Ngân hàng thế giới (World Bank-WB), cho biết dự án Phát triển Đại học Quốc gia Việt Nam được thực hiện tại ba cơ sở giáo dục đại học hàng đầu đất nước sẽ góp phần giải quyết một số thách thức chính mà hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hiện đang phải đối mặt. Thông qua khoản tài trợ mới, cơ sở vật chất của các đại học vốn quá tải và cũ kỹ sẽ được nâng cấp hiện đại, tích hợp xanh và sẵn sàng cho chuyển đổi kỹ thuật số. Dự án cũng góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh, đảm bảo phù hợp với các mục tiêu quốc gia được xác định trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi và Chiến lược Phát triển Giáo dục Đại học trong 10 năm sắp tới. Khoản tín dụng này được cung cấp bởi Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA).
ĐHQG TPHCM là một trong ba Tiểu dự án (Dự án) của Dự án phát triển Đại học Quốc gia Việt Nam, đang trong quá trình chuẩn bị để tiếp nhận hỗ trợ tài chính của WB. Đến nay, ĐHQG TPHCM đã có hơn 80 nhóm nghiên cứu mang tầm quốc tế, tiếp cận trình độ của khu vực và thế giới. Số lượng báo cáo có trong danh mục bài báo tại khoa học (ISI) của ĐHQG TPHCM tăng đáng kể với tốc độ trung bình là 40% mỗi năm. Hiện nay ĐHQG TPHCM có gần 60.000 sinh viên và khoảng 8.000 học viên cao học và nghiên cứu sinh.
Mục tiêu của Dự án nhằm phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật trọng điểm và cấp bách, tạo nền tảng để cải thiện chất lượng dạy và học; xây dựng năng lực quản lý để mở rộng quy mô đào tạo, thúc đẩy hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học. Dự án hướng đến phát triển ĐHQG TPHCM thành một khu đô thị đại học bền vững, văn minh, hiện đại và thân thiện với môi trường.
Tổng kinh phí đầu tư Dự án là 116,1 triệu USD, trong đó WB hỗ trợ 98 triệu USD và phần còn lại là vốn đối ứng của ĐHQG TPHCM. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2021 đến năm 2025.
Dự án tập trung vào việc xây dựng các công trình mới trên khu đất 7ha đã được giải phóng mặt bằng từ năm 2012. Nguồn tài trợ của WB chỉ phục vụ cho các hoạt động thi công trên diện tích đất đã được thu hồi này.
Trọng điểm của Dự án là phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, gồm xây dựng Trung tâm nghiên cứu chính sách và Trung tâm nghiên cứu KHXH&NV của ĐHQG TPHCM, Khu nhà điều hành Khoa Y, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH KHXH&NV, Trung tâm nghiên cứu (RIC); phát triển ba tuyến đường chính trong Khu Đô thị ĐHQG TPHCM; nâng cấp phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu cho các Trường ĐH Bách Khoa, Khoa học Tự nhiên, KHXH&NV...
Được biết, Dự án Phát triển các Đại học Quốc gia Việt Nam - Tiểu dự án ĐHQG-HCM vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tại Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 2/6/2020.
Một góc của khu đô thị ĐHQG TPHCM.