• Thứ Ba, 06 tháng 06, 2023
  • 11:54 GMT +7

Nóng: Gợi ý giải đề thi môn ngữ văn tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM

Nguyễn Văn Khuyến
Nguồn: Không xác định
Giaoduc247.vn giới thiệu bài giải gợi ý môn văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM của thầy Nguyễn Văn Khuyến, Giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn (TP HCM).

ĐỀ THI

ĐỂ NHỮNG NGHĨ SUY CẤT LÊN THÀNH LỜI...

Câu 1: (3,0 điểm)

Em hãy đọc bức thư sau:

Em thương mến!

Tuổi trẻ là tuổi giàu nghĩ suy về cuộc sống xung quanh và về những người thân yêu. Thế nhưng đôi khi vì e ngại, em giấu kín những tâm tư của mình; vì sợ hãi, em âm thầm chôn sâu những ước muốn riêng tư, vì chưa đánh giá đúng ý nghĩa của lời nói, em thờ ơ với việc tỏ bày. Để rồi bao nhiêu tình cảm tốt đẹp vụt qua tầm tay. Để rồi nỗi niềm tích tụ ngày một nhiều làm cho tâm hồn nặng trĩu, cuộc sống bớt đi những sắc màu tươi sáng.

Em biết chăng có những lúc tâm tư cần được thể hiện, ước muốn cần được thổ lộ, tình cảm cần được bộc bạch? Nhiều khi nghĩ suy được cất lên thành lời sẽ mang đến sự chia sẻ, cảm thông; sẽ tạo thành mối dây liên kết giữa người với người; sẽ giúp lan truyền những điều tích cực, đẹp đẽ;...

Đó là khi bác sĩ Đặng Thùy Trâm không định trách nhiệm của tuổi trẻ đối với đất nước trong Nhật kí của mình:

Mình cũng như những thanh niên khác đã lên đường ra tiền tuyến, và tuổi trẻ qua đi giữa tiếng bom rơi đạn nổ. Tuổi trẻ của mình đã thấm đượm mô hôi, nước mắt, máu xương của những người đang sống và những người đã chết. Tuổi trẻ của mình đã cứng cáp trong thử thách gian lao của chiến trường, tuổi trẻ của mình cũng đã nóng rực vì ngọn kia căm thù đang ngày đêm hun đốt.

Đó là khi nhà thơ Lưu Quang Vũ day dứt vì những lỗi lầm ngày thơ bé trong bài thơ Gửi mẹ:

Mẹ ơi nếu con được sống lại tuổi thơ

Con sẽ chẳng bao giờ mải chơi trốn học

Đứa con trai nhiều lỗi lầm ương ngạnh

Sẽ không lần nào làm mẹ xót xa.

Đó là khi triết gia nhỏ xinh Bao Nakashima chia sẻ về sự độc đáo của bản thân trong tác phẩm Mắt kính không vướng bụi:

Tớ không trở thành ai khác.

Không ai khác có thể trở thành tớ.

Em hãy nhớ rằng không phải nghĩ suy nào cũng cần cất lên thành lời nhưng có những nghĩ suy nhất định phải nói ra. Để bày tỏ cảm xúc. Để giải tỏa tâm trạng. Để bộc lộ cái tôi riêng biệt của bản thân. Để hiểu nhau và thương nhau nhiều hơn.

Luôn có những người chờ đợi để được lắng nghe em.

Cô giáo của em

Thực hiện các yêu cầu:

a. Dựa vào bức thư, hãy chỉ ra ít thất hai lợi ích của việc để những nghĩ suy cất lên thành lời. (0,5 điểm)

b. Tìm một thành phần biệt lập trong đoạn thơ của Lưu Quang Vũ. (0,5 điểm)

c. Lời chia sẻ của bác sĩ Đặng Thùy Trâm giúp em hiểu gì về tuổi trẻ Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh? (1,0 điểm)

d. Em có thích cách suy nghĩ của triết gia nhỏ xinh Bao Nakashima: Tớ không trở thành ai khác/Không ai khác có thể trở thành tớ? Vì sao? Trả lời trong khoảng 4 – 6 dòng (1,0 điểm)

Câu 2: (3,0 điểm)

Trên đường đời một lần tôi vấp ngã

Có cảnh tay nâng đỡ giúp tôi ngồi

Tôi xuýt xoa. Quên cảm ơn. Là lúc

Ngẩng mặt lên. Người ấy đã đi rồi.

(Lê Minh Quốc, Từng ngày ba mẹ thỏ theo con, NXB Kim Đồng, 2022)

Từ ý thơ trên và từ những trải nghiệm cuộc sống, hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) với nhan đề: Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời...

Câu 3: (4,0 điểm)

Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1

Em hãy viết bài văn nghị luận về một khổ thơ hoặc đoạn thơ khiến em nghĩ suy về tình yêu nước của con người Việt Nam và muốn cất lên những lời ngợi ca tình yêu ấy. Từ đó cho biết tác động của khổ thơ hoặc đoạn thơ đó đối với em.

Đề 2

Câu lạc bộ Lớn lên cùng sách

THÔNG BÁO

Chủ để sinh hoạt tháng 6:

TRÒ CHUYỆN CÙNG SÁCH

Các bạn hãy gửi bài viết về Câu lạc bộ theo yêu cầu sau:

- Chọn một tác phẩm hoặc đoạn trích viết về đề tài tình cảm gia đình.

- Viết bài văn nghị luận trình bày những suy nghĩ của bạn về tình cảm gia đình trong tác phẩm hoặc đoạn trích ấy. Qua đó chia sẻ đôi điều về cách bạn trò chuyện và thấu hiểu (cách đọc) tác phẩm hoặc đoạn trích mà bạn chọn.

- Hạn cuối nộp bài 10 giờ 00 phút, ngày 06/6/2023

Chủ nhiệm CLB

BÀI GIẢI GỢI Ý

Câu 1:

a) Dựa vào bức thư, hãy chỉ ra ít nhất hai lợi ích của việc để những suy nghĩ cất lên thành lời.

- Sẽ mang đến sự chia sẻ, cảm thông;

- Sẽ tạo thành mối dây liên kết giữ người với người;

- Sẽ giúp lan truyền những điều tích cực đẹp đẽ;

- Để bày tỏ cảm xúc, để giải toả tâm trạng...

b) Tìm một thành phần biệt lập trong đoạn thơ của Lưu Quang Vũ

- Thành phần gọi đáp: Ơi

c) Lời chia sẻ của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm giúp em hiểu gì về tuổi trẻ Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh?

- Tuổi trẻ Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh là thế hệ có lý tưởng sống và khát vọng cao đẹp. Họ ý thức được vai trò và trách nhiệm với quê hương đất nước. Sẵn sàng hiến dâng, dấn thân, hi sinh quên mình cho quê hương đất nước. Có trái tim yêu nước nồng nàn. Đó là tuổi trẻ anh hùng.

Lưu ý: Có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau, miễn sao hợp lí.

d) Em có thích cách suy nghĩ của triết gia nhỏ xinh Bao Nakashima: Tớ không trở thành ai khác/ Không ai khác trở thành tớ? Vì sao? Trả lời trong khoảng 4-6 dòng.

Học sinh viết được đoạn văn ngắn nêu suy nghĩ lí giải hợp lý. Học sinh có thể có những cách diễn đạt khác nhau, giám khảo tuỳ theo mức độ nhận thức để cho điểm phù hợp.

Em rất thích cách suy nghĩ của triết gia nhỏ xinh Bao Nakashima: Tớ không trở thành ai khác/ Không ai khác trở thành tớ. Vì cách suy nghĩ ấy cho ta thấy bản thân mỗi chúng ta phải ý thức mình là ai? Mình đặc biệt như thế nào, phải có niềm tin vào bản thân. Khi đó, ta mới phát huy năng lực và giá trị. Hãy là một bản gốc không phải là bản sao của ai khác. Khi ấy chúng ta sẽ tự tin, vững bước trên mọi khó khăn thử thách, giúp ta sống thực với bản thân để thoả sức đam mê và sáng tạo, giúp ta vươn tới thành công trong cuộc sống công nghệ số. Tuy nhiên, chúng ta cần biết tiếp thu và chuyển hoá thành chính mình một cách có chọn lọc và phù hợp nhất. Tục ngữ Ấn Độ có câu “Điều quan trọng không phải là mình hơn người khác mà là mình hôm nay hơn chính mình hôm qua”. Thế giới đang ca ngợi thông điệp tôn trọng sự khác biệt. Hãy sống hoà nhập với cộng đồng, nhưng đừng đánh mất chính mình.

HS có thể chọn cách lý giải khác miễn sao thuyết phục.

Câu 2:

a. Yêu cầu về kĩ năng:

- Nắm vững phương pháp viết đoạn văn;

- Bố cục và hệ thống ý rõ ràng;

- Lời văn trôi chảy, không mắc lỗi diễn đạt, không sai lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp, trình bày bài rõ ràng.  

b. Yêu cầu về kiến thức:

Có thể đưa ra nhiều suy nghĩ, quan điểm khác nhau về vấn đề. Sau đây là một hướng giải quyết đề bài.

Mở bài:

Giới thiệu vấn đề nghị luận:

“ Có gì đẹp trên đời hơn thế

Người yêu người sống để yêu nhau.”

Trong cuộc sống, ta cảm nhận được được hạnh phúc là khi được sẻ chia, được yêu thương. Cuộc sống đẹp biết bao khi được thấu hiểu, trao đi và nhận lại.  Và “Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời…” ta lấy gì để cảm thông nhau?

Thân bài:

- Giải thích:

+ Trong cuộc sống sẽ có lúc chúng ta nhận được những tình cảm tốt đẹp, những sẻ chia, động viên đúng lúc; sự giúp đỡ khi cần thiết… Đấy là lúc lòng cảm kích, hồi đáp nhanh nhất có lẽ là lời tri ân chân thành.

+ Hay khi ta dành một tình cảm yêu mến, trân trọng, sự quan tâm tới một ai đó thì ngôn ngữ yêu thương là cần thiết. 

Vậy nên, những suy nghĩ tốt đẹp cần được cất thành lời.

- Bàn luận:

+ Ông bà ta nói “ Lời nói gói vàng”, sức mạnh của lời nói thật kì diệu,  những lời yêu thương, truyền cảm hứng, động lực luôn mang lại năng lượng tích cực, giúp ta phấn chấn, thêm nghị lực, thêm niềm tin để vượt ra những khó khăn, thử thách.

+ Có đôi khi ta chưa kịp nhận ra những chân tình, yêu thương, chưa kịp bày tỏ thành lời. Hay đôi khi ta chưa đủ tự tin, diễn đạt để cất lời yêu thương. Hãy dùng hành động để thay ngôn ngữ nói, những quan tâm, những chăm sóc, biến yêu thương thành hành động sẽ không kém phần hiệu quả. “ Của cho không bằng cách cho”.

+ Và tuyệt vời hơn khi chúng ta có thể “ lời nói đi đôi với việc làm”. Lời nói yêu thương kèm theo cử chỉ hành động trân trọng, bảo vệ, trách nhiệm thì tình yêu thương sẽ đong đầy, thiết thực hơn.

Bốn câu thơ của Lê Minh Quốc gợi chúng ta nhớ:

Có khi nào trên đường đời tấp nập

Ta vô tình đã đi lướt qua nhau

Bước lơ đãng không ngờ đang để mất

Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu.

Cái bi kịch đẹp đẽ của cuộc đời đôi khi là những suy nghĩ tốt đẹp không được nói lên thành lời. Có phải sự im lặng của bốn câu thơ sau là một hình ảnh sâu lắng và thơ mộng:

Rồi bỗng ngừng vui cùng lẵng lặng

Nhìn nhau bình thản lúc ra đi

Nhưng trong khoảnh khắc thờ ơ ấy

Thấy cả muôn đời hận biệt ly

(Thế Lữ, Giây phút chạnh lòng)

Quên cảm ơn, người ấy đã đi rồi.

Ý thơ này làm chúng ta nhớ đến những câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm:

Ta đã đi qua những năm tháng không ngờ

Vô tư quá để bây giờ xao xuyến

Bèo lục bình mênh mang màu mực tím

Nét chữ thiếu thờ trôi nhanh như dòng sông…

+ có những vội vàng lướt qua nhau để sau còn tiếc mãi

+ có những lời nói vô tình làm tổn thương nhau

- Bài học nhận thức và hành động:              

+ Nhận thức được sự cần thiết của việc trao đi yêu thương, dù lời nói hay hành động cũng cần sự chân thành.

+ Trân trọng thời gian và những tình cảm tốt đẹp mà ta trao cho nhau.

Biết lựa lời mà nói, biết chịu trách nhiệm với lời mình nói và hơn hết biết trao đi những thông điệp tích cực, làm cuộc sống chúng ta thêm tươi đẹp, người với người thấu hiểu, gần nhau hơn.

Kết bài:

Khẳng định lại vấn đề.

c. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo; thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 3:

Đề 1:

Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Nghị luận về đoạn thơ

Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

* Yêu cầu về kĩ năng

- Học sinh bết cách làm bài văn nghị luận văn học  nghị luận thơ.

- Bài viết có bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ.

- Diễn đạt mạch lạc, có cảm xúc, sáng tạo, hạn chế tối đa các lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

*Yêu cầu về kiến thức

Đề bài mang tính nghị luận, cảm nhận về một khổ thơ, đoạn thơ về tình yêu nước của con người Việt Nam, học sinh có thể bộc lộ quan điểm của mình theo những cách lựa chọn ngữ liệu nhưng cần hợp lí, chặt chẽ và thuyết phục. Có thể chọn một số ngữ liệu sau:

Đề 1:

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: triển khai vấn đề nghi luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

Đây là dạng đề mở. Dựa vào vốn văn hoá đọc của mình, hoc sinh tự do lựa chọn một đoạn thơ, khổ thơ viết về về một khổ thơ, đoạn thơ về tình yêu nước của con người Việt Nam Sau đây là hướng giải quyết đề bài:

- Giới thiệu vấn đề nghị luận (tác giả, đoạn thơ/ khổ thơ)

- Cảm nhận đoạn thơ, khổ thơ được chọn: phần cảm nhận phải thấu đáo, hợp lí, kết hợp hài hoà giữa cảm nhận vẻ đẹp của nội dung tư tưởng (đề tài, chủ đề, cảm hứng, thông điệp,...) và vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật (thể thơ, vần, nhịp, hình ảnh, từ ngữ, biện pháp tu từ,...) cảm xúc của bài viết phải chân thành, hướng tới các giá trị tốt đẹp, khiến cho người đọc thấy được người viết thật sự ấn tượng về văn bản mình đang cảm nhận.

- Nêu ra những tác động của khổ thơ, đoạn thơ đối với mình; đó phải là những tác động tích cực, nhân văn. Ví dụ: giúp mình thêm yêu quê hương, đất nước muốn gìn giữ gìn và bảo vệ, xây dựng đất nước,...

-  Khái quát, đánh giá, khẳng định vấn đề.

Một số gợi ý:

-HS có thể chọn một khổ hoặc đoạn thơ trong bài Nói với con của Y Phương. Một khổ hoặc đoạn thơ trong bài Đồng chí của Chính Hữu. Một khổ hoặc đoạn thơ trong bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Một khổ hoặc đoạn thơ trong bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải...

-Sau đây là gợi ý về hai khổ thơ cuối trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.

MỞ BÀI

Phạm Tiến Duật là nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Ông viết nhiều về người lính đặc biệt là những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Tiêu biểu là bài thơ "Bài thơ về tiểu đội xe không kính". Bài thơ đã khắc hoạ thành công hình ảnh những chiếc xe không kính và hình ảnh những chiến sĩ lái xe Trường Sơn với tư thế ung dung hiên ngang, bất chấp mọi khó khăn gian khổ, luôn lạc quan yêu đời, có lí tưởng chiến đấu cao đẹp. Đặc biệt tình yêu nước cháy bổng được thể hiện rõ nét qua hai khổ thơ cuối của bài thơ:

                              (Trích thơ)

THÂN BÀI

Nếu như những khổ thơ đầu là hiện thực của khốc liệt chiến tranh làm chiếc xe bị tàn phá nặng nề, méo mó. Từ đó làm toát lên vể đẹp dũng cảm hiên ngang, ung dung tự tại, bất chấp gian khổ của người lính lại xe thì đến với hai khổ cuối tình yêu nước đước thể hiện sâu sắc, đậm nét.

-Tình yêu nước bắt nguồn từ tình cảm người lính gắn bó nhau như anh em trong một nhà:

                   “Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy

Võng mắc chông chênh đường xe chạy

Lại đi, lại đi trời xanh thêm”

- Trong giây phút nghỉ ngơi ngắn ngủi, khái niệm gia đình được định nghĩa rất giản đơn “chung bát đũa….gia đình đấy”.Cái định nghĩa về gia đình thật lính, thật tếu mà tình cảm lại rất chân tình, sâu nặng. Họ thoải mái trò chuyện và thân thiện như anh em một nhà để rồi tình cảm thân thương ấy tiếp sức cho họ “lại đi…xanh thêm”. Câu thơ bay bổng phơi phới” thật lãng mạn, thật mộng mơ.

- Bếp Hoàng Cầm, loại bếp dã chiến dùng trong lúc hành quân, được đưa vào thơ rất tự nhiên, gợi lên cái kỉ niệm ấm áp thân ái của tình đồng đội.

- Điệp ngữ “lại đi” khẳng định đoàn xe không ngừng tiến tới, khẩn trương và kiên cường hướng về phía trước. “Trời xanh” là cái xanh của thiên nhiên, của sắc trời nhưng còn là màu xanh của hy vọng, màu xanh của tuổi trẻ.

Khổ cuối:

- Những người lái xe đã họp lại thành tiểu đội xe không kính, nhưng cuộc chiến đấu còn đưa họ đến những cái “không có” khác:

“Không có kính, rồi xe không có đèn

Không có mui xe, thùng xe có xước

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim”

- Hai câu đầu dồn dập những mất mát, khó khăn. Điệp ngữ “không có” như nhân lên thử thách khốc liệt. Hai câu thơ tiếp theo âm điệu đối lập hẳn: trôi chảy, êm ái, nhẹ nhàng. Vậy là đoàn xe vượt lên trên tất cả khó khăn để tiến lên phía trước với một tình cảm thiêng liêng “vì miền Nam”.

- Đặc biệt nhất là hình ảnh “trong xe có một trái tim”, thì ra sức mạnh của đoàn xe là một trái tim gan góc kiên cường, chứa chan tình yêu thương. Đó là tình yêu Tổ quốc, tình cảm với miền Nam. Như thế sức mạnh chiến thắng không phải là vũ khí mà là con người. Ở đây trái tim cầm lái điều khiển những chiếc xe không kính. Hình ảnh ẩn dụ “trái tim” thể hiện tình cảm yêu nước lớn lao, dẫu ô cửa trống toang, trái tim vẫn cầm lái vững vàng.

*** Tác động đến em:

Giúp em thấy được cuộc sống chiến đấu gian khổ ở Trường Sơn vô cùng ác liệt, vẻ đẹp của người lính lái xe thời chống Mỹ: dung cảm, yêu nước, lạc quan, tình đồng đội thắm thiết => Bồi đắp trong em tình cảm yêu nước, yêu bạn bè, trân quý hòa bình, yêu cuộc sống hôm nay. Biết ơn sự hi sinh của các thế hệ cha anh, em muốn một lần được đến Trường Sơn, thăm nghĩa trang liệt sĩ để tưởng niệm các chiến sĩ đã hi sinh.

Hiện tại, em nổ lực học tập, trau dồi rèn luyện đạo đức, rèn luyện kĩ năng để góp phần xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.

III. KẾT BÀI:

- Bài thơ có chất giọng rất trẻ, rất lính, sôi nổi, chất giọng ấy bắt nguồn từ tâm hồn phơi phới của người chiến sĩ Việt Nam. Những người có phong thái ung dung, hiên ngang, bất chấp gian khổ luôn tiến lên phía trước.

- Bài thơ còn khẳng định phong cách rất riêng của Phạm Tiến Duật: sử dụng ngôn từ, nhạc điệu sáng tạo bất ngờ, hình ảnh chi tiết chọn lọc, giọng thơ ngang tàng nhưng bay bổng lãng mạn.

c. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả. dùng từ, đặt câu.

Đề 2:

Đây là đề mở, Hs có thể chọn một tác phẩm truyện, thơ hoặc một đoạn trích mình yêu thích, phù hợp với chủ đề tình cảm gia đình, Sau đó trình bày được cách mình trò chuyện cùng tác phẩm. Những thông điệp, ý nghĩa mà tác phẩm mang lại cho em. ( Tác phẩm và đoạn trích không giới hạn trong chương trình Ngữ Văn 9, đó là một lợi thế cho các bạn yêu thích đọc sách)

Gợi ý: Tác phẩm Nói với con – Y Phương.

 I.  Mở bài: 

“ Ba sẽ là cánh chim, đưa con đi thật xa” (Cho con – Phạm Trọng Cầu). Gia đình là chiếc nôi, là điểm tựa để nuôi lớn đời ta. Mượn lời nói với con gái nhỏ, Y Phương gợi về cuội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người; bộc lộ niềm tự hào về truyền thống cần cù, sức sống bền bỉ, mạnh mẽ của quê hương và dân tộc mình. Lời tâm tình chân thành mộc mạc mà sâu sắc của người cha hiền từ, là điểm tựa tinh thần vững chắc cho con bước vào đời. Tình cảm gia đình là điều thiêng liêng nhất của loài người. Gia đình là cái nôi và là môi trường sống đầu tiên góp phần quyết định nên nhân cách và tài năng của một con người. Gia đình cũng là một tế bào quan trọng của một đất nước và của thế giới. Có một tác phẩm mà qua đó chúng ta có thể thấy được tình cảm gia đình được thể hiện một cách tính tế, sâu sắc, và cảm động đó là đoạn thơ Nói với con. Đoạn thơ đã thể hiện rõ đề tài tình cảm gia đình và để lại cho người đọc nhiều thông điệp ý nghĩa.

II. Thân bài

“Thơ là người thư ký trung thành của những trái tim" (Đuy - Be – lay), là hành trình "Đi từ trái tim để đến với trái tim" (Ple – Kha - Nốp).

Giới thiệu khái quát:

Nhà thơ Y Phương - người dân tộc Tày với phong cách thơ mộc mạc, giản dị, hồn nhiên đã thể hiện chân thành xúc động qua bài thơ tiêu biểu“Nói với con”. Bài thơ thể hiện tình yêu thương con thắm thiết của một người cha, niềm tự hào về quê hương và niềm mong ước con sẽ kế thừa truyền thống tốt đẹp của quê hương. Trong bài thơ lời dặn dò đầy yêu thương của người cha là những thanh âm tha thiết, đặc biệt là đoạn trích sau để lại nhiều cảm xúc trong lòng người đọc:

                   “Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.”

Luận điểm: Chủ đề tình cảm gia đình trong đoạn trích

Con lớn lên trong sự yêu thương của cha mẹ và sự đùm bọc của quê hương

+ Nhịp thơ 2/3, cấu trúc đối xứng, phép điệp ngữ, tạo ra một âm điệu tươi vui, quấn quýt: “chân phải” – “chân trái”, rồi “một bước” – “hai bước”, rồi lại “tiếng nói” – “tiếng cười”….

+ Hình ảnh cụ thể, giàu chất thơ kết hợp với nét độc đáo trong tư duy, cách diễn đạt của người miền núi, bốn câu thơ mở ra khung cảnh một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, đầy ắp niềm vui, đầy ắp tiếng nói cười.

(+ Lời thơ gợi vẽ ra trước mắt người đọc hình ảnh em bé đang chập chững tập đi, đang bi bô tập nói, lúc thì sa vào lòng mẹ, lúc thì níu lấy tay cha.

+ Ta có thể hình dung được gương mặt tràn ngập tình yêu thương, ánh mắt long lanh rạng rỡ cùng với vòng tay dang rộng của cha mẹ đưa ra đón đứa con vào lòng.

+ Từng câu, từng chữ đều toát lên niềm tự hào và hạnh phúc tràn đầy. Cả ngôi nhà như rung lên trong “tiếng nói”, “tiếng cười” của cha, của mẹ. Mỗi bước con đi, mỗi tiếng con cười đều được cha mẹ đón nhận, chăm chút mừng vui. Trong tình yêu thương, trong sự nâng niu của cha mẹ, con lớn khôn từng ngày.)

-> Gia đình yêu thương chính là chiếc nôi đầu tiên nuôi con khôn lớn, là cội nguồn sinh dưỡng quan trọng nhất của cuộc đời mỗi người.

=> Lời thơ ngay từ đầu đã chạm đến sợi dây tình cảm gia đình sâu kín của mỗi con người nên tạo được sự đồng cảm, rung động sâu sắc đến độc giả.

__  Con lớn lên trong cuộc sống cần cù, tươi vui của người đồng mình. (3 dòng tt)

Người đồng mình yêu lắm, con ơi!

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát.

- Quê hương hiện ra qua hình ảnh của người đồng mình = là những người bản mình, người vùng mình, người dân quê mình gần gũi, thân thương.

- Cách gọi như thế, cùng với hô ngữ “con ơi” khiến lời thơ trở nên tha thiết, trìu mến.

- Những con người đáng yêu, đáng quý: “Đan lờ cài nan hoa – Vách nhà ken câu hát”.

+ Cuộc sống lao động cần cù và tươi vui: Những nan nứa, nan tre dưới bàn tay tài hoa của người quê mình đã trở thành “nan hoa”. Vách nhà không chỉ ken bằng tre, gỗ mà còn được ken bằng những câu hát si, hát lượn.

+ Các động từ “cài”, “ken” vừa miêu tả chính xác động tác khéo léo trong lao động vừa gợi sự gắn bó, quấn quýt của những con người quê hương trong cuộc sống lao động.

-> Cái “yêu lắm” của “người đồng mình” là gì nếu không phải là cốt cách tài hoa, là tinh thần vui sống? Phải chăng, ẩn chứa bên trong cái dáng vẻ thô mộc là một tâm hồn phong phú, lãng mạn biết bao?

-  Con lớn lên từ rừng núi quê hương thơ mộng, nghĩa tình. (4 dòng cuối)

+ Quê hương với những con người tài hoa, tâm hồn lãng mạn,cũng là quê hương với thiên nhiên thơ mộng, nghĩa tình:

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng.

- Hình ảnh “hoa” để nói về cảnh quan của rừng, gợi về những gì đẹp đẽ và tinh tuý nhất.

+ Hoa: có thể là hoa thực - như một đặc điểm của rừng

+ Chính những gì đẹp đẽ của quê hương đã hun đúc nên tâm hồn cao đẹp của con người ở đó. Quê hương còn hiện diện trong những gì gần gũi, thân thương.

- “Con đường cho những tấm lòng”. Điệp từ “cho” mang nặng nghĩa tình. Thiên nhiên đem đến cho con người những thứ cần để lớn, giành tặng cho con người những gì đẹp đẽ nhất. Thiên nhiên đã che chở, nuôi dưỡng con người cả về tâm hồn và lối sống.

-> Bằng cách nhân hoá “rừng” và “con đường” qua điệp từ “cho”, người đọc có thể nhận ra lối sống tình nghĩa của “người đồng mình”. Quê hương ấy chính là cái nôi để đưa con vào cuộc sống êm đềm.

- Sung sướng ôm con thơ vào lòng, người cha nói với con về kỉ niệm có tính chất khởi đầu cho hạnh phúc gia đình:

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

=> Mạch thơ có sự đan xen, mở rộng: từ tình cảm gia đình mà nói tới quê hương.

=> Đoạn thơ vừa là một lời tâm tình ấm áp, vừa là một lời dặn dò đầy tin cậy của người cha trao gửi tới con.

2. Đánh giá chung

- Giọng điệu thiết tha, trìu mến (thể hiện rõ nhất ở các lời gọi mang ngữ điệu cảm thán, lời tâm tình, dặn ò…)

- Thể thơ tự do, mạch cảm xúc tự nhiên. Xây dựng các hình ảnh cụ thể mà có tính khái quát,  mộc mạc mà vẫn giàu chất thơ. Các biện pháp tu từ so sánh, điệp ngũ kết hợp với những câu thơ ngắn dài khác nhau góp phần diễn  tả cuộc sống, cách suy nghĩ, cách thể hiện tình cảm của người miền núi.

- Bố cục chặt chẽ, sử dụng nhiều thành ngữ gần gũi, giản dị như lời nói thường ngày của người miền núi.

3. Trò chuyện và thấu hiểu cùng tác phẩm:

- “Mỗi bài thơ hay là một cánh cửa mở cho tôi đi vào một tâm hồn”( Hoài Thanh – Hoài Chân)  Vậy nên đọc thơ là ta được trò chuyện, gặp gỡ một tâm hồn đẹp, giàu xúc cảm. Để từ đó chạm đến trái tim ta, để ta được nuôi dưỡng tâm hồn mình thêm phong phú, giàu yêu thương. Đọc tác phẩm hay không chỉ cho ta những thông điệp hay, giá trị sống và bài học trải nghiệm ý nghĩa được cô đọng, hàm súc, chắt chiu và gửi gắm từ tác giả. Đọc một tác phẩm hay còn giúp ta chiêm nghiệm tâm hồn mình, chữa lành những nhỏ nhen, bồi đắp nhận thức, tình cảm, tốt đẹp và gợi nên những hành động đúng đắn.

- Thế nên khi đọc một tác phẩm, chúng ta được đồng sáng tạo cùng với tác giả. Hãy biến những thông điệp hay của tác phẩm thành việc thực hành trong cuộc sống, học tập và làm việc. Đó cũng là cách để tác phẩm sống mãi và việc đọc của chúng ta thêm bổ ích.

III. Kết luận:

- Bài thơ Nói với con được sáng tác theo thể thơ tự do, giọng điệu thiết tha, trìu mến, hình ảnh cụ thể mà có tính khái quát, mộc mạc mà vẫn gợi cảm, giàu chất thơ, cách dẫn dắt tự nhiên : từ tình cảm gia đình mở rộng tình yêu quê hương, từng những kỉ niệm gần gũi thiêng liêng mà nâng lên thành lẽ sống.

- Tìm hiểu và cảm nhận được tình cảm hạnh phúc của gia đình, của người cha giàu tình yêu thương con giúp em hiểu hơn giá trị của tình cảm gia đình. Đọc bài thơ, em thêm trân trọng điểm tựa tinh thần mình đang có và càng mong muốn góp phần bảo vện chiếc nôi hạnh phúc ấy.

- Tình cảm và hạnh phúc gia đình là mục đích sống đầu tiên và là cuối cùng của một con người.

Nguyễn Văn Khuyến

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top