• Thứ Hai, 05 tháng 07, 2021
  • 17:50 GMT +7

Thi tốt nghiệp THPT 2021: Đừng chủ quan với những câu hỏi dễ

Theo NLĐO
Nguồn: Không xác định
Bình tĩnh, đọc kỹ đề thi, không chủ quan, không làm mất đểm ở những câu hỏi dễ… là những lưu ý của các giáo viên đối với thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Trong 2 ngày 7 và 8/7, thí sinh trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Để làm tốt bài thi, thí sinh cần lưu ý với những dặn dò của các giáo viên khi làm bài thi.

Môn Toán:

Trước khi bước vào phòng thi luôn giữ cho mình tâm lý thoải mái và thư giãn.

Khi nhận đề thi phải kiểm tra kỹ đề thi có đủ số trang, chữ in trên đề thi có mờ nhòe hay không, sau đó kiểm tra lại mã đề và số báo danh khi tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Tiếp theo chúng ta nên dành 2 phút đọc lướt hết đề để định dạng các dạng câu hỏi trong đề thi.

Vì đề thi có sự phân loại sắp xếp câu dễ đến khó theo thứ tự câu hỏi, do đó chúng ta phải tập trung làm thật chắc và cẩn thận các câu dễ, khi làm bài vừa đọc đề và đọc kỹ đáp án để có hướng loại suy đáp án, vì trắc nghiệm khi giải toán không cần chúng ta phải giải hết đầy đủ các bước để ra kết quả mà chỉ cần chúng ta làm tới khi nào có đáp án đúng để chọn là dừng, làm như vậy các em sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian.

Trong quá trình làm bài thi, câu nào chúng ta tốn quá 5 phút để suy nghĩ thì chúng ta phải bỏ qua câu khác và nhớ đánh dấu lại để lát sau mình quay lại để làm.

Khi làm bài luôn luôn phải chú ý tới thời gian để sắp xếp hợp lý việc xử lý mức độ số lượng câu làm bài để đạt số điểm phù hợp đối với yêu cầu của từng cá nhân.

Thầy Đặng Quang Vinh (Giáo viên Toán, Trường THPT Trần Văn Giàu, TP HCM)

Môn Hoá:

24 câu đầu tiên là là những câu nhận biết và thông hiểu nên dễ kiếm điểm. Thí sinh tuyệt đối không được mất điểm, mất thời gian ở những câu này. Có nhiều thí sinh giỏi, xem thường, chủ quan nên rất cầu thả dẫn đến mất điểm oan ở các câu này.

Những câu tiếp theo là vận dụng.

Các câu vận dụng thấp, mỗi câu thí sinh nên dành khoảng 3-4 phút. Cần phải bình tĩnh và đọc kỹ đề thi.

Các câu vận dụng cao thí sinh cần tóm tắt ra giấy nháp; đưa về Mol. Đặc biệt, những bài vận dụng cao (hữu cơ) phải dùng phương pháp quy đổi, dùng phương pháp khác rất phức tạp, dễ sai. Ngoài ra, thí sinh cần dùng các định luật bảo toàn.

Thí sinh lưu ý là làm tới đâu đánh đáp án tới đó, tránh tình trạng làm xong mới tô… khi đó việc tô đáp án dễ dẫn đến không chính xác và hết thời gian làm bài.

Thầy Nguyễn Đình Độ (Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân, TP HCM)

Môn Vật lí:

Đề thi môn Vật lí gồm 40 câu trong 50 phút ứng với 1,25phút/câu. Trong đó các câu có mức độ khó tăng dần từ câu 1 đến câu 32 theo các tương ứng: mức 1 (nhận biết) , mức 2 (thông hiểu), mức 3 (vận dụng) và từ câu 33 đến câu 40 có độ khó cao thuộc mức 4  (vận dụng cao)

Trong khi thực hiện giải đề thi, các em có học lực trung bình khá nên đọc tuần tự các câu, những câu nào có khả năng giải thì thực hiện bài giải và tô ngay đáp án vào trong tờ giấy bài làm, những câu nào đọc không hiểu hoặc không có phương án giải thì đánh dấu trên đề để có thể thực hiện giải lại khi còn dư thời gian. Các em không nên dành nhiều thời gian làm bài cho một câu quá 1,25 phút làm ảnh hưởng đến các câu phía sau có khả năng dễ hơn và cố gắng làm càng nhiều thì điểm số đạt được càng cao.

Không nên chủ quan với các câu dễ để rơi vào bẫy của đề, thường là các câu lý thuyết nên cần phải phân tích kỹ để tránh nhầm lẫn.

Đọc kĩ từng câu đáp án phân tích và chọn ra câu trả lời đúng nhất, có nhiều đáp án nửa câu đầu đúng nhưng phần sau là kiến thức sai.

Đối với các em khá giỏi nhắm vào các trường có tỉ lệ chọi cao cần phải thực hiện tốt và chính xác cho các câu từ câu 1 đến câu 32 để lấy chắc chắn 8 điểm (0,25 điểm/câu) ứng với thời gian nhanh nhất có thể và tối đa thời gian là trong 40 phút. Do đây là những câu có mức độ khó vừa phải rất dễ lấy trọn điểm số.

Từ câu 33 đến câu 40 có độ khó tương đối cao vì thế các em nên lựa chọn các câu có phương án và khả năng giải thành công để tăng dần số điểm đạt được tối đa có thể.

Đáp án được tô ngay vào bài thi sau khi hoàn thành một câu trắc nghiệm vì đã có trường hợp một số thí sinh đã làm xong bài nhưng chưa tô vì sợ điều chỉnh nên phút cuối tô không kịp, tô lộn câu hoặc quên tô đáp án.

Sau khi làm bài xong nên dò kĩ lại đáp án, kiểm tra mã đề có tô dúng không và tránh tô nhầm số báo danh.

Mong rằng một số kinh nghiệm được chia sẻ ở trên sẽ giúp các em thí sinh đạt được kết quả cao nhất trong kì thi THPT quốc gia sắp tới.

Thầy Lê Thịnh (giáo viên Vật lí trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TPHCM)

Môn Sinh học:

30 câu đầu tiên thuộc loại dễ nên thí sinh thi tổ hợp khoa học tự nhiên cũng phải làm tốt để có 7,5 điểm xét tốt nghiệp.

10 câu sau là các câu phân loại thí sinh cho thí sinh sử dụng điểm của môn thi này để xét tuyển ĐH, xét tuyển vào các trường Y danh tiếng. 10 câu này chỉ 2,5 điểm nhưng rất “khó nuốt”, ngay cả giáo viên khi giải cũng vất vả.

Để làm tốt bài thi, dù là với mục đích gì thì thí sinh cũng nên bình tĩnh, đọc kỹ đề và vận dụng các kỹ năng để làm bài, không nên chủ quan dẫn đến mất điểm với những câu dễ như 30 câu đầu tiên.

Thầy Nguyễn Thái Định (giáo viên trường THPT Lạc Hồng, TP HCM)

Ngữ văn:

Phần Đọc hiểu, thí sinh cần trả lời ngắn gọn, chính xác câu hỏi nhận biết (câu 1), thông hiểu (câu 2). Một số phạm vi kiến kiến thức cần nắm là: thể thơ; phong cách ngôn ngữ; phương thức biểu đạt; thao tác lập luận. Còn câu vận dụng thấp (câu 3), nên gạch chân các từ khóa ở câu hỏi, sau đó tìm nội dung trả lời có trong ngữ liệu.

Riêng câu vận dụng cao (câu 4), câu hỏi có thể yêu cầu nhận xét tình cảm của tác giả thể hiện trong văn bản. Thí sinh đọc kĩ nội dung để nắm bắt được tư tưởng, tình cảm mà tác giả thể hiện, gửi gắm. Đề cũng có thể yêu cầu bày tỏ quan điểm của bản thân về một nội dung được đề cập cập đến ở văn bản.

Đây là câu hỏi mở, thí sinh có thể trả lời đồng tình, không đồng tình hoặc chỉ đồng tình một phần. Tuy nhiên, cần bày tỏ chính kiến một cách thuyết phục, không vi phạm đạo đức, thuần phong mĩ tục, không trái với pháp luật hiện hành.

Phần Làm văn, câu Nghị luận xã hội, thí sinh cần đảm bảo về mặt hình thức và nội dung. Nên viết đoạn văn theo cách tổng – phân – hợp. Đoạn văn có độ dài khoảng 2/3 hoặc 1 trang giấy thi, không viết xuống dòng, triển khai một khía cạnh, phương diện của nội dung được yêu cầu nghị luận. Để đoạn văn thuyết phục người đọc, cần đưa thêm một, hai dẫn chứng tiêu biểu, phân tích dẫn chứng.

Lưu ý, không viết đoạn văn như một bài văn thu nhỏ. Ví dụ, đề bài bàn về tác hại của bạo lực học đường thì không viết rộng theo cách: nguyên nhân, tác hại, cách khắc phục, bài học nhận thức và hành động. Đoạn văn chỉ cần đề cập đến tác hại của bạo lực học đường sẽ ảnh hưởng đến thể xác, tinh thần, người gây ra bạo lực là hành vi vi phạm pháp luật…

Câu nghị luận văn học, thí sinh nắm rõ các nội dung trọng tâm: tác giả; hoàn cảnh ra đời của tác phẩm; phong cách nghệ thuật tác giả; nội dung và nghệ thuật tác phẩm…

Thí sinh đọc kĩ nội dung câu hỏi để tránh làm thiếu ý, lạc đề sẽ bị trừ điểm hoặc 0 điểm. Cùng với đó, thí sinh phân chia thời gian làm bài cho hợp lí. Phần đọc hiểu khoảng 15 phút, nghị luận xã hội 25 phút, nghị luận văn học 75 phút, dành 5 phút rà soát lại bài làm. Bài làm cần viết sạch sẽ, tránh tẩy xóa, hạn chế tối đa việc bổ sung nội dung làm còn thiếu khi đã chuyển sang câu khác.

Thầy Phan Thế Hoài (Giáo viên trường THPT Bình Hưng Hoà, TP HCM)

Theo NLĐO

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top