Trong tình hình học sinh nghỉ phòng dịch COVID-19, các trung tâm ngoại ngữ cũng chịu thiệt hại lớn vì phải trả tiền thuê cơ sở, trả lương giáo viên cơ hữu…
Cho học sinh nghỉ từ ngày 15/1 và dự định mở cửa hoạt động trở lại ngày 3/2, nhưng đến nay Trung tâm Anh ngữ Á Châu vẫn chưa thể mở cửa trở lại do phải nghỉ để phòng dịch COVID-19.
Trong thời gian học viên không đi học, trung tâm vẫn phải chi hàng tỷ đồng cho toàn hệ thống. Tình hình này kéo dài sẽ khiến cho doanh nghiệp khó bề chống chọi bởi khoản thu không có mà chi quá lớn. Nhiều trung tâm ngoại ngữ khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Trung tâm Anh ngữ Á Châu đang phải gồng mình vì chi quá lớn
Thiệt hại hàng chục tỷ đồng
Hoạt động từ năm 2005, đến nay hệ thống Trung tâm Anh ngữ Á Châu có 34 cơ sở tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, trong đó TP.HCM có 25 cơ sở. Trong điều kiện không dịch bệnh, hoạt động của hệ thống khá tốt nhờ thu hút được hàng chục ngàn học viên theo học, việc chi thuê cơ sở vật chất, chi lương cho đội ngũ khá thuận lợi.
Nhưng dịch bệnh bất ngờ ập đến ngay sau tết khiến hệ thống chưa thể mở cửa hoạt động. Ông Nguyễn Đình Hải, chủ đầu tư Trung tâm Anh ngữ Á Châu, cho biết bình thường mỗi tháng hệ thống chi trả tiền lương cho giáo viên cơ hữu và thuê cơ sở vật chất là 10 tỷ đồng. Tháng 1/2020, trung tâm đã chi trả xong và trong vài ngày tới sẽ phải chi trả tháng 2/2020. Học viên nghỉ học, không có nguồn thu nên mức chi phí trên là quá lớn.
Đại diện một hệ thống trung tâm Anh ngữ lớn có 39 chi nhánh trên toàn quốc, cho biết mức chi mỗi tháng cho giáo viên, cơ sở vật chất và chi phí hoạt động rất lớn. Trong thời gian nghỉ do dịch bệnh thì hai khoản chi cơ bản là thuê cơ sở vật chất và lương vẫn phải thực hiện.
Nhiều trung tâm ngoại ngữ khác khi chúng tôi đề cập đến vấn đề này đều cho biết rất khó khăn, không muốn nêu tên cụ thể vì sợ ảnh hưởng thương hiệu. Hiện tại, các trung tâm ngoại ngữ đang phải loay hoay tìm nguồn chi lương, thuê cơ sở vật chất.
Đại diện một trung tâm ngoại ngữ cho biết, không phải cứ nghỉ là không chi lương vì giáo viên cơ hữu là giáo viên giỏi, không chi lương họ sẽ nghỉ để tìm trung tâm khác và khi hoạt động trở lại thì không có giáo viên để giảng dạy.
Để giữ chân học viên, nhiều trung tâm cũng đã tổ chức dạy online miễn phí cho người học. Ví dụ Trung tâm Anh ngữ Á Châu đã tổ chức các tiết học online miễn phí trên Facebook, YouTube cho học viên nhằm ôn tập, củng cố kiến thức, giúp người học không bị quên.
Nguy cơ phá sản
Một trung tâm ngoại ngữ có 11 cơ sở tại Q.Thủ Đức (TP.HCM), TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), TP.Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), TP.Long Xuyên (tỉnh An Giang), TP.Cần Thơ, TP.Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) cho biết, cuối tháng 2/2020 đã phải tạm ngưng hoạt động tám cơ sở do không có tiền chi trả lương cho giáo viên và tiền thuê cơ sở vật chất.
Theo đại diện của trung tâm này, tình hình dịch bệnh kéo dài không thể hoạt động được nhưng chi phí chi trả lại rất lớn nên phải thu hẹp hoạt động và thông báo cho giáo viên nghỉ việc để họ tìm công việc mới.
Đặc điểm của các trung tâm ngoại ngữ là hầu hết đều đi thuê cơ sở. Trong khi đó, chi phí thuê mặt bằng, đặc biệt là tại TP.HCM rất cao. Từ mười năm trở lại đây, số lượng các cơ sở ngoại ngữ rất nhiều, cạnh tranh cao nên mức thu học phí cũng rất cạnh tranh. Lợi nhuận thu được từ hoạt động dạy ngoại ngữ không nhiều như trước kia do chi phí mặt bằng cao, nên khi xảy ra dịch bệnh, khủng hoảng thì doanh nghiệp rất khó gồng gánh.
Theo danh sách được công bố trên cổng thông tin của Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện có 280 cơ sở ngoại ngữ - tin học đang hoạt động trên địa bàn. Nếu thời gian nghỉ phải kéo dài hơn nữa, không chừng nhiều trung tâm sẽ phá sản. “Chúng tôi đang hấp hối, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài phải nghỉ tiếp thì phá sản là điều không thể tránh khỏi”, đại diện trung tâm ngoại ngữ có 11 cơ sở nói trên chia sẻ.