• Thứ Sáu, 04 tháng 05, 2018
  • 08:52 GMT +7

Hạ điểm sàn xét tuyển tuyển ĐH để … vét thí sinh?

Hạ điểm sàn xét tuyển ĐH đến mức thấp nhất nhằm mục đích tuyển đủ chỉ tiêu nhưng nhiều khi mang lại hiệu ứng ngược

Chỉ cần tốt nghiệp THPT thí sinh đủ điều kiện xét tuyển ĐH
 
Năm 2018, Bộ GD-ĐT không quy định điểm sàn chung cho các trường ĐH (ngoại trừ khối sư phạm). Điểm sàn sẽ do trường quyết định và phải công bố muộn nhất vào ngày 19-7. Tuy nhiên, tại thời điểm này nhiều trường đã công bố điểm sàn.
 
Không thể thấp hơn
 
Trường ĐH Công nghiệp Thực phầm TP HCM đã công bố phương án xét tuyển năm 2018, trong đó, trường đưa ra mức điểm sàn là 15 điểm. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, phó giám đốc trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp của trường cho biết đây chỉ là mức điểm sàn dự kiến. Tuỳ vào kết quả thi và số lượng hồ sơ nộp vào trường có thể điều chỉnh mức điểm khác nhau cho các ngành.
 
Tương tự, Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) công bố sẽ nhận hồ sơ từ 15 điểm trở lên với 3 môn của tổ hợp xét tuyển dành cho các ngành ngoài sư phạm bằng phương thức xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia. Trường ĐH Kiên Giang cũng đưa ra quy định tổng điểm trong tổ hợp xét tuyển không dưới 15 điểm.
 
Trong khi đó, một số trường đưa ra mức điểm sàn xét tuyển thấp chưa từng có. Cụ thể, Trường ĐH Bình Dương xác định mức điểm tối thiểu nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH với TS thi THPT là 10 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển (gồm 3 môn/bài thi). Như vậy, điểm sàn trường này đưa ra ở đây chỉ cần trung bình trên 3 điểm/môn. Tương tự, Trường ĐH Xây dựng Miền Trung cũng công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu với tổng điểm 3 môn của tổ hợp là 11, trong đó không có môn nào từ 1 trở xuống. Trường ĐH Bình Dương sau đó đã sửa mức điểm sàn trong đề án tuyển sinh là “theo chuẩn đảm bảo chất lượng quy định của Bộ GD-ĐT”.
 
So với điểm sàn chung năm ngoái (15,5 điểm cho tất cả các tổ hợp), mức điểm sàn các trường đưa ra là 10 điểm, 11 điểm là  rất thấp.
 
Không sai, nhưng làm gì có chất lượng!
 
Trong những năm qua, nhiều trường ĐH, đặc biệt là trường ĐH ngoài công lập tuyển sinh rất khó khăn, điều này đã ảnh hưởng đến nguồn sống của trường. Phải chăng vì lý do này, nhiều trường hạ điểm sàn ở mức không thể thấp hơn.
 
Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH cho biết những năm bộ còn quy định điểm sàn, nguồn tuyển của các trường luôn được bộ xác định dôi dư nhưng nhiều trường tuyển sinh hết sức khó khăn, không hiểu thí sinh đi đâu. Năm nay, khi bộ không quy định điểm sàn chung, một số trường muốn đưa ra mức điểm sàn thấp để vớt vát một bộ phận đối tượng thí sinh không đủ điều kiện vào các trường ĐH, CĐ khác.
 
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng các trường thường mong muốn đưa ra mức điểm sàn cao, điều đó thể hiện giá trị của trường. “Đưa ra điểm sàn quá thấp chưa hẵn đã hay vì thí sinh, phụ huynh nhìn vào họ sẽ đánh giá thấp. Đây là điều tai hại”- ông Dũng, nói.
 
Hiệu trưởng một trường khác cho rằng việc một số trường đưa ra mức điểm sàn thấp hoàn toàn không sai vì trường được quyền xác định điểm sàn. Thí sinh tham gia xét tuyển ĐH hẵn nhiên đã tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, việc đưa ra điểm sàn quá thấp so với những năm trước làm bộc lộ trường rất khó khăn trong tuyển sinh và hẵn nhiên điều đó có lý do. Hơn nữa, việc quy định điểm sàn quá thấp để tuyển sinh sẽ ảnh hưởng không tốt đến quá trình đào tạo.
 
Đồng quan điểm này, trưởng phòng đào tạo một trường ĐH ở TP HCM nêu quan điểm các trường nghĩ sao khi mà điểm từng môn của thí sinh chưa tới 4 môn cũng trúng tuyển ĐH. Với đối tượng thí sinh này, các trường hi vọng gì về chất lượng đào tạo hay mục đích cao nhất của các trường là tuyển bằng được để thu tiền, bất chấp chất lượng. Vị này lo ngại rồi vài năm nữa các trường này thải ra thị trường lao động một số lượng lớn nhân lực có bằng cấp nhưng thiều chuyên môn, kỹ năng. Vị này cho rằng đối với những trường ĐH chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT vẫn nên áp dụng điểm sàn.
 
Các chuyên gia tuyển sinh lưu ý thí sinh phải rất thận trọng khi đăng ký nguyện vọng vào những trường có điểm sàn quá thấp. Nên đặt những nguyện vọng ưu tiên trước tiên vào những ngành, trường mình thích học. Không nên vì mục tiêu phải vào ĐH mà bất chấp.
Khánh Linh

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top