• Thứ Năm, 10 tháng 07, 2025
  • 21:53 GMT +7

Kinh tế số và TFP: Nền tảng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

Phương Mai
Ngày 10/7/2025, tại Hà Nội, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương phối hợp với ĐHQG TP HCM tổ chức Hội thảo khoa học "Kinh tế số và TFP: Nền tảng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam".

Hội thảo nhằm cụ thể hóa và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đưa năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trở thành động lực then chốt, quyết định mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Theo các chỉ tiêu định hướng, đến năm 2030, TFP sẽ đóng góp trên 55% vào tăng trưởng kinh tế, tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt tối thiểu 50% và quy mô kinh tế số đạt ít nhất 30% GDP, hướng tới 50% vào năm 2045.

Hội thảo về kinh tế số

Quang cảnh hội thảo kinh tế số

Đây là diễn đàn quan trọng,  đóng vai trò là điểm kết nối giữa hoạch định chính sách, giới học thuật và thực tiễn sản xuất - kinh doanh, nhằm khẳng định vị trí then chốt của TFP và kinh tế số đối với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Phạm Đại Dương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Chính sách, chiến lược Trung ương; đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng ban Ban Chính sách, chiến lược Trung ương; PGS.TS Vũ Hải Quân - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQG TP HCM; các đại biểu đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và doanh nghiệp.

Hội thảo tập trung phân tích sâu sắc ba nhóm vấn đề trọng tâm: (1) Vai trò của kinh tế số, đổi mới sáng tạo trong thúc đẩy năng suất và tăng trưởng bền vững; (2) Giải pháp chiến lược nhằm nâng cao tỷ trọng đóng góp của TFP trong tăng trưởng GDP lên trên 55% vào năm 2030; (3) Thúc đẩy vai trò chủ động của doanh nghiệp, tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, tài chính, công nghệ để doanh nghiệp thực sự trở thành động lực đổi mới sáng tạo và tăng trưởng.

Các tham luận nổi bật tại hội thảo đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Thế giới, các chuyên gia hàng đầu từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Đại học Quản lý Singapore (SMU). Đặc biệt, hai diễn giả quốc tế GS.TS. Vũ Minh Khương và GS Tan Swee Liang đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ Singapore về hành trình nâng cao TFP và chuyển đổi số, cung cấp những bài học quý giá cho Việt Nam.

Phiên thảo luận chuyên sâu với sự tham gia tích cực của các chuyên gia từ ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Thương mại, Trường ĐH Kinh tế - Luật cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp công nghệ lớn như Viettel, CT Group, Becamex… đã đưa ra các đề xuất cụ thể, hướng tới xây dựng mô hình tăng trưởng dựa trên liên kết hiệu quả giữa Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư vào công nghệ cao, phát triển hạ tầng số và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo Giáo sư Tan Swee Liang, Đại học Quản lý Singapore, khi các yếu tố vốn và lao động đã được sử dụng một cách triệt để, chỉ có sự gia tăng về năng suất mới có thể thúc đẩy sản lượng tăng trưởng hơn nữa. Do đó, TFP chính là động lực chủ chốt của tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Đây cũng chính là tinh thần xuyên suốt trong quá trình kiến tạo mô hình phát triển mới của Việt Nam theo Nghị quyết số 57-NQ/TW: lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững và nâng cao năng lực tự chủ chiến lược, trong một thế giới đang chuyển động sâu sắc dưới tác động của cách mạng công nghệ và cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.

Những kiến nghị, giải pháp từ hội thảo sẽ được Ban Chính sách, chiến lược Trung ương tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền, góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách quan trọng, phục vụ cho việc thực thi hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW trong giai đoạn tới.

Nguồn: ĐHQG TPHCM

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top