pháp vào ĐH phụ thuộc vào 2 điều: nếu thí sinh cứ đòi thi, thì chịu vì thi không an toàn thì không ai tổ chức thi; và nếu trường ĐH cứ xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT thì thí sinh chưa thi cũng không thể có đểm thi. Do vậy, nếu không thể tổ chức thi thì tuỳ trường sẽ có quyết định đối với thí sinh chưa thi đợt 1. 

Nếu thử lập danh sách các trường không xét học bạ rồi yêu cầu các hiệu trưởng dành ít nhất 2% chỉ tiêu xét theo học bạ cho đối tượng là học sinh có đăng ký vào trường mà không thi tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh xem các trường trả lời thế nào? Có thể có trường đồng ý, có trường không. Do vậy, việc xét tuyển của các trường ĐH do chính các trường quyết định dựa trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của thí sinh dù thì hay không thi. Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT chỉ can thiệp, nếu trường không đảm bảo quyền lợi chính đáng của thí sinh.

Thanh Hà (Tổng hợp)

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top