• Thứ Tư, 03 tháng 06, 2020
  • 12:53 GMT +7

Thu học phí 70 triệu đồng/năm có làm nản lòng sĩ tử?

Phương Vy (Theo vnn)
Đại diện Trường ĐH Y dược TP HCM khẳng định không thể nào đào tạo một bác sĩ mà chỉ tốn hơn 1 triệu đồng/ tháng. Ngay cả đào tạo học sinh tiểu học cũng không có mức này.

So với mức thu hiện tại chỉ 1,3 triệu đồng/tháng, tương ứng 13 triệu đồng/năm, học phí dành cho sinh viên khóa mới của Trường ĐH Y Dược TP HCM từ năm 2020 với ngành Răng - Hàm - Mặt lên tới 70 triệu đồng/năm ngành Răng- Hàm- Mặt

Đề án tuyển sinh năm 2020 vừa được Trường ĐH Y dược TP HCM công bố đã hé lộ mức học phí từ năm học 2020-2021. Theo đó, mức thấp nhất là 30 triệu đồng, mức cao nhất là 70 triệu đồng/sinh viên. Đề án tuyển sinh cũng ghi rõ: học phí các năm tiếp theo dự kiến sẽ tăng 10%.

Thu học phí 70 triệu đồng/năm có làm nản lòng sĩ tử?

Thu học phí 70 triệu đồng/năm có làm nản lòng sĩ tử?

Như vậy, riêng với ngành có học phí cao nhất là Răng - Hàm - Mặt, sinh viên học năm thứ nhất sẽ đóng 70 triệu đồng/năm, năm thứ hai là 77 triệu đồng/năm, năm thứ 3 là 84,7 triệu đồng, năm thứ 4 là 93,1 triệu đồng, năm thứ 5 là 102,4 triệu đồng và năm học thứ 6 là 112,6 triệu đồng. Tổng thời gian học 6 năm để hoàn thành chương trình, một sinh viên ngành Răng - Hàm - Mặt sẽ phải đóng khoảng 460 triệu đồng học phí. 

PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP HCM, lý giải: Học phí là một phần chi phí để đào tạo một sinh viên. Tính đến thời điểm này, Trường ĐH Y Dược TP.HCM thu 13 triệu đồng/năm vì phần lớn chi phí để đào tạo sinh viên được ngân sách nhà nước hỗ trợ, chứ không phải đào tạo 1 sinh viên chỉ tốn có ngần đấy.

“Không thể nào đào tạo một bác sĩ mà chỉ tốn hơn 1 triệu đồng/ tháng. Ngay cả đào tạo học sinh tiểu học cũng không có mức này” - ông Khôi nói.

Theo ông Khôi, bắt đầu từ tháng 1/2020, Trường ĐH Y Dược TP.HCM không nhận ngân sách Nhà nước nữa, trường phải tính toán lấy thu bù chi để hoạt động và phát triển, vì vậy bắt buộc phải tăng học phí.

“Có những ngành đòi hỏi chi phí đào tạo cao như ngành Răng - Hàm - Mặt phải hơn 100 triệu đồng/sinh viên/năm, bởi mỗi sinh viên sẽ trực tiếp thực hành trên một máy riêng cùng với chi phí nguyên vật liệu khác. Dù vậy, nhà trường phải cân nhắc bởi nếu thu đúng như vậy liệu có sinh viên theo học và có làm tròn trách nhiệm của trường không. Do đó, trường quyết định vẫn bù lỗ và đưa ra mức thu 70 triệu đồng/năm” - ông Khôi nói.

Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Dược TP HCM khẳng định những sinh viên nhập học trước năm 2020 vẫn đóng học phí theo lộ trình đã công bố từ đầu khóa. Mức học phí vừa công bố chỉ áp dụng cho sinh viên được tuyển sinh từ năm 2020.

Liệu học phí cao có làm cho thí sinh nghèo không trúng tuyển nhưng không thể theo học? ông Khôi cho biết trường đảm bảo không có sinh viên nghèo, học giỏi trúng tuyển không thể học vì nghèo bởi trường luôn có chính sách hỗ trợ sinh viên.

“Chúng tôi cam kết không để một sinh viên nghèo học giỏi, có ước mơ làm bác sĩ trúng tuyển vào trường mà bị bỏ lại” – ông Khôi nói.

Ông Khôi cho biết theo quy định, các trường dành 8% nguồn thu làm quỹ học bổng nhưng Trường ĐH Y dược TP.HCM thường trích lại tới 10%. Quỹ học bổng này cùng với sự ủng hộ từ các doanh nghiệp, đơn vị bên ngoài sẽ dùng để hỗ trợ sinh viên học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn.

“Trường đưa mức thu này để một phần tích lũy cho phát triển, giúp sinh viên được thụ hưởng, sử dụng thiết bị hiện đại, những gì tốt nhất trong quá trình học. Chúng tôi công khai học phí từ đầu khóa tuyển sinh để xã hội biết, học sinh và phụ huynh cân nhắc”- ông Khôi, nói.

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top