Chia sẻ với VietNamNet, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định, thông tin này là không đúng. Do đó, các trường vẫn sẽ triển khai dạy học và thu học phí như hiện nay, phụ huynh không nên hoang mang, lo lắng.
Trước những thông tin này, Trường THPT Kim Liên và Trường THPT Phan Đình Phùng cũng đã có thông báo khẳng định hiện nay, UBND TP và Sở GD-ĐT Hà Nội chưa phê duyệt chuyển đổi sang mô hình trường chất lượng cao tự chủ tài chính. Do đó, mức học phí chưa có sự thay đổi.
Cụ thể, các trường này cho hay, năm học 2020 – 2021, vẫn sẽ hoạt động theo mô hình trường công lập với mức thu học phí theo đúng quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ là 217.000 đồng/tháng/học sinh ở cả ba khối lớp 10, 11, 12 và duy trì trong những năm học tiếp theo.
Các trường này cũng cho hay, trong những năm tiếp theo, nếu được phê duyệt, thì nhà trường cũng sẽ thực hiện lộ trình bắt đầu từ các lớp 10 mới. Cùng đó, sẽ công khai thông tin về mô hình, học phí,… trong thông báo tuyển sinh để phụ huynh, học sinh biết qua đó lựa chọn đăng ký vào trường hay không. Các lớp 11, 12 ở thời điểm đó vẫn tiếp tục thực hiện theo mô hình đại trà với mức học phí theo quy định.
Trên thực tế, ngày 19/2/2019, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 44/KH-UBND về việc triển khai thực hiện nâng mức tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP Hà Nội giai đoạn 2018-2021.
Theo kế hoạch, sẽ phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015.
Trước kế hoạch được đề ra, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở GD-ĐT nghiên cứu, đề xuất chuyển đổi mô hình cơ sở giao dục công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao hoặc tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các trường theo hướng mô hình chất lượng cao.
Hiện nay, Hà Nội có 2 trường THPT công lập hoạt động theo mô hình trường chất lượng cao tự chủ tài chính là THPT Phan Huy Chú và THPT Lê Lợi.