Kế hoạch tổ chức dạy học của các trường ĐH mộ lần nữa lại bị xáo trộn khi tối 30-11 xuất hiện những ca bệnh Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Nhiều sinh viên, giáo viên được xác định là F1, F2, nhiều trường ĐH đã cho sinh viên tạm nghỉ học và sẵn sàng cho phương án dạy học trực tuyến.
Hàng loạt trường cho sinh viên nghỉ học
Sáng ngày 2-12, Trường ĐH Công nghệ TP HCM thông báo cho sinh viên, học viên tất cả các bậc, hệ nghỉ học từ ngày 2 đến hết ngày 6-12. Tại trường này, bệnh nhân là tiếp viên của hãng Vietnam Airlines đang trong thời gian cách ly đã đến tập trung cùng 25 học viên khác vào ngày 22-11 để bắt đầu chương trình đào tạo từ xa.
Ông Nguyễn Quốc Anh, phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM, cho biết ngoài lớp đào tạo từ xa đến tập trung thì không có nhiều sinh viên có mặt tại trường vì đó là hôm chủ nhật. Hiện tại 2 giáo viên có mặt trong buổi tập trung đó đã thực hiện cách ly, danh sách lớp đào tạo từ xa cũng đã được gửi cho cơ quan y tế. hiện nay, trường cho sinh viên nghỉ đến ngày 6-12 vì đó là khoảng thời gian dủ 14 ngày. Nếu tình hình dịch bệnh được đẩy lùi, sinh viên sẽ đi học trở lại.
Tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM, sau cuộc họp ngắn vào buổi sáng ngày 2-12 về phương án phòng chống dịch bệnh, trường đã quyết định cho toàn bộ sinh viên, học viên nghỉ học từ 12 giờ cùng ngày đến hết ngày 13-12. Trường này có 1 sinh viên được xác định là F1 vì đã tham gia lớp học của giáo viên tiếng Anh là bệnh nhân 1347.
Trường ĐH Ngoại ngữ- tin học TP HCM cùng ngày cũng ra thông báo cho toàn bộ hơn 10.000 sinh viên nghỉ học từ ngày 3-12 đến hết ngày 6-12. Dù chưa ghi nhận trường hợp là F1… nhưng trường nằm khá gần các địa điểm mà bệnh nhân 1347 đã ghé qua như karaoke ICOOL (số 120 Thành Thái), cà phê HighLand Coffee Vạn Hạnh Mall (số 11 Sư Vạn Hạnh).
Trường ĐH Công nghệ TP HCM đã cho sinh viên toàn trường nghỉ học và sẵn sàng kích hoạt dạy online nếu như phải kéo dài việc đóng cửa trường
Và còn hàng loạt trường ĐH khác đã quyết định dừng toàn bộ hoạt động dạy và học như Trường ĐH Tôn Đức Thắng dừng học tập trung tại cơ sở chính ở Tân Phong (Q.7, TP HCM) từ ngày 2 đến 6-12; Trường ĐH Tài chính - Marketing tạm dừng các hoạt động dạy và học, các hoạt động tra cứu, mượn sách tại thư viện từ 1 giờ chiều 2-12 đến hết ngày 5-12; Trường ĐH Văn Hiến cũng dừng hoạt động dạy học và các hoạt động khác trong trường từ chiều ngày 2 đến hết ngày 6-12. Các trường ĐH cho biết tuỳ diễn biến dịch bệnh trong 1 tuần tới sẽ có thông báo tiếp theo về việc sinh viên trở lại trường hay chưa.
Dạy học trực tuyến hết bở ngỡ?
Khi đợt dịch đầu tiên bùng phát, nhiều trường ĐH còn bở ngỡ trong việc triển khai dạy học trực tuyến nhưng qua đợt dịch thứ 2, việc triển khai dạy học trực tuyến đã tốt hơn và nay phương án này đả được các trường sẵn sàng kích hoạt khi cần thiết.
TS Phan Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết trường có 2 trường hợp đã phải cách ly gồm 1 sinh viên thuộc diện F2 và 1 nhân viên học chung lớp tiếng Anh với bệnh nhân là tiếp viên hàng không. Để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trường đã tăng cường các biện pháp như sát khuẩn, yêu cầu đeo khẩu trang. Về hoạt động dạy học, triển khai dạy online với một số môn học.
Tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM, sinh viên sẽ bắt đầu học trực tuyến. Ông Nguyễn Ngọc Trung, trưởng phòng Tổ chức hành chính của trường cho biết từ chiều ngày 2-12, toàn bộ hoạt động dạy học của trường đều chuyển qua hình thức dạy trực tuyến. Trường cũng đã triển khai các dịch vụ công và hỗ trợ người học từ xa, qua mạng nên các hoạt động của Trường vẫn được duy trì ổn định trong tình hình hiện nay.
Nhiều trường ĐH khác chưa triển khai dạy học trực tuyến nhưng cho biết đã sẵn sàng. Ông Nguyễn Quốc Anh, cho biết sinh viên trường ĐH Công nghệ TP HCM nghỉ học từ ngày 2 đến 6-12 thực tế chỉ 4 ngày, tạm coi là kỳ nghỉ ngắn nên trường chưa tổ chức dạy học trực tuyến. Sau thời gian này, nếu sinh viên chưa thể đến trường thì trường sẽ triển khai dạy học trực tuyến.
PGS- TS Trần Hoàng Hải, phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP HCM, cho biết trường chưa triển khai học trực tuyến vào thời điểm này nhưng mọi thứ đã sẵn sàng. Việc chuẩn bị cho phương án dạy học trực tuyến trường đã chuẩn bị từ những năm gần đây, qua 2 đợt dịch vừa qua, việc chuẩn bị đã kỹ lưỡng và sẵn sàng kích hoạt nếu sinh viên không thể đến trường.
PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM, cho rằng nếu các trường phải triển khai dạy học trực tuyến trong thời gian tới thì cũng thuận lợi hơn 2 đợt trước bởi các trường cũng đã có sự chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật, giáo trình, tài liệu… giáo viên, sinh viên cũng đã quen với việc học trực tuyến. Thậm chí hiện nay, nhiều trường đã tổ chức dạy trực tuyến ở một số môn nên sẽ không khó khăn nhiều nếu phải tổ chức dạy trực tuyến hoàn toàn.
Ngày 2/12, Bộ GD-ĐT đã ký văn bản gửi tới các Sở GD-ĐT; các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm yêu cầu nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhằm đảm bảo an toàn trường học trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh này.
Theo đó, Bộ lưu ý các Sở, các trường tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong trường học. Hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người nếu không thực sự cần thiết. Thực hiện nghiêm túc “Thông điệp 5K”: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.
Các đơn vị cần đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường tại trường học như: thiết bị đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, nơi rửa tay bằng nước sạch và xà phòng... và các phương án bảo đảm sức khỏe cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên trong trường học. Duy trì thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp theo quy định; rà soát, bổ sung kịp thời nước sát khuẩn hoặc xà phòng và các vật dụng cần thiết để chuẩn bị cho buổi học tiếp theo.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, dạy và học.
Sở GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tại địa phương để hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Bộ GD-ĐT đề nghị Giám đốc các Sở GD-ĐT, Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng các trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, chịu trách nhiệm về việc phòng, chống dịch COVID-19 thuộc phạm vi quản lý.