Ngày 11/7, Hội đồng Giáo sư Nhà nước ban hành quyết định phê duyệt Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm năm 2025. Theo đó, Tạp chí Kinh tế và Ngân hàng châu Á (phiên bản tiếng Việt) và Asian Journal of Economics and Banking (phiên bản tiếng Anh) đã được Hội đồng Giáo sư Nhà nước chính thức đưa vào danh mục tạp chí khoa học tính điểm công trình ở mức khung từ 0-1.0 điểm, thuộc khoảng 14% các tạp chí đạt mức điểm này.
Theo thống kê từ Danh mục trên, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM là một trong 7 trường ĐH của Việt Nam sở hữu cả hai tạp chí tiếng Anh và tiếng Việt đều đạt từ khung 0-1.0 điểm trở lên.
Tạp chí Kinh tế và Ngân hàng châu Á và Asian Journal of Economics and Banking là hai ấn phẩm khoa học chính thức và duy nhất trực thuộc Trường ĐH Ngân hàng TP HCM. Tạp chí kế thừa và phát triển từ Tạp chí Công nghệ Ngân hàng được xuất bản số đầu tiên vào ngày 20/11/2004. Trong 21 năm hoạt động, Tạp chí luôn được các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia và nhiều đối tượng độc giả trong nước, quốc tế quan tâm và đánh giá cao.
Đây là ấn phẩm khoa học định kỳ hàng tháng và định hướng rõ ràng vào các lĩnh vực kinh tế – tài chính – ngân hàng và các ngành liên quan khác, đặc biệt ưu tiên các nghiên cứu liên quan đến phát triển bền vững tại khu vực châu Á. Các chủ đề được khuyến khích như: Biến đổi khí hậu và rủi ro khí hậu, tài chính xanh và ngân hàng xanh, ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp), chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong hệ thống tài chính – ngân hàng châu Á, các mô hình tăng trưởng mới như Mankiw-Romer-Weil (MRW), Nelson-Phelps,…
Bên cạnh nội dung, Tạp chí cũng chú trọng về phương pháp nghiên cứu bằng cách khuyến khích các bài viết ứng dụng các phương pháp định lượng hiện đại như: phân tích và suy diễn Bayes, học máy (Machine Learning), thuật toán Monte Carlo và Markov Chain Monte Carlo, mô hình phân phối xác suất, dự báo tài chính và kiểm định độ chính xác dự báo,... Việc hội tụ các chủ đề thời sự và phương pháp tiên tiến giúp Tạp chí Kinh tế và Ngân hàng châu Á ngày càng khẳng định vai trò là diễn đàn học thuật uy tín, phản ánh các chuyển động mới nhất trong nghiên cứu kinh tế và tài chính trong khu vực.
Từ năm 2019, tạp chí đã hoàn thiện hệ thống vận hành trực tuyến, triển khai toàn bộ quy trình từ tiếp nhận bài viết, phản biện đến xuất bản; đồng thời gắn mã số DOI cho tất cả các bài viết được công bố, đảm bảo khả năng truy xuất quốc tế và tăng độ nhận diện học thuật.
Đây là ấn phẩm khoa học quốc tế thuộc sở hữu của Trường ĐH Ngân hàng TP HCM hợp tác xuất bản với Nhà xuất bản Emerald (Vương quốc Anh) – một trong những hệ thống xuất bản học thuật quốc tế uy tín. Tạp chí có quá trình phát triển liên tục và bền vững trong 9 năm qua, bắt đầu xuất bản từ năm 2017 với tên gọi ban đầu là Banking Technology Review.
Từ năm 2019, tạp chí chính thức đổi tên thành Asian Journal of Economics and Banking và được xuất bản định kỳ 3 số mỗi năm (tháng 3, 7, và 11) trên nền tảng Emerald từ tháng 6/2020. Đến nay, Tạp chí đã xuất bản 24 số, áp dụng quy trình phản biện kín nghiêm ngặt từ 2 đến 4 phản biện cho mỗi bài viết.
Ban Biên tập của Tạp chí bao gồm nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ trong và ngoài nước, tập hợp các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, kinh tế lượng, kinh tế – tài chính và ngân hàng như Mỹ, Canada, Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc,...
Về định hướng học thuật, Tạp chí tập trung vào hai trục nghiên cứu chính:
(i) Các nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm ứng dụng phương pháp thống kê hiện đại và trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính và ngân hàng, như: Dự báo kinh tế – tài chính và đánh giá độ chính xác mô hình, thống kê mô hình khuếch tán (diffusion models), các phương pháp phân cụm phương sai (volatility clustering), thống kê Bayes và thuật toán Monte Carlo, trí tuệ nhân tạo và học máy trong kinh tế và tài chính,…;
(ii) Các nghiên cứu liên quan đến phát triển bền vững tại khu vực châu Á, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của hệ thống tài chính – ngân hàng châu Á, với các chủ đề tiêu biểu như: Tài chính toàn diện và kinh tế hành vi, tài chính bền vững và ESG, rủi ro khí hậu và tài chính xanh, chuyển đổi số trong ngân hàng châu Á, quản trị rủi ro và khả năng chống chịu của hệ thống tài chính, đổi mới và quản trị trong hệ thống ngân hàng,…
Tạp chí đã và đang dần khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng học thuật quốc tế thông qua các chỉ số trích dẫn Crossref ngày càng tăng, cụ thể: 0.38 (năm 2021), 1.78 (năm 2022), 2.54 (năm 2023), 4.02 (năm 2024) – phản ánh mức độ lan tỏa và ảnh hưởng học thuật ngày càng mạnh mẽ của tạp chí.
Trong lĩnh vực kinh tế học, kinh tế lượng và tài chính, Tạp chí được xếp hạng trong top 14% dựa trên cơ sở trích dẫn của hệ thống Scopus.
Đối với lĩnh vực tài chính, Tạp chí được xếp hạng trong top 23%. Hiện nay, Asian Journal of Economics and Banking đã được chỉ mục trong Cabell's Directories, Directory of Open Access Journals (DOAJ), EBSCO Discovery Service, Econbiz, Google Scholar, Research Papers in Economics (RePEc), Summons (ProQuest), WorldCat.
Ngoài ra, Tạp chí được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Giấy phép hoạt động tạp chí in và tạp chí điện tử số 83/GP- BTTTT ngày 26/02/2025. Theo đó, tôn chỉ và mục đích của Tạp chí Kinh tế và Ngân hàng châu Á được phép mở rộng tất cả lĩnh vực đào tạo, giảng dạy của Trường ĐH Ngân hàng TP HCM dưới hai loại hình: Tạp chí in và Tạp chí điện tử, từ 128 trang lên 160 trang/số.
Việc Tạp chí nâng điểm khoa học lên 1,0 điểm kể từ năm 2025 là một dấu mốc quan trọng, phản ánh sự cải thiện rõ rệt về chất lượng học thuật, tính quốc tế hóa của đội ngũ biên tập cũng như sự đa dạng trong tác giả và chủ đề nghiên cứu.
Tạp chí cam kết tiếp tục nâng cao tiêu chuẩn xuất bản nhằm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Emerging Sources Citation Index (ESCI) và Scopus, đóng góp tích cực vào sự phát triển của cộng đồng nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế và tài chính tại Việt Nam và quốc tế.