• Thứ Hai, 18 tháng 11, 2024
  • 20:03 GMT +7

Lương giáo viên thấp, nhiều thầy không dám có bạn gái

Vân Anh/nguồn ĐHQG TPHCM
Nguồn: Không xác định
Mặc dù chi tiêu rất tằn tiện nhưng chưa hết tháng đã hết lương, nhiều thầy không dám có bạn gái vì không lấy đâu ra khoản "chi tiêu cho tình phí"

Viện Phát triển chính sách ĐHQG TP HCM vừa công bố kết quả nghiên cứu đời sống giáo viên tại tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang. Công trình được thực hiện vào tháng 9 và tháng 10- 2024 với việc phỏng vấn 132 các nhà quản lý giáo dục, giáo viên các cấp và khảo sát diện rộng 12.505 giáo viên các cấp về các nội dung liên quan đến thu nhập, đời sống, áp lực, động lực theo nghề,…  (Thời điểm chính sách tiền lương mới đã có hiệu lực).

Thu nhập tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu chi

Kết quả phỏng vấn các nhà quản lý giáo dục, giáo viên các cấp đều cho rằng kể từ khi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (1-7-2024) đã cải thiện thu nhập giáo viên đáng kể. Tuy nhiên, kết quả khảo sát diện rộng (12.505 giáo viên) lại cho thấy thu nhập của nghề giáo chỉ đáp ứng trung bình 51,87% nhu cầu chi tiêu hàng tháng của gia đình giáo viên đối với nhóm không có làm thêm các nghề phụ. Đối với nhóm giáo viên có làm thêm nghề phụ thì đáp ứng khoản 62,55%. Riêng giáo viên có thâm niên dưới 10 năm đánh giá thu nhập của nghề giáo chỉ đáp ứng trung bình 45,7% nhu cầu chi tiêu hàng tháng của gia đình. 

Phỏng vấn sâu một số giáo viên, đặc biệt là giáo viên trẻ, nhiều thầy, cô tâm sự rằng: "Mặc dù chi tiêu rất tằn tiện nhưng chưa hết tháng đã hết lương, nhiều thầy không dám có bạn gái vì không lấy đâu ra khoản "chi tiêu cho tình phí". Nhiều thầy, cô giáo trẻ đôi lúc dao động muốn chuyển nghề, thậm chí là đi làm công nhân ở các khu công nghiệp lương sẽ cao hơn lương giáo viên trẻ." Và thực tế 3 địa phương trên đều có tình trạng giáo viên bỏ nghề, chuyển sang các công việc khác, trong đó có đi làm công nhân.

Điều khá bất ngờ từ kết quả khảo sát là giáo viên ở khu vực biên giới, hải đảo và nông thôn lại cho rằng với mức thu nhập từ nghề giáo đáp ứng nhu cầu chi tiêu của gia đình cao hơn so với giáo viên ở thành thị, khi tỉ lệ đáp ứng là 62%. Điều này có thể lý giải là do mức sống và mức chi tiêu ở vùng biên giới, hải đảo thấp hơn các vùng khác, trong khi mức lương của giáo viên khu vực này lại có phần phụ cấp cao hơn.

Về đánh giá mức độ áp lực tài chính (Thu nhập từ nghề giáo không trang trải đủ cuộc sống) là điểm bình quân khá cao 3.61/5 (5 là rất áp lực). Trong đó, 44% giáo viên cho rằng họ đang chịu từ áp lực đến rất áp lực. Riêng giáo viên có thâm niên dưới 10 năm đang cảm thấy áp lực hoặc rất áp lực trong vấn đề tài chính là 46,45%. Trong khi đó chỉ có 19% giáo viên cho rằng họ đang thoải mái và rất thoải mái không bị áp lực tài chính.

Áp lực lớn nhất đến từ phụ huynh

Một điều khá bất ngờ từ kết quả khảo sát cho thấy giáo viên ít bị áp lực liên quan đến công việc chuyên môn giảng dạy hay thời gian giảng dạy mà áp lực lớn nhất từ phụ huynh học sinh. Kết quả khảo sát cho thấy có đến 70,21% giáo viên cho rằng họ đang bị áp lực hoặc rất áp lực từ phụ huynh học sinh với điểm trung bình 4,4/5 điểm (5 điểm là rất áp lực). Kết quả khảo sát cũng cho thấy có đến 40,63% giáo viên từng có ý định chuyển nghề do bạo lực tinh thần từ phụ huynh.

Phỏng vấn sâu quý thầy, cô trong Ban giám hiệu, tổ trưởng bộ môn và giáo viên các cấp đều có chung nhận định là hiện nay áp lực từ phía phụ huynh đối với giáo viên đang là vấn đề đáng báo động trong ngành giáo dục. Nhiều phụ huynh đặt kỳ vọng quá cao, thường xuyên can thiệp sâu vào công việc giảng dạy, thậm chí gây áp lực về điểm số. Họ liên tục theo dõi, đặt câu hỏi và yêu cầu báo cáo chi tiết về tình hình học tập của con qua các nhóm Zalo hay Facebook... 

Đáng lo ngại hơn, một số giáo viên còn phản rằng một số phụ huynh còn có những hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến thầy, cô như trực tiếp đến trường gây gổ, chửi bới, thậm chí hành hung giáo viên khi con em họ bị phê bình, nhắc nhở hoặc không đạt điểm cao. Nhiều giáo viên còn phải đối mặt với tình trạng bị đe doạ hay bị bôi nhọ danh dự trên mạng xã hội. Điều này không chỉ khiến đội ngũ giáo viên cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, mất tự chủ và cảm ứng trong công việc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục, đồng thời tạo nên hình ảnh xấu trong mắt học sinh về mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình.

Ngoài ra, các quy định về chuẩn mực nhà giáo, thái độ với học sinh giữ vị trí áp lực thứ 2 khi có đến 63,73% giáo viên cho rằng họ chịu áp lực hoặc rất áp lực với điểm trung bình 4,2/5 điểm.

Không có thời gian cho thể thao, giải trí

Kết quả khảo sát cũng thấy 71,83% giáo viên bị quá tải trong công việc, tỉ lệ này của giáo viên mầm non là 87,65%. Kết quả khảo sát khác cũng cho thấy gần 70% giáo viên mầm non không có thời gian hoạt động thể dục thể thao, giải trí, trong khi 46% giáo viên ở các cấp khác dành dưới 10% thời gian trong ngày cho hoạt động thể dục thể thao, giải trí. Đồng thời, trung bình thời gian giáo viên dành cho chăm sóc gia đình chiếm 15,81% quỹ thời gian. Đáng chú ý, đối với giáo viên hệ mầm non, con số này chỉ bằng khoảng 1/3 so với mặt bằng chung, với 5,25%. Nhiều giáo viên mầm non tâm sự rằng họ cảm nhận nghề của mình còn nặng hơn cả nghề thợ hồ vì nghề thợ hồ còn có giờ nghỉ trưa, trong khi giáo viên mầm non quần quật cả ngày với đàn con trẻ. Trong khi đó, giáo viên các cấp còn lại thì cho rằng họ sợ nhất là các hoạt động ngoài chuyên môn chiếm quá nhiều thời gian của họ.

Gánh nặng mưu sinh, giáo viên phải dạy "chui"

Ngoài hoạt động dạy chính khoá tại trường, vẫn còn tình trạng giáo viên tham gia hoạt động dạy thêm để gia tăng thu nhập. 25,4% giáo viên được khảo sát có thực hiện dạy thêm trong trường và 8,2% có dạy thêm ngoài trường. Việc dạy thêm chủ yếu tập trung vào nhóm các môn học như toán, văn, Anh văn, vật lý, hoá (79,03%). Thời gian dạy thêm của giáo viên cũng tăng dần theo các cấp học, trung bình những giáo viên có dạy thêm ở cấp giáo dục tiểu học là 8,6 giờ/tuần, cấp trung học cơ sở là 13,75 giờ/tuần và cấp phổ thông trung học là 14,91 giờ/tuần.

Các loại hình dạy thêm của giáo viên cũng rất đa dạng từ dạy thêm tại trường, tại nhà, trung tâm, online và trên các kho dữ liệu học tập mở. Việc dạy thêm tại trường chủ yếu là các hoạt động dạy phụ đạo, tăng tiết, ôn thi tốt nghiệp với sự thống nhất tổ chức của nhà trường và phụ huynh học sinh. Dạy thêm tại trung tâm chủ yếu rơi vào nhóm giáo viên phụ trách môn ngoại ngữ. Ngoài ra giáo viên vẫn còn tình trạng dạy thêm tại nhà với các hình thức trực tiếp hoặc online mặc dù việc này vẫn đang bị cấm hiện nay.

Nhiều giáo viên tâm sự rằng ngoài một số trường hợp "con sâu là rầu nồi canh" trong hoạt động dạy thêm. Hiện nay, nhu cầu được học thêm là có thật và chính đáng. Do tình trạng bệnh thành tích nên nhiều trường hợp học sinh yếu vẫn cứ được "tạo điều kiện" để lên lớp hoặc chuyển cấp. Kết quả các học sinh này bị mất gốc, tiếp thu không nổi và kịp kiến thức đang học ở lớp, cảm thấy chán học, trường họp này phụ huynh rất có nhu cầu cho các em được học thêm để củng cố lại kiến thức. 

Thêm vào đó một bộ phận phụ huynh hiện nay cũng đặt kỳ vọng về con mình rất cao nên họ rất muốn con mình phải thêm, đặc biệt là các lớp chuẩn bị chuyển cấp để được vào học các trường tốt. Ngoài ra, hiện nay, nhiều phụ huynh làm công chức hay công nhân, giờ làm việc cố định nên không đón con kịp, họ có nhu cầu nhờ giáo viên đưa đón về nhà, dạy thêm thậm chí là chăm cho các em ăn, uống. Như vậy, nếu thầy, cô dạy bằng cái tâm, họ trò học vì nhu cầu thật sự thì dạy thêm, học thêm là như cần cần thiết và thực tế đang tồn tại.

Trước những nhu cầu có thật này thì giáo viên phải dạy "chui". Điều này theo nhiều giáo viên thừa nhận làm tổn thương nghiêm trọng đến hình ảnh của nhà giáo trong mắt các em học sinh và cả xã hội, nhưng vì "gánh nặng mưu sinh" nên họ buộc phải dạy "chui". Đồng thời, kết quả phỏng vấn sâu quý thầy, cô ban giám hiệu các trường hầu hết đều cho rằng họ biết thầy, cô nào trong trường mình có dạy thêm ở nhà hoặc mướn nơi khác dạy nhưng "ngó lơ", trừ trường hợp nào bị phụ huynh phản ánh ép buộc học thêm hay bị kiện tụng thì họ phải đau đầu xử lý. 

Ngoài ra, các thầy, cô phản ánh hiện nay năng lực phản biện học sinh phát triển, do đó nếu thầy, cô nào "dùng chiêu bắt các em học thêm" các em sẽ phản ứng mạnh. Nhiều thầy, cô lãnh đạo các trường cho rằng với sự phát triển của thông tin hiện nay, nhất là các mạng xã hội thì chuyện "bắt các con sâu" không khó nếu trao cho họ cơ chế rõ ràng với các chế tài đủ mạnh.

Nhiều thầy, cô cũng đặt câu hỏi với nhóm nghiên cứu "Vì sao những ngành nghề khác được làm thêm hợp pháp nhưng nghề giáo thì không?", "Vì sao giáo viên dạy ở trường không được dạy thêm còn giáo viên tự do có thể mở lớp dạy?". Đây là những câu hỏi cần có lời giải. Chính vì vậy, có đến 63,57% giáo viên bày tỏ nguyện vọng được hợp pháp hóa việc dạy thêm, bao gồm cả dạy thêm ở nhà và dạy thêm online để tăng thu nhập từ chính năng lực của mình. Đồng thời, giữ được hình ảnh cao quý của nghề giáo trong mắt học sinh và xã hội còn hơn làm các nghề tay trái ít liên quan đến nghề nghiệp.

Làm đủ việc, từ bán hàng online, giao hàng, Grab

Trước thực trạng thu nhập từ nghề giáo chưa đáp ứng chi tiêu của gia đình, một bộ phận giáo viên đã phải làm thêm các ngành nghề phụ như làm nông nghiệp, kinh doanh nhỏ, bán hàng online, giao hàng,…Số lượng này chiếm 15,33% số giáo viên được khảo sát. Trong số đó, nhiều nhất là canh tác nông nghiệp và bán hàng online. Nhóm làm thêm này rơi nhiều vào giáo viên dạy tiểu học và dạy trung học cơ sở. Mức thu nhập từ các nghề phụ của giáo viên đã góp phần không nhỏ để họ có thể trang trải cuộc sống gia đình, trung bình đóng góp khoảng 12% tổng thu nhập. 

Nghề phụ của giáo viên

Nghề phụ của giáo viên

Khảo sát cũng đề cập đến lý do đến với nghề giáo và động lực bám trụ với nghề. Trong các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn nghề giáo thì yếu tố được miễn học phí được đánh giá cao nhất với điểm số là 4.3/5, kế tiếp là cơ hội việc làm khi ra trường 4.07/5 và yêu thích nghề giáo là yếu tố đứng thứ 3 với điểm số 4.03/5. Điều này cho thấy rằng đa phần thầy, cô giáo chọn giáo viên với lý do yêu nghề.

Kết quả khảo sát cho thấy 94,23% giáo viên cho rằng họ tiếp tục theo đuổi nghề là vì lòng yêu nghề, yêu trò; 91,6% giáo viên cho rằng họ tiếp tục theo đuổi nghề giáo vì lý tưởng bản thân, xem đây là nghề cao quý; chỉ có 49,99% giáo viên chọn tiếp tục theo đuổi nghề giáo vì mức thu nhập hợp lý và 48,75% giáo viên cho rằng tiếp tục theo đuổi nghề vì các chính sách đãi ngộ tốt. Kết quả khảo sát diện rộng trên phù hợp với kết quả phỏng vấn khi nhiều thầy, cô nhận định chính lòng yêu nghề, yêu trò, xem là nghề cao là lý do quan trọng nhất để nhà gắn với nghề chứ không phải thu nhập hay các chính sách đãi ngộ.

Mong muốn ưu đãi về tài chính, giảm tuổi hưu...

Kết quả khảo sát cho thấy chính sách quan trọng nhất được giáo viên mong muốn nhất là ưu đãi về tài chính (vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi dựa vào thâm niên công tác hoặc cam kết số năm công tác đối với giáo viên trẻ) với tỉ lệ 89,18% giáo viên trả lời mong muốn hoặc rất mong muốn. Kế tiếp là việc giảm tuổi hưu được giáo viên lựa chọn với tỉ lệ 83,91%; mong muốn tăng thu nhập đứng vị trí thứ 3 với tỉ lệ 83,57% và giảm các rào cản trong thăng hạng giáo viên được xếp vị trí thứ 4 với tỉ lệ 8,96% giáo viên trả lời mong muốn hoặc rất mong muốn.

Mong muốn các chính sách

Mong muốn các chính sách

Kết quả khảo sát cho thấy giáo viên hài lòng cao nhất với môi trường làm việc (4.03/5 điểm) và hài lòng thấp nhất với mức thu nhập (2.61/5 điểm).

86,91% giáo viên được khảo sát khẳng định sẽ tiếp tục gắn bó với nghề giáo, trong khi 13,09% có ý định bỏ việc.

Nhiều thầy, cô được phỏng vấn cho rằng ban đầu đến với nghề giáo do tác động của các yếu tố chính như được miễn học phí, yêu thích nghề và cơ hội việc làm cao khi ra trường. Đến lúc đi làm thu nhập không đủ trang trải chi tiêu của gia đình và chịu nhiều áp lực nhưng chính tình yêu nghề, yêu trò đã thấm sâu vào máu thịt mỗi người thầy, cô là động lực giúp quý thầy, cô vượt qua mọi thách thức. Kết quả này càng được khẳng định khi có đến 99% giáo viên được phỏng vấn trả lời rằng nếu có cơ hội được chọn lại nghề, họ vẫn sẽ chọn lại nghề giáo.

Viện Phát triển chính sách ĐHQG TP HCM cũng đưa ra một số hàm ý chính sách:

Thứ nhất, chính sách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo.

Dự thảo Luật Nhà giáo đã xác định "lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp". Nhiều thầy, cô được phỏng vấn rất phấn khởi cho rằng đây là quy định đột phá, góp phần gia tăng thu nhập cho nhà giáo, nhất là nhà giáo trẻ, nhà giáo hệ mầm non, giúp họ yên tâm công tác và cống hiến cho giáo dục. Tuy nhiên, nhiều thầy cô cũng lo ngại sẽ chậm triển khai chủ trương đó trên thực tế do thiếu nguồn lực. Chính vì vậy, để đảm bảo tính khả thi trên thực tế cần phải đánh giá tổng thể về khả năng nguồn lực triển khai và đặt trong mối quan hệ với tiến trình về cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW.

Thứ hai, phải đặt việc tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự, thân thể của giáo viên lên hàng đầu và tiếp tục phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo trong bối cảnh mới.

Qua phỏng vấn sâu các giáo viên và nhà quản lý giáo dục tại 3 địa phương trên, hầu hết đều nhận định: "Trong bối cảnh hiện nay, khi mà quyền của học sinh và phụ huynh được đề cao thì dường như quyền của nhà giáo bị hạ thấp, nhất là quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự nói chung và nhân phẩm, danh dự trên không gian mạng nói riêng. Nhiều nhà giáo cũng nhận định rằng công việc dạy học rất nặng nhọc, thu nhập không trang trải đủ cuộc sống gia đình, thì lý do quan trọng nhất để họ gắn bó với nghề giáo là do yêu nghề, yêu trò và xem đây là nghề cao quý. Nếu hình ảnh nghề cao quý ngày càng bị hạ thấp thì khó mà yêu nghề, yêu trò và trụ được với nghề giáo". Vì vậy, theo chung nội dung: Được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự, thân thể khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp ra thành một mục lớn riêng trong Điều 8. Quyền của nhà giáo trong Dự thảo Luật nhà giáo nhằm nhấn mạnh và tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện nhằm bảo vệ nhà giáo. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống tôn sư trọng đạo trong bối cảnh mới, nhất là bối cảnh phát triển của mạng xã hội và chuyển đổi số.

Thứ ba, về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo.

Tán đồng với đề xuất Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất: "Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non, trường lớp dành cho người khuyết tật có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỉ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi". Tuy nhiên, cần cân nhắc thêm các điều kiện để giáo viên các cấp còn lại được nghỉ hưu sớm hơn so với tuổi nghỉ hưu hiện hành tùy thuộc vào sức khoẻ và tâm tư nguyện vọng và được nghỉ việc không hưởng lương đến tối đa 5 năm khi đủ điều kiện đóng bảo hiểm xã hội, nhưng được phép tìm kiếm công việc khác phù hợp hơn với cá nhân để có chi phí sinh hoạt mà không phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội.

Thứ tư, về vấn đề dạy thêm, học thêm.

Cần thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp nhân ngày Pháp luật Việt Nam 7/11/2024: Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Thay vì nghiêm cấm dạy thêm, học thêm chúng ta cần xây dựng cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, cơ chế minh bạch, công khai trong việc dạy thêm để lãnh đạo nhà trường, phụ huynh học sinh và cộng đồng cùng tham giám sát. Đồng thời, phải đặt trong bối cảnh chuyển đổi số của ngành giáo dục và trên nền tảng quản lý trực tuyến với sự thống nhất cả nước. Ngoài ra tập trung các giải pháp từ nhiều bên liên quan để nâng cao chất lượng giảng dạy, giảm tình trạng học thêm không cần thiết thay vì tập trung cấm đoán.

Thứ năm, về các chính sách khác cho nhà giáo.

Cần xem xét ban hành chính sách về ưu đãi về tài chính (vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi dựa vào thâm niên công tác hoặc cam kết số năm công tác đối với giáo viên trẻ). Xây dựng Quỹ hỗ trợ tài chính quốc gia cho giáo viên trẻ, giáo viên các môn đặc biệt, giáo viên tài năng, giáo viên vùng đặc biệt…

Vân Anh/nguồn ĐHQG TPHCM

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top