• Thứ Bảy, 08 tháng 07, 2023
  • 19:52 GMT +7

Lãnh đạo Trường ĐH Công thương TP HCM nêu lý do đổi tên trường

Theo lãnh đạo Trường ĐH Công thương TP HCM, tên gọi “Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM” đã tạo ra sự hiểu nhầm của xã hội là nhà trường chỉ đào tạo về lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, từ đó, trường luôn gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh, đào tạo các ngành có nhu cầu...

HUIT

Đại diện Hội đồng trường, Ban giám hiệu nhận quyết định đổi tên trường 

Ngày 8/7, Trường ĐH Công thương TP HCM tổ chức lễ công bố và nhận quyết định đổi tên trường.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công thương TP HCM, nhấn mạnh trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, nhà trường luôn phấn đấu để hoàn thành sứ mạng trên. Đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM luôn gắn việc phát triển quy mô, ngành nghề đào tạo với yêu cầu về nguôn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công thương trên địa bàn TP HCM, khu vực phía Nam và cả nước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn nhất định.

Trong giai đoạn 2010 đến 2023, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM đã và đang tổ chức tuyển sinh và đào tạo 13 khóa ĐH chính quy, 6 khóa thạc sĩ, 2 khóa đào tạo tiến sĩ. Tính đến thời điểm tháng 6/2023, trường đã đào tạo được gần 60.000 kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ... phục vụ cho yêu cầu nguồn nhân lực của các địa phương, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt trên 90%.

Tại thời điểm nâng cấp trở thành trường ĐH, tên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM kế thừa định hướng phát triển của trường cao đẳng, có tầm nhìn và sứ mạng phù hợp với mô hình trường ĐH định hướng ứng dụng, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và đào tạo chuyên sâu về công nghiệp thực phẩm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay tên trường là một hạn chế không hề nhỏ, không còn phù hợp với tầm nhìn, sứ mạng và định hướng phát triển, không còn phù hợp với nhiệm vụ chính trị do Bộ Công thương giao, hay không còn phù hợp với nội lực và tiềm năng phát triển đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của ngành Công thương cũng như của xã hội. Trong khi thực tiễn đào tạo hơn 13 năm qua, Trường đã đào tạo 33 ngành, 11 lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, tên gọi “Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM” đã tạo ra sự hiểu nhầm của xã hội là nhà trường chỉ đào tạo về lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, từ đó, trường luôn gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh, đào tạo các ngành có nhu cầu; cũng như tạo ra lợi thế cạnh tranh, xây dựng niềm tin và sức lan tỏa ảnh hưởng trong xã hội; đặc biệt là với các bậc phụ huynh, học sinh khi chọn ngành, chọn trường phù hợp; với đối tác khi kết nối và xúc tiến hợp tác với trường; với người học tốt nghiệp khi tham gia thị trường lao động…

Chính vì những lý do trên, Đảng ủy và Hội đồng trường đã thống nhất đây là thời điểm thích hợp để thực hiện việc đổi tên Trường, xuất phát từ thực tiễn và hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với quy định tại Điều 2, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Tên gọi mới của Trường hoàn toàn không trùng với tên gọi của bất kỳ trường ĐH nào đang hoạt động hiện nay trên cả nước, kể cả bằng tên tiếng Anh. Vì vậy, sẽ tạo thuận lợi cho Trường phát triển mà không gây ra bất cứ tác động bất lợi nào tới các trường đại học khác trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Tên mới “Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh” phù hợp với định hướng phát triển của nhà trường, thể hiện được lĩnh vực đào tạo tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó trọng tâm về các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp và thương mại; gia tăng giá trị thương hiệu cho trường hướng đến phát triển bền vững; phù hợp với bối cảnh và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay cũng như phù hợp với nguyện vọng của tập thể cán bộ, giảng viên và người học của Trường.

Tên gọi mới sẽ thể hiện rõ định hướng, chiến lược phát triển của trường trong những giai đoạn thiếp theo, đồng thời tạo thuận lợi cho việc phổ biến thương hiệu của trường trước công chúng cũng như giúp cho các thế hệ người học nhận diện rõ hơn về lĩnh vực ngành nghề đào tạo của trường.

Lãnh đạo Trường ĐH Công thương TP HCM cũng nhìn nhận việc đổi tên trường vừa là thời cơ nhưng cũng vừa là thách thức khi có thể dẫn đến một số tác động ảnh hưởng về thương hiệu, ảnh hưởng trong công tác tuyển sinh, song tất cả các vấn đề trên đều đã được lãnh đạo trường nhận diện rõ ràng và đã chủ động lập kế hoạch và các giải pháp giảm thiểu những rủi ro đó.

Việc đổi tên trường không làm ảnh hưởng đến quy hoạch mạng lưới các trường đại học cũng như không làm ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo nhiệm vụ của Trường hiện tại, mà trái lại, với sự khẳng định phát triển theo định hướng nghiên cứu ứng dụng, mở rộng các ngành đào tạo có nhu cầu cao trong xã hội, tăng quy mô đào tạo và xây mới cơ sở vật chất sẽ cung cấp nguồn nhân lực với số lượng nhiều hơn, chất lượng cao hơn đặc biệt trong khối ngành Công nghiệp và Thương mại.

Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, sự kiện đổi tên trường sẽ đánh dấu bước phát triển mới, đột phá, giúp cho cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên của trường thêm tin tưởng vào định hướng, chiến lược và tương lai phát triền bền vững của trường, luôn tự hào về ngôi trường mình đang làm việc. Đồng thời cũng mở ra cơ hội tốt hơn để cán bộ, giảng viên, nhân viên được làm việc trong một môi trường năng động, hiện đại, tạo động lực mới để làm việc hiệu quả, sáng tạo và cống hiến hết mình cho sự phát triển không ngừng của Trường. Đó sẽ là những tác động vô cùng thuận lợi, là tiền đề để tạo ra đổi mới, sáng tạo, góp phần quyết định trong việc phát triển của nhà trường trong thời gian tới.

Lan Anh/nguồn ĐH Công thương TPHCM

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top