• Chủ Nhật, 16 tháng 07, 2023
  • 13:30 GMT +7

Giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ còn nhiều khó khăn, thách thức

Thanh Hải/nguồn Bộ GD-ĐT
Nguồn: Không xác định
Ngày 14/7, tại tỉnh Quảng Trị, Bộ GD- ĐT tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

Nhìn nhận về giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá: Chất lượng giáo dục, đào tạo từng bước được nâng cao và đạt được những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận. Mặc dù vậy, giáo dục và đào tạo của vùng vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức như: nhiều chỉ số về phát triển còn thấp hơn mức trung bình của cả nước; chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đồng đều giữa các địa phương trong Vùng, … và vẫn còn đầy thách thức, nhiều khó khăn khác cần tiếp tục nhận diện, có giải pháp phù hợp để khắc phục và phát triển trong thời gian sắp tới.

Báo cáo về tình hình phát triển giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, cho biết trong giai đoạn 2011-2022, quy mô và mạng lưới các cấp học được đầu tư phát triển đồng bộ, đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho người dân, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương trong vùng và cả nước. Toàn vùng hiện có 12.322 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn

Các địa phương đã chú trọng công tác huy động trẻ đến trường và học sinh nhập học đúng độ tuổi. Tỷ lệ huy động trẻ em, học sinh đi học đúng độ tuổi ở cấp học đều gia tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo và trẻ 5 tuổi đều thấp hơn so với bình quân của cả nước và không đồng đều giữa các địa phương trong vùng. Trong đó, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường của vùng thấp nhất cả nước. Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi các cấp Tiểu học tăng 1,1% so với năm học 2010-2011 tương đương so với bình quân của cả nước. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình giáo dục các cấp học đều thấp hơn bình quân của cả nước.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từng bước được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa. Tuy nhiên, tỷ lệ kiên cố hóa của Vùng thấp hơn 0,5% so với trung bình cả nước và tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu đạt thấp hơn 0,1% so với trung bình cả nước.

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học tăng dần hằng năm và cao hơn so với bình quân của cả nước. Mặc dù kết cấu hạ tầng các cấp học đã được quan tâm đầu tư. Vẫn có hiện tượng thiếu phòng học cục bộ tại các khu vực có mật độ dân cư cao, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, vẫn còn 1.036 phòng học nhờ, mượn (chiếm 17,4% tổng số phòng học nhờ, mượn trên cả nước), tập trung chủ yếu tại cấp học Mầm non và Tiểu học.

Năm học 2021-2022, toàn vùng có 258.255 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông, thường xuyên, tăng 12.598 giáo viên so với năm học 2010-2011. Tuy nhiên, giống như các vùng khác, tỷ lệ giáo viên/lớp các cấp học trong vùng đều thấp hơn định mức theo quy định của Bộ GD-ĐT; cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu tại các địa phương, trường học.

Trong những năm qua, chất lượng giáo dục phổ thông có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh lên lớp ở cấp Tiểu học và cấp THCS có chiều hướng gia tăng và cao hơn bình quân cả nước. Tuy vậy, tỷ lệ học sinh lên lớp cấp THPT của Vùng lại thấp nhất cả nước. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cấp THCS và cấp THPT đều thấp hơn so với quân cả nước.

Giáo dục mũi nhọn của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2013 -2023, số học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia của vùng là 5.645 học sinh (đạt 53,3% tổng số thí sinh tham dự, chiếm 23,3% tổng số giải trong cả nước) và 84 giải tại Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế (chiếm 23,3% tổng số giải của cả nước).

Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

Quy mô đào tạo ĐH và sau ĐH tăng dần qua các năm, đứng thứ ba trong sáu vùng kinh tế - xã hội. Toàn vùng hiện có toàn vùng có 44 trường ĐH. Bình quân hằng năm, có hơn 31.000 sinh viên và hơn 2.400 học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng.

Chất lượng lao động của vùng ngày càng được cải thiện với tỷ lệ lao động có bằng cấp/chứng chỉ của vùng năm 2021 đạt 25,8%. Trong đó, tỷ lệ lao động lao động trong lĩnh vực kinh tế biển được đào tạo các trình độ đạt khoảng 68% (tăng 39,6% so với năm 2010). Tuy nhiên, tỷ lệ lao động có bằng cấp vẫn thấp hơn 0,3% so với mức bình quân chung của cả nước.

Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT xác định một số mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030.

Cụ thể, nâng cao trình độ dân trí và thu nhập của người dân trong vùng là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược của các địa phương trong vùng và cả nước. Tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng cơ bản chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa.

Tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển vùng. Nâng cao chất lượng hoạt động một số trường đại học lớn ở Vinh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Nha Trang trở thành những trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới.

Đến năm 2030, các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục, đào tạo của vùng không ngừng được nâng cao; khoảng cách về chất lượng giáo dục, đào tạo giữa các địa phương dần được thu hẹp và tiệm cận với mặt bằng chung của cả nước. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt khoảng 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 35 - 40%.

Vừa phát triển giáo dục mũi nhọn, vừa quan tâm đến công bằng giáo dục

Hội nghị ghi nhận các ý kiến tham luận, thảo luận từ lãnh đạo các địa phương: Nghệ An, Quảng Trị, Khánh Hoá, Phú Yên, Thừa Thiên Huế. Các ý kiến trao đổi tập trung  làm rõ những kết quả của giáo dục từng địa phương thời gian qua, cùng với đó là những khó khăn, hạn chế và giải pháp để phát triển giáo dục và đào tạo của từng địa phương, gắn với phát triển giáo dục vùng trong thời gian tới.

Một số kiến nghị đã được các địa phương gửi tới Chính phủ, các Bộ, ngành. Trong đó, tập trung vào vấn đề tăng nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, nhất là đầu tư cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo cho triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; bổ sung biên chế giáo viên và có cơ chế chính sách phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; tiếp tục có chính sách khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội hoá vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo; chính sách phân luồng sau THCS, quan tâm chính sách và nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên…

Về các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Bộ trưởng nhấn mạnh đầu tiên tới việc tập trung quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục ĐH, CĐ. Trong đó, 2 ĐH vùng là Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng cần phát triển hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và mạnh của vùng trong thời gian sắp tới. Nghiên cứu để có giải pháp cho các trường ĐH địa phương, các trường cao đẳng sư phạm.

Đối với các giải pháp về điều kiện đảm bảo chất lượng, Bộ trưởng đề nghị các địa phương trong vùng quan tâm đảm bảo cơ sở vật chất và hướng tới hiện đại hoá cơ sở vật chất; phát triển đội ngũ giáo viên về cả số lượng và chất lượng; phát triển trường nội trú, quan tâm giáo dục dân tộc, đảm bảo chất lượng giáo dục miền núi, vùng khó khăn, hải đảo; quan tâm tới giáo dục chuyên biệt, đảm bảo sự công bằng trong giáo dục.

Là vùng có tỷ lệ người học ĐH thấp nhất trong các vùng kinh tế - xã hội, theo Bộ trưởng các địa phương cần có giải pháp để tăng tỷ lệ này, trong đó có giải pháp về đầu ra, việc làm để gia tăng người học ĐH. “Đây là vấn đề dân trí nhưng cũng là nhân lực chất lượng cao”, Bộ trưởng nói, đồng thời lưu ý các địa phương về việc đổi mới công tác phát hiện, bồi dưỡng nhân tài.

Thanh Hải/nguồn Bộ GD-ĐT

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top