• Thứ Sáu, 10 tháng 07, 2020
  • 22:28 GMT +7

Lãnh đạo UBND TPHCM nêu quan điểm về Trường Việt Úc từ chối học sinh

Ông Dương Anh Đức cho hay quan điểm của thành phố là bảo vệ quyền lợi học sinh. Tuy nhiên, quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường là hợp đồng dân sự, nên phải xem xét kỹ hợp đồng.

Sáng 10/7, trao đổi với Zing bên lề kỳ họp thứ 20 Hội đồng Nhân dân TP.HCM khóa IX, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nêu quan điểm về việc trường Dân lập Quốc tế Việt Úc từ chối tiếp nhận hơn 40 học sinh, do bất đồng với phụ huynh về học phí.

Ông Đức khẳng định quan điểm của thành phố luôn muốn bảo vệ quyền lợi của học sinh.

"Tuy nhiên, với các trường tư thục, khi phụ huynh cho con học, bản chất là phụ huynh đang ký hợp đồng với những điều khoản ràng buộc với nhà trường. Đây là hợp đồng dân sự, nếu phụ huynh thấy trường làm không đúng, có thể kiện bên kia vi phạm hợp đồng", ông Đức nói.

Ông Dương Anh Đức trao đổi về trường Việt Úc từ chối hơn 40 học sinh bên lề cuộc họp Hội đồng Nhân dân TP.HCM sáng 10/7. Ảnh: V.Đ.

Ông Dương Anh Đức trao đổi về trường Việt Úc từ chối hơn 40 học sinh bên lề cuộc họp Hội đồng Nhân dân TP.HCM sáng 10/7. Ảnh: V.Đ.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho hay qua trao đổi ban đầu với Sở GD&ĐT TP.HCM, sở đã rà soát và phía trường cho rằng phụ huynh đang vi phạm hợp đồng. Do đó, nhà trường có quyền hủy hợp đồng. Tuy nhiên, UBND thành phố đã yêu cầu sở tập hợp lại toàn bộ hồ sơ để xem xét.

"Cách làm của trường Việt Úc là dở. Trường học chỉ vì bất đồng với cha mẹ mà làm ảnh hưởng quá trình học tập của học sinh, về mặt nhân văn, là không ổn", ông Đức nêu quan điểm.

Tuy nhiên, ông Đức cũng cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài (trường Việt Úc có vốn đầu tư nước ngoài) chỉ xem xét vấn đề trên góc độ pháp lý.

Vụ việc trường Việt Úc và phụ huynh là cả quá trình kéo dài, cần xem xét tất cả hành động của phụ huynh và nhà trường. Vì sao trường quyết định như vậy? Người ngoài không thể chỉ lấy một hành động từ chối học sinh của trường để phán xét.

"Trong giáo dục, ngoài mặt lý, còn mặt tình, các bên tôn trọng, chia sẻ lẫn nhau. Nhà trường, nếu làm căng, sẽ khiến hình ảnh bị ảnh hưởng. Nếu phụ huynh khởi kiện, chưa biết phụ huynh đúng hay sai, người ngoài nhìn trường sẽ không còn nhiều thiện cảm, ảnh hưởng thương hiệu của trường", Phó chủ tịch UBND thành phố nói.

Ông Dương Anh Đức gợi ý hai bên nên ngồi lại với nhau để giải quyết vấn đề. Nếu ai cũng muốn đủ, sẽ khó có tiếng nói chung và không giải quyết được khúc mắc.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cũng cho rằng nhà trường, phụ huynh cùng ngồi lại với nhau để trao đổi, dựa trên lợi ích của học sinh.

"Trường tư hoạt động theo luật doanh nghiệp, có lợi họ mới tồn tại. Nhưng kinh doanh về giáo dục lại là chuyện khác. Dù thế nào, làm đến mức như vậy cũng ảnh hưởng tâm lý, tương lai học sinh. Hai bên chưa biết đúng sai thế nào, nhưng học sinh bị ảnh hưởng mới là điều quan trọng", bà Trâm nói.

Bất đồng về chính sách học phí trong mùa dịch Covid-19 giữa phụ huynh và trường Dân lập Quốc tế Việt Úc, TP.HCM, kéo dài từ đầu tháng 4 đến nay. Ban đầu, trường thông báo thu 100% học phí trong thời gian học sinh học online. Không đồng tình, hàng trăm phụ huynh gửi kiến nghị đến cơ quan chức năng.

Đầu tháng 5, trường thông báo giảm 70% học phí bậc tiểu học và trung học trong thời gian học online, miễn 100% học phí đối với bậc mầm non. Hàng trăm phụ huynh đã đến trường, căng biểu ngữ phản đối, đề nghị được đối thoại với trường vào ngày 5 và 15/5.

Không đạt được thỏa thuận, khoảng 100 phụ huynh ký ủy quyền và hợp đồng pháp lý với luật sư để đưa vụ việc ra tòa.

Ngày 30/6, trường Việt Úc gửi thông báo đến khoảng 40 phụ huynh từng phản đối chính sách học phí, thông báo về việc từ chối tiếp nhận con họ từ năm tới.

Theo Zing

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top