Theo TS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu - Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, trong điều kiện kỳ thi tốt nghiệp THPT mục đích chủ yếu là để xét tốt nghiệp THPT thì trường phải chủ động có các phương thức tuyển sinh phù hợp để lựa chọn người học phù hợp với lĩnh vực, mục tiêu, phương pháp đào tạo.
Theo quan điểm của trường, năng lực học tập của người học bậc THPT được thể hiện rõ nét nhất qua việc tiếp thu kiến thức các môn học từ đó định hình được tư duy định lượng, tư duy định tính và hiểu biết về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Do đó để đánh giá năng lực người học, đảm bảo chuẩn đầu vào đại học, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM cần có một kỳ thi bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, có tính phân loại cao; đồng thời kỳ thi cần được tổ chức, khách quan, công bằng, bảo mật đề thi và tiện lợi cho thí sinh.
TS Nguyễn Anh Vũ cho biết kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức có một số đặc trưng cơ bản, cụ thể:
(1) Bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, có tính phân loại cao: Bài thi thiết kế theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình GDPT hiện hành. Tỉ trọng các đơn vị kiến thức phù hợp để phân loại, xếp hạng trong việc lựa chọn các nhóm học sinh đủ năng lực ứng tuyển vào trường đại học theo từng ngành, nhóm ngành. Điều này đáp ứng với đại đa số học sinh phổ thông, đồng thời phù hợp với yêu cầu tuyển sinh của trường.
(2) Ngân hàng câu hỏi thi (NHCHT) được xây dựng theo quy trình khoa học, hiện đại, số lượng câu hỏi lớn đảm bảo khách quan và công bằng trong việc kiểm tra, đánh giá. Ngoài ra, NHCHT chuẩn hóa còn cho phép so sánh, đối chiếu và theo dõi năng lực học sinh theo các đối tượng học sinh, các năm thi tuyển,...
(3) Kết quả bài thi cho phép báo cáo kết quả chẩn đoán từng cá nhân, cung cấp chi tiết điểm mạnh, điểm yếu của thí sinh để hỗ trợ chọn khóa học, lớp học phù hợp với từng nhóm thí sinh.
(4) Hình thức chủ yếu tổ chức thi trên máy tính. Ngoài ưu điểm là khách quan, công bằng thì phương thức này rất tiện lợi trong khâu tổ chức thi và công bố kết quả, linh hoạt về thời gian tổ chức thi.
Về nội dung, hình thức và thời gian làm bài thi:
- Môn thi: Tổ chức thi 07 môn thi độc lập, gồm: Toán, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí.
- Nội dung thi: Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 ( 90% kiến thức thuộc chương trình lớp 12; 10% kiến thức thuộc chương trình lớp 10 và lớp 11).
- Hình thức thi: Thi trắc nghiệm khách quan theo từng môn thi độc lập trên máy tính.
- Thời gian làm bài: Môn Toán 90 phút; các môn Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, mỗi môn thi 60 phút.
Thông tin chi tiết xem Tại đây