• Thứ Ba, 03 tháng 08, 2021
  • 09:23 GMT +7

Hiệu trưởng ĐH chia sẽ cách điều chỉnh nguyện vọng thông minh

Thu Hà/nguồn ĐHKHTN
Điều chỉnh nguyện vọng thế nào, đặt nguyện vọng nào lên trên, làm sao để trúng tuyển vào ngành và trường mà mình yêu thích, ... là điều nhiều thí sinh băn khoăn.

PGS- TS Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên- ĐHQG Hà Nội có một số chia sẻ về cách điều chỉnh nguyện vọng “thông minh” để tăng khả năng trúng tuyển như ý muốn.

- PV: Thưa PGS- TS Vũ Hoàng Linh, ông có nhận xét gì về phổ điểm của một số tổ hợp xét tuyển như: A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), B00 (Toán, Hóa, Sinh) mà Bộ GD-ĐT vừa công bố?

PGS- TS Vũ Hoàng Linh: Theo phổ điểm Bộ GD- ĐT công bố, so sánh với phổ điểm tương ứng năm 2020 thì có thể thấy: phổ điểm của 3 tổ hợp xét tuyển nói trên có dáng điệu tương tự, tuy nhiên một số thay đổi nhỏ.

Đối với tổ hợp A00, đỉnh (tổng điểm có nhiều thí sinh nhất) là 23 điểm, tương tự năm 2020. Mặc dù điểm trung bình giảm hơn so với năm 2020 nhưng số thí sinh đạt mức điểm 17-25 điểm cao hơn so với năm 2020. Tổ hợp B00, số thí sinh đạt mức điểm 17-23 cũng tăng lên so với năm 2020, đỉnh là 21 điểm. Biến động lớn nhất xảy ra ở tổ hợp A01, phổ điểm dịch sang phải so với năm 2020; đỉnh là 22 điểm nhưng số lượng thí sinh được 21-27 điểm tăng hơn hẳn so với năm 2020.

- Vậy theo ông, điều các em thí sinh cần làm lúc này là gì?

PGS- TS Vũ Hoàng Linh: Trước hết, các em cần rà soát lại các ngành và trường đại học đã lựa chọn dựa trên sở thích và năng lực của bản thân, xem kỹ các điều kiện và tổ hợp xét tuyển của từng ngành, từng trường. Bên cạnh đó, các em nên tranh thủ thời gian tìm hiểu thêm thông tin về các ngành nghề (nội dung đào tạo, cơ hội việc làm hoặc cơ hội học lên cao sau khi tốt nghiệp). Đây là việc kết hợp giữa “nhìn gần” và “nhìn xa”, lắng nghe chính mình.

Một việc quan trọng không thể bỏ qua là các em cần xem thông tin điểm chuẩn 1-2 năm gần đây của các ngành dự định đăng ký và phổ điểm các môn thi, các tổ hợp thi năm 2021, so sánh với phổ điểm năm 2019 và năm 2020 để có dự đoán về xu hướng tăng hay giảm của điểm chuẩn. Để dự đoán được điểm chuẩn là việc không đơn giản. Tuy nhiên các em có thể tham khảo trang thông tin tuyển sinh của Trường và các báo.

- Với những thí sinh có điểm thi không được như mong muốn, nên điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển thế nào, thưa ông?

PGS- TS Vũ Hoàng Linh: Nếu điểm thi không được như mong muốn, các em cần bình tĩnh quan sát xem điểm của mình so với phổ điểm năm nay ra sao? Điểm có thấp hơn so với mặt bằng chung không? Nếu có thì là bao nhiêu?

Các em cũng cần xem lại điểm chuẩn của ngành/trường năm 2020 mà các em đã đăng ký, so sánh xem điểm mình đạt được có thấp hơn nhiều so với điểm chuẩn năm 2020 không?

Nếu điểm của các em chỉ thấp hơn một chút (tầm 0,25-1,0) so với điểm chuẩn năm trước của các ngành đã chọn thì theo tôi, nguyện vọng 1 và 2 vẫn nên để là những ngành mình yêu thích. Các nguyện vọng tiếp theo là những ngành có điểm chuẩn các năm trước tương đương với điểm thi của mình. Và để chắc chắn đỗ đại học, nên đặt thêm 2-3 nguyện vọng vào các ngành có điểm chuẩn năm trước thấp hơn điểm thi của mình 1-3 điểm.

Trường hợp điểm thi thấp hơn so với mặt bằng chung, thấp hơn quá nhiều so với điểm chuẩn của ngành/trường mà các em đã đăng ký thì rõ ràng cần phải cân nhắc, điều chỉnh các nguyện vọng phù hợp với điểm thi theo chiến lược tương tự như trên. Không nên chọn các ngành có dự báo điểm chuẩn cao hơn nhiều, ví dụ từ 3-5 điểm, so với điểm thi thực tế. Dù điểm thế nào, chỉ cần đạt trên điểm sàn, nếu khéo léo các em vẫn có cơ hội trúng tuyển vào ngành gần hoặc ngành tương tự ngành mình mong muốn.

- Với những em điểm thi đúng như dự kiến, hoặc cao hơn dự kiến thì việc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển có cần thiết?

PGS- TS Vũ Hoàng Linh: Đạt điểm cao là điều rất vui, nhưng nếu mặt bằng chung điểm ở tổ hợp xét tuyển cũng cao, ngành chọn lại là ngành “hot” thì cũng nên thận trọng.

Thực tế các năm trước, có những em đạt điểm cao, thậm chí 25, 26 điểm nhưng vẫn trượt đại học hoặc trúng tuyển vào ngành ít mong muốn.

Theo tôi, vẫn phải tham khảo phổ điểm các môn và tổ hợp xét tuyển. Dù điểm thi khả quan, các em vẫn nên thực hiện chiến lược điều chỉnh nguyện vọng xếp theo thứ tự yêu thích kết hợp với điểm chuẩn từ cao xuống thấp: 2-3 nguyện vọng đầu là những ngành ưu tiên nhất và dự báo điểm chuẩn có thể bằng hoặc thậm chí cao hơn điểm thi thực tế 1-1,5 điểm. Nếu dự báo điểm chuẩn của các nguyện vọng 1-2 thấp hơn điểm thi thì vẫn nên chọn thêm một số ngành ưa thích có dự báo điểm chuẩn thấp hơn nữa cho an toàn.

- Những chia sẻ như trên liệu đã đảm bảo không trượt đại học đúng không?

PGS- TS Vũ Hoàng Linh: Không có gì chắc chắn 100% cả. Nhưng nếu biết tổng hợp, phân tích thông tin về các ngành mà mình thích ở nhiều trường, có phương án dự phòng an toàn, các em sẽ chắc chắn hơn trong việc đạt được điều mình muốn.

Tôi lấy ví dụ: nếu em thích Công nghệ Thông tin (CNTT), có rất nhiều trường cùng đào tạo lĩnh vực này. Ngay ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội có đào tạo các ngành liên quan đến CNTT như: Toán – Tin, Khoa học Dữ liệu, Máy tính và Khoa học thông tin, Kỹ thuật điện tử và Tin học. Thậm chí các em học các ngành khoa học cơ bản như Toán học, Vật lý, hoặc các ngành có sử dụng nhiều kiến thức CNTT như Khí tượng và Khí hậu học, Khoa học Thông tin Địa không gian,… cũng có thể chuyển hướng sang học tiếp hay làm việc trong lĩnh vực CNTT hoặc ứng dụng CNTT.

Tương tự, một số nhóm ngành công nghệ - kỹ thuật dựa trên nền tảng các ngành Vật lý, Hóa học, Sinh học, các ngành lĩnh vực Tài nguyên, Môi trường, và Khoa học Trái đất cũng có nhiều kiến thức rất thú vị, có cơ hội học tập sau đại học và việc làm tốt. Ý tôi là: các em cũng không nên cố định một ngành/trường cụ thể mà nên tìm hiểu và lựa chọn một nhóm ngành mà mình ưa thích và có năng lực để tăng cơ hội trúng tuyển.

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top