• Thứ Ba, 14 tháng 04, 2020
  • 18:03 GMT +7

Trải nghiệm học trực tuyến tối ưu: Khó mà dễ

Minh Ngọc
Dạy và học trực tuyến không còn là giải pháp tình thế nhằm đối phó với những gián đoạn do đại dịch COVID-19, mà còn là cơ hội để đổi mới phương pháp dạy và học, tận dụng được tối đa những gì thời đại số đem đến. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để người học có được những trải nghiệm học tập trực tuyến tối ưu?

Đa dạng hóa phương pháp giảng dạy

Điểm cốt lõi giúp trải nghiệm học trực tuyến “mang hơi thở” của lớp học trực tiếp là đẩy mạnh tương tác giữa người dạy và người học, giữa người học với nhau, và bổ sung các hoạt động đa dạng để tạo hứng thú cho người học.

Tại RMIT Việt Nam, đơn vị vừa đưa toàn bộ chương trình đại học, sau đại học và tiếng Anh lên giảng dạy trực tuyến, các lớp học đang được thực hiện qua phần mềm Collaborate Ultra được tích hợp trên hệ thống quản lý học trực tuyến Canvas mà trường vẫn thường xuyên sử dụng bấy lâu nay. 

Cô Phan Minh Hòa, giảng viên Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT, chia sẻ rằng nếu như trước kia thỉnh thoảng cô mới dùng trắc nghiệm trực tuyến trong giờ học để “đổi không khí”, thì giờ đây cô cho sinh viên làm trắc nghiệm trung bình hai lần trong mỗi buổi học trên các nền tảng miễn phí như Quizziz, Socrative hay Kahoot, để thu hút sinh viên và giúp các bạn thống kê kiến thức vừa học.

“Tôi còn tích cực áp dụng các hoạt động khác như thảo luận nhóm, lập bản đồ tư duy (mind map), hay “trưng cầu dân ý” vào cuối giờ. Tuy thời gian học trực tuyến mỗi buổi không dài, nhưng vẫn cần đa dạng hoạt động và sắp xếp thời gian vừa đủ để sinh viên không mệt vì nhìn máy lâu”, cô Hòa cho biết.

Kết nối ngoài giờ học

Ngoài giờ học trực tuyến, việc kết nối thường xuyên với sinh viên là cần thiết để mang lại trải nghiệm học toàn diện cho các bạn. Đây cũng là cách giảng viên động viên tinh thần và giúp sinh viên tiến bộ.

Tại RMIT, các thầy cô sẽ gửi câu hỏi trắc nghiệm, bài tập nhóm, tài liệu tham khảo xuyên suốt tuần để củng cố kiến thức cho sinh viên. Nhiều thầy cô còn gửi email chia sẻ gợi ý giúp sinh viên phát triển kỹ năng thích ứng hay định hướng mục tiêu học tập.

Nếu gặp khó khăn, sinh viên có thể liên hệ với giảng viên qua nhiều kênh khác nhau như email, trò chuyện hay đặt hẹn trao đổi trực tuyến.

Trường còn khuyến khích sinh viên tham vấn bộ phận Hỗ trợ kỹ năng học tập (SAS) để được tư vấn học thuật hay tìm trợ giảng trực tuyến.

Trải nghiệm học trực tuyến tối ưu: Khó mà dễ

Ngoài giờ học trực tuyến, việc kết nối thường xuyên với sinh viên là cần thiết để mang lại trải nghiệm học toàn diện.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, giảng viên Khoa Kinh doanh và Quản trị RMIT Việt Nam, chia sẻ: “Tôi thường trò chuyện riêng với sinh viên nhằm tạo cơ hội để đôi bên hiểu được khó khăn của nhau. Đôi khi tôi cũng làm khảo sát trực tuyến sau giờ học để biết được phản hồi của cả nhóm sinh viên”.

“Hệ thống quản lý học tập trực tuyến mà RMIT hiện đang sử dụng còn có công cụ đo lường thời gian sinh viên hoạt động trên nền tảng này. Đây là nguồn tham khảo để giảng viên có cơ sở nhắc nhở, động viên những bạn có biểu hiện sao nhãng. Tất nhiên, những phản hồi này đều thông qua email hoặc trò chuyện trực tuyến riêng”, cô Hòa cho biết thêm.

Đánh giá năng lực từ hoạt động thực tế

Khác với nhiều trường trong nước, đa phần các môn học tại RMIT đã được chuẩn hóa theo định hướng đánh giá năng lực từ bài tập thực tế (authentic assessment). Cách đánh giá này chú trọng vào những khả năng sinh viên cần có để đáp ứng yêu cầu công việc và đòi hỏi các em phải ứng dụng kiến thức đã học một cách linh hoạt.

Sinh viên không phải thi cuối kỳ hay đến trường để nộp bài mà hoàn toàn có thể hoàn thành bài tập, dự án, báo cáo hay thuyết trình trên nền tảng trực tuyến.

Tiến sĩ Hùng chia sẻ, “ví dụ như môn Tổng quan về chuỗi cung ứng và logistics mà tôi đang phụ trách, tôi yêu cầu sinh viên làm các áp phích hay video về quá trình vận hành, cũng như những vấn đề thường gặp của một chuỗi cung ứng. Các em có thể làm việc theo nhóm hoặc cá nhân trên các nền tảng số”.

Các thầy cô tại RMIT cũng chú ý điều chỉnh bài tập để phù hợp với những công cụ mà sinh viên có tại nhà. Cách làm này đang được thực hiện hiệu quả không chỉ với các môn thuộc ngành kinh doanh và quản trị, mà cả với ngành truyền thông và thiết kế.

“Trong môn Chỉ đạo nghệ thuật mà tôi giảng dạy, thay vì yêu cầu các em làm một clip quảng cáo truyền hình dài 30 giây, thì giờ đây, tôi giao cho các em làm ba clip teaser cho nền tảng mạng xã hội, mỗi clip dài 10 giây”, cô Michal Teague, giảng viên Khoa Truyền thông và Thiết kế, cho hay.

“Các em có thể sử dụng các tư liệu video và hình ảnh nguồn mở (miễn phí), quay clip bằng điện thoại và xử lý hậu kỳ bằng ứng dụng trên thiết bị thông minh. Đây là những cách làm phù hợp với xu hướng marketing và truyền thông trên mạng xã hội hiện nay”.

“Cách làm này cũng mô phỏng rất sát thực tế, khi mà nhiều khách hàng ngoài đời thực chỉ có ngân sách hạn chế và nhà cung cấp dịch vụ phải sáng tạo trong khuôn khổ nguồn lực sẵn có”, cô Teague nhận định.

Tương lai dạy và học

Như Tiến sĩ Hùng chia sẻ, “làm mới giáo trình giảng dạy và cách học tập sẽ là thách thức, đồng thời là cơ hội rất tốt để tăng trải nghiệm học”.

Còn cô Teague cho biết bản thân cô đã học nhiều khóa học trực tuyến và nhận thấy đây là cách tuyệt vời để cập nhật kỹ năng, mở rộng hiểu biết, giúp bản thân trở thành một nhà giáo tốt hơn.

Trong bối cảnh nguồn lực tại nhiều trường học ở Việt Nam còn hạn chế, học trực tuyến có thể chưa thay thế hoàn toàn việc học trực tiếp, song việc kết hợp hai cách tiếp cận này là xu hướng của tương lai và cần được đầu tư bài bản từ phía nhà trường.

“Có một số sinh viên hỏi tôi, khi dịch bệnh qua đi và các em quay lại học ở giảng đường thì thỉnh thoảng có được học trực tuyến không. Điều này cho thấy với một số sinh viên, việc học trực tuyến là phương thức học phù hợp và có thể được áp dụng cùng các phương án khác”, Tiến sĩ Hùng nói.

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top