• Thứ Bảy, 11 tháng 07, 2020
  • 22:53 GMT +7

Hiệu trưởng Sư phạm mong học trò đến những miền nắng gió

Theo Thanh Hùng/vnn
Nguồn: Không xác định
“Hãy đến với làng quê, về nơi xóm thợ, đặt chân đến bản làng xa, đến vùng sông nước phương Nam hay miền Trung nắng gió, nơi ấy đang rất cần các em”.

Các tân cử nhân sư phạm tại lễ bế giảng năm 2020

Các tân cử nhân sư phạm tại lễ bế giảng năm 2020

Đó là lời căn dặn của GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tới các giáo viên tương lai tại lễ bế giảng và trao bằng cử nhân năm học 2019-2020 diễn ra sáng nay 11/7.

Ông cũng khuyên các giáo viên tương lai cần biết nghĩ, biết làm và dám cống hiến.

“Dạy những điều trong sách vở rất cần, nhưng hành động của chính mình sẽ làm lan tỏa, để góp nhặt cho mầm ươm giá trị”.

GS Minh cho rằng nghĩa vụ của người thầy, người cô là làm cho cuộc sống tốt hơn chứ không phải chỉ ngồi phán xét; và cảm hóa là liệu pháp tối thượng của giáo dục để con người trở nên tử tế, lương thiện hơn.

Vì vậy, cần có con tim để yêu thương nhưng bổn phận cao cả của giáo dục là khơi nguồn để những ý tưởng mới sinh sôi.

“Muốn vậy, phải khai phóng được trí tuệ mỗi người. Mỗi người là một thế giới, từ những số phận không may mắn, đến những người có thuận lợi hơn trong điều kiện, nhưng trọng trách của giáo dục là đem lại sự tôn trọng và bình đẳng cho tất cả,...

Giáo dục để mỗi người yêu thương lấy mảnh đất nơi mình khôn lớn và khát vọng đổi đời cho bao người nơi mình đã được sinh ra. Giáo dục để mỗi người không còn cam phận, để những sức mạnh tiềm tàng ẩn giấu hiện ra”, GS Minh nói.

Nhà giáo chân chính cũng "sang trọng và giàu có"

Khi ra đời, các tân cử nhân sẽ tiếp cận với cả mảng sáng và mảng tối, nhưng phải đặt ra mục đích cuối cùng để đến. Phải coi khó khăn là thử thách lòng kiên nhẫn của mỗi người để vượt qua; không bao giờ chùn bước và thỏa hiệp với cái sai. Trong khó khăn phải tìm ra giải pháp mới, chứ không dại dột làm liều.

Các em cũng cần bản lĩnh và những chuẩn mực, nhất là cần nhớ những chuẩn mực trong giáo dục.

Bên cạnh đó, cần kiên trì để đưa những điều mới mẻ, tiến bộ vào thực tiễn công việc, lực cản của tâm lý không muốn thay đổi luôn cản trở, cho nên cần kiên trì và thuyết phục.

“Không ai chọn nghề giáo để làm giàu về tiền bạc, nhưng có những sang trọng và giàu có của nhà giáo chân chính mà không phải ai cũng dễ có được. Hãy biết giữ gìn và trân trọng việc mình làm”, vị hiệu trưởng nói.

“Thầy nhắc các em nhưng thầy tin các em sẽ làm tốt hơn những gì thế hệ của thầy đang làm, đó là một niềm tin tuyệt đối. Các em sẽ là những người khắc sâu những giá trị cao đẹp cho cuộc đời, thắp lên ngọn lửa đam mê cho thế hệ tương lai và hướng họ đến những ước mơ cao cả”.

Theo Thanh Hùng/vnn

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top