• Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2020
  • 12:00 GMT +7

Sẽ thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS

Theo LÊ NGÂN, báo Nhân dân điện tử
Nguồn: Không xác định
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, năm 2021, sẽ xây dựng Đề án thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng (Ảnh: Duy Linh).

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng (Ảnh: Duy Linh).

Mô hình 9+: Giúp đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS

TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho biết, theo Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 24), Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: “Đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở” (mô hình 9+). 

Đang được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc. 9+ là mô hình đào tạo trình độ cao đẳng liên thông từ trung cấp dành cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS). 

Theo đó, người học sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp có thể tham gia ngay vào thị trường lao động, hoặc tiếp tục học liên thông ngay để nhận bằng cao đẳng cùng ngành, nghề đào tạo. 

Chương trình được thiết kế tổng thể bảo đảm người học khi chuyển từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng không phải học lại những nội dung đã học.

Trong thời gian học trung cấp, học sinh được học thêm chương trình văn hóa trung học phổ thông (THPT) theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để bảo đảm cho học sinh có đủ điều kiện tiếp tục học liên thông lên trình độ cao đẳng. Thời gian đào tạo được thiết kế bảo đảm phù hợp với quy định của Luật GDNN, các điều kiện bảo đảm chất lượng và giảm tải cho người học.

Thực hiện tốt mô hình 9+ sẽ giúp đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS, giảm lãng phí nguồn lực xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; góp phần tích cực thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018.

Tổng cục GDNN, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các trường xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo theo quy định của Luật GDNN, 

Hiện nay, nhiều trường cao đẳng tuyển học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp, đồng thời giảng dạy thêm chương trình văn hóa THPT để học sinh có thể học liên thông lên trình độ cao đẳng như: Cao đẳng Công nghiệp Huế, Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên, Cao đẳng cơ giới Ninh Bình, Cao đẳng giao thông vận tải TƯ 1, Cao đẳng Cơ điện Hà Nội…

Năm 2021, Tổng cục GDNN sẽ xây dựng Đề án thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông Trần Thanh Hải (Ảnh: Duy Linh).

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông Trần Thanh Hải (Ảnh: Duy Linh).

Hướng đi sự nghiệp hợp lý

Ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông, cho biết, cơ sở này đã ký hợp tác liên thông với trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Chỉ thị 24 đã đề cập đến vấn đề thực hiện đào tạo nghề nghiệp cho hệ 9+. Vì thế, nhà trường có thể tập trung đào tạo tốt ở hệ này.

Thầy Trần Thanh Hải cho biết, hiện nay, sau khi tốt nghiệp THCS, THPT, học sinh lựa chọn đi học các cơ sở GDNN. Đây là một lựa chọn và hướng đi sự nghiệp hợp lý, nếu các em chấp nhận rằng, “cuộc chơi” của mình không cần tới tấm bằng đại học. 

Khi không học đại học, các em có thể học tại cơ sở GDNN, rồi sau đó vừa đi làm, vừa liên thông lên đại học. Với kinh nghiệm của thầy Trần Thanh Hải, chính những học sinh học liên thông, vừa học vừa đi làm sẽ học rất tốt ở những lớp của trường. Đây là hướng đi hoàn toàn phù hợp các quy định của pháp luật, được Quốc hội khuyến khích, bởi quá trình học tập của mỗi người là học tập suốt đời.

Nói về những khó khăn, vướng mắc nào trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống chất lượng giáo dục ở các cơ sở GDNN, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh, Chị thị 24 đã tạo ra luồng gió mới cho hệ thống GDNN và đặc biệt là cho các cơ sở đào tạo.

Để thực hiện được Chỉ thị này, chúng ta cần chuẩn hóa chương trình giáo dục, cũng như chứng chỉ nghề nghiệp. Các cơ sở GDNN hiện đang trông đợi rất nhiều ở Chỉ thị 24.

Cả nước hiện có gần 2.000 cơ sở GDNN. Nhiều cơ sở thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó nhưng cơ sở không bảo đảm chất lượng, dẫn đến ảnh hưởng đến các cơ sở khác.

Trong khi chờ đợi chuẩn hóa, Trường Cao đẳng Viễn Đông thực hiện liên kết với các tổ chức cơ sở đào tạo nước ngoài đã được chuẩn hóa như Mỹ, Đức.... Thông qua liên kết, các cơ sở này sẽ chuyển giao các chương trình đã được chuẩn hóa của họ cho nhà trường.

Theo ông Trần Thanh Hải, cần thừa nhận chất lượng đào tạo của các cơ sở thông qua chất lượng nhân lực đầu ra cũng như chất lượng của các chương trình đã thừa nhận ở nước ngoài.

Về băn khoăn liệu học sinh mới tốt nghiệp THCS đi học nghề xong có được DN tuyển dụng, TS Trương Anh Dũng cho hay, đây là chính sách hết sức quan trọng của Nhà nước và đã có từ năm 2016. Đặc biệt, Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua, đã có những chính sách miễn học phí cho các bạn học sinh đi học trung cấp nghề sau khi tốt nghiệp THCS. 

Đây là một trong những giải pháp quan trọng để chúng ta thực hiện phân luồng sau THCS. Với chương trình này, các bạn học THCS học thẳng trung cấp để lấy bằng trung cấp sau đó đi làm.

Các bạn có thể học song song, vừa học trung cấp nghề vừa học văn hóa. Sau đó, các bạn có thể học liên thông lên trình độ cao đẳng. Thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã thực hiện việc này. 

Rất mừng là, thời gian vừa rồi, phần lớn các trường cao đẳng, trung cấp hiện nay đang thực hiện tuyển sinh đầu vào là trung học sơ sở. Và một nửa trong số đó là các bạn có nhu cầu liên thông lên cao đẳng, đại học. 

Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ còn mở thêm một hướng nữa. Đó là tùy theo điều kiện của từng địa phương, có thể miễn thêm cả phần học phí học văn hóa cho học sinh THCS, tiếp tục thúc đẩy phân luồng. Nhiều địa phương cũng đã triển khai việc này.

Phụ huynh và học sinh cũng có thể yên tâm là, sau khi học xong chương trình trung cấp nghề, với những ngành nghề phổ biến, người học sẽ được DN tạo điều kiện, tuyển dụng theo quy định trong Bộ luật Lao động. 

Theo LÊ NGÂN, báo Nhân dân điện tử

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top