• Thứ Năm, 09 tháng 02, 2023
  • 13:55 GMT +7

Giáo dục đại học trong bối cảnh của AI

Đâu là chuẩn kiến thức tối thiểu của người tốt nghiệp ĐH trong thế kỷ 21, là cơ sở để chuẩn bị cho hành trình 50 năm tự học tập của sinh viên sau này?... Đây là vấn đề đặt ra cho giáo dục ĐH trong việc xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng sự thay đổi của công nghệ, thúc đẩy tinh thần học tập suốt đời.

Trí tuệ nhân tạo

Phải chăng hành xử của con người đang bị ảnh hưởng bởi công nghệ nhiều hơn so trước ?

Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP HCM, có 3 yếu tố và 5 vấn đề đặt ra đối với giáo dục đại học trong bối cảnh thay đổi nhanh của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là của trí tuệ nhân tạo (AI).

- Yếu tố thứ nhất là tốc độ thay đổi diễn ra nhanh hơn: Để đạt được con số 50 triệu người dùng thì điện thoại bàn cần 75 năm, tivi cần 25 năm; phần mềm Wechat cần 1 năm; trò chơi Pokemon Go cần 19 ngày. Gần đây nhất, ChatGPT đạt kỷ lục 100 triệu người dùng chỉ sau 2 tháng ra mắt.

- Yếu tố thứ 2 là xuất hiện hình thức giao tiếp mới với sự trợ giúp của các công nghệ tiên tiến. Con người không chỉ giao tiếp với con người qua lời nói và chữ viết như trước. Giờ đây, chúng ta dành nhiều thời gian hơn cho hình thức giao tiếp mới, với mạng xã hội, với chatbot.

- Yếu tố thứ 3, rất quan trọng đó là xuất hiện những câu hỏi mới chưa có trong quá khứ. Một trong số những câu hỏi đó là khả năng bị thay đổi của con người về hành vi, về cảm xúc, về nhân cách trước sự gia tăng ứng dụng của trí tuệ nhân tạo. Hay nói cách khác, phải chăng hành xử của con người đang bị ảnh hưởng bởi công nghệ nhiều hơn so trước ?

Ba yếu tố này đang dẫn dắt chúng ta, đặt ra 5 vấn đề có tính định hướng cho giáo dục đại học. Các vấn đề này bao gồm:

- Vấn đề thứ 1 là sự biến động của nghề nghiệp và vai trò của giáo dục đại học trong việc đáp ứng sự thay đổi. Trong quá trình phát triển, chúng ta chứng kiến nhiều triệu việc làm bị biến mất, nhiều làm mới được tạo ra. Tuy nhiên về cơ bản, số việc làm mới được tạo ra vẫn nhiều hơn. Với sự thay đổi quá nhanh của công nghệ thì vấn đề này sẽ diễn ra như thế nào ? Những nghề nghiệp nào sẽ bị biến mất ? Nghề nghiệp mới nào sẽ xuất hiện ? Và nghề nghiệp nào sẽ được xã hội ghi nhận, tôn vinh ?

Có một ví dụ cần phân tích kỹ hơn, đó là nghề bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Gần đây mọi người cho rằng với sự trợ giúp của AI, thì máy tính có thể đưa ra các chẩn đoán bệnh dựa vào hình ảnh tốt hơn con người. Nhưng 20, 30 năm tới liệu rằng việc chăm sóc sức khoẻ được giao cho một người với sự cảm thông chia sẻ thì sẽ được xã hội ghi nhận nhiều hơn hay là một người được huấn luyện và sử dụng máy móc để chẩn trị ? Nói cách khác: liệu lương của y tá sẽ cao hơn lương của bác sĩ điều trị bằng hình ảnh ?

- Vấn đề thứ 2: đâu là chuẩn kiến thức tối thiểu của người tốt nghiệp đại học trong thế kỷ 21, là cơ sở để chuẩn bị cho hành trình 50 năm tự học tập của sinh viên sau này ? Đặc biệt là trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo ngày càng có thể thực hiện nhiều công việc hơn ? Đây là vấn đề đặt ra cho giáo dục đại học trong việc xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng sự thay đổi của công nghệ, thúc đẩy tinh thần học tập suốt đời.

- Vấn đề thứ 3 là liệu con người có thể đảo ngược lại được các quyết định của máy tính ? Vấn đề này liên quan các chuẩn mực về đạo đức trong công tác giảng dạy và nghiên cứu các công nghệ mới. Tuy nhiên ngay cả khi chúng ta có thể đảo ngược các quyết định của máy tính thì liệu rằng chúng ta có thể thực hiện ngay đúng thời điểm để có thể kịp thời ngăn chặn thảm hoạ ? Liệu chúng ta có thể ngăn chặn con người sử dụng công nghệ theo chiều hướng xấu một có vô ý hoặc cố ý, giống như đã từng xảy ra trong quá khứ ?

- Vấn đề thứ 4 là sự sáng tạo và vai trò của lãnh đạo trong việc nuôi dưỡng sự sáng tạo trong các trường đại học. Nói đến trí tuệ nhân tạo, người ta nói đến sự chính xác và hoàn hảo. Tuy nhiên dường như sự không hoàn hảo, sự tương đối là những thuộc tính quan trọng và cần thiết cho sự sáng tạo của con người. Liệu là trong 50 năm tới, sự sáng tạo của con người sẽ bị ảnh hưởng bởi vì chúng ta luôn đặt mọi thứ phải nhanh hơn, chính xác hơn, hoàn hảo hơn ?

- Vấn đề cuối cùng liên quan đến con người - liên quan đến vai trò của giáo dục đại học trong lĩnh vực văn hóa, xã hội và nhân văn. Chúng ta sẽ hành xử như thế nào ? Theo các chuẩn mực gì ? Trên một lượng lớn dữ liệu lớn xuyên biên giới, xuyên văn hoá, liệu máy tính có thể hiểu và phân biệt được nhân phẩm, sự đồng cảm của mỗi người khác nhau là khác nhau?

Thu Hà/nguồn FB Quan Vu

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top