• Chủ Nhật, 07 tháng 10, 2018
  • 09:26 GMT +7

Giải thể, sát nhập trường trung cấp để tập trung nguồn lực đầu tư

Lê Vân
Nguồn: Không xác định
Giáo sư Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết việc sát nhập trường trung cấp và trường cao đẳng hoặc giải thể nhằm sắp xếp lại khối trường công, tránh đầu tư dàn trải, chỉ đầu tư vào những trường trọng điểm có chất lượng

Trường trung cấp ngày càng có nhiều học sinh lựa chọn học sau khi tốt nghiệp THCS, THPT
 
Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường trung cấp Việt Giao, cho rằng số lượng trường trung cấp, cao đẳng công lập rất lớn, nhiều trường hoạt động không hiệu quả nên việc sát nhập hoặc giải thể là việc cần làm sớm để giảm đầu tư ngân sách, giảm sự lãng phí. Ngoài việc giải thể hay sát nhập những đơn vị hoạt động không hiệu quả thì những trường đủ điều kiện hoạt động cũng nên được tự chủ. Tự chủ để cạnh tranh với khối trường ngoài công lập và tự chủ để trường công năng động hơn.
 
Nhiều trường "chết lâm sàng"
 
Hàng loạt trường trung cấp công lập được thành lập trong thời gian qua dẫn đến số lượng quá lớn, hoạt động chồng chéo thiếu hiệu quả đang đặt ra yêu cầu phải sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
 
Ông Phạm Minh Trí, Giám đốc phân hiệu Trường trung cấp quốc tế Sài Gòn tại Quảng Ngãi, cho rằng nhà nước cần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện cho trường tư phát triển. Đồng thời, sắp xếp lại trường công lập theo hướng tinh gọn và hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. Thực tế hiện nay, ngân sách nhà nước đang đầu tư dàn trải cho các trường mà không mang lại hiệu quả. Cấu trúc lại hễ thống giáo dục nghề nghiệp là việc làm cấp bách bởi hiện nay nhiều trường công lập đang “chết lâm sàng” vì không tuyển sinh được.
 
TS Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường trung cấp công nghệ Bách Khoa (TP HCM), cho trằng cần tinh gọn hệ thống trường công để hoạt động hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải như hiện nay. Ngoài ra, xóa bỏ loại hình trường trung cấp bằng cách nâng trường trung cấp lên cao đẳng đối với trường đủ điều kiện, trường không đủ điều kiện thì giải thể. Khi đó, trường cao đẳng chỉ đào tạo cao đẳng 1,5 năm đến 2 năm và đào tạo sơ cấp, bỏ qua đào tạo trung cấp như hiện nay.
 
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, cho rằng trước hết nên sát nhập một số trường trung cấp công lập có cùng ngành nghề đào tạo và trường CĐ cũng đào tạo ngành nghề ấy ở trình độ trung cấp để đảm bảo đầu tư được tập trung, không giàn trải và giảm bớt sự cạnh tranh tuyển sinh tuyển sinh không cần thiết. Hiện nay một số trường trung cấp khó tuyển sinh, đời sống giáo viên khó khăn, nhà trường lại phải liên kết để đào tạo CĐ, ĐH... làm mất đi sứ mạng của một trường trung cấp thì rất cần sáp nhập. Việc giải thể cần tính toán và đánh giá rất cụ thể tìm hiểu nguyên nhân để nhà nước tháo gỡ và phải căn cứ nguyên tắc: 1, có qui hoạch nhân lực cho địa phương từ 5-10 năm để xem có nhu cầu nhân lực hay không? 2, Phải xây dựng tiêu chí và giải pháp xử lý sau giải thể đặc biệt đối với các trường mang tính đặc thù về văn hóa nghệ thuật hay Y tế... Việc giải thể vội vàng không tính toán đến khi có nhu cầu lại xây dựng lại rất tốn kém.
 
Giảm 10% số lượng trường vào quý III/2019
 
TS Hoàng Ngọc Vinh lưu ý việc qui hoạch lại không nên chỉ chú ý qui hoạch mang tính vật lý mà rất cần qui hoạch ngành nghề và trình độ đào tạo tương ứng. Những ngành nghề nào tư nhân làm tốt để tư nhân làm, còn những ngành nghề nào mà tư nhân không đầu tư hoặc theo nhu cầu ưu tiên của địa phương thì để trường công lập đảm trách theo đặt hàng của nhà nước.
 
Để tránh thất thoát đất đai, tài sản của nhà trường trước khi sáp nhập hay giải thể cần có kế hoạch sử dụng tài sản nguồn lực hiệu quả nhằm hiện đại hoá cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra mô hình trường cao đẳng mới sẽ như thế nào thì cũng cần có suy nghĩ thấu đáo.
 
Giáo sư Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho rằng thực tế hiện nay, trường ngoài công lập đang hoạt động hiệu quả hơn trường công. Do vậy, việc sát nhập trường trung cấp và trường cao đẳng hoặc giải thể nhằm sắp xếp lại khối trường công để giảm đầu tư dàn trải, chỉ đầu tư vào những trường trọng điểm có chất lượng.
 
Thứ trưởng Lê Quân cho biết mục tiêu của Bộ là xây dựng và tập trung cho 88 trường trọng điểm. Hiện nay bộ đang cùng với các địa phương rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đến hết quý III năm 2019 giảm 10% cơ sở giáo dục công lập hoạt động không hiệu quả. Mới đây nhất, Bộ đã làm việc với tỉnh Lào Cai, Bộ và tỉnh đã thống nhất kế hoạch nhập trường cao đẳng cộng đồng và trường trung cấp y tế về trường cao đẳng Lào Cai. Mỗi tỉnh có một đề án riêng nhưng chủ trương của bộ là sắp xếp tinh gọn, hiệu quả. Để làm điều này, các trường được tự chủ để tăng quyền chủ động và Bộ cho lộ trình 3 năm để cố gắng, nếu trường nào vẫn không phát triển được, không đáp ứng các  điều kiện quy định về đầu tư và hoạt động sẽ bị sát nhập hoặc giải thể.
Lê Vân

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top