• Thứ Hai, 15 tháng 08, 2022
  • 22:06 GMT +7

Tự chủ tài chính - Thách thức không nhỏ với đại học công lập

Theo VTV
Nguồn: Không xác định
Ngân sách chi cho giáo dục ngày càng thu hẹp, chi thường xuyên tiếp tục cắt giảm. Trường đại học trước áp lực tăng thu còn người học trước mối lo học phí.

Mùa tuyển sinh đại học năm nay, ngoài mối quan tâm về điểm sàn, điểm chuẩn, phụ huynh và học sinh đặc biệt chú ý đến học phí của các trường đại học. Tự chủ đại học bên cạnh những cơ hội còn đó những thách thức.

Mối lo tăng học phí khi tự chủ đại học

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có gần 30 cơ sở giáo dục đại học, trong đó có nhiều trường công lập thông báo tăng học phí năm học 2022-2023. Sự thay đổi này khiến học phí cũng là một trong những yếu tố quyết định để chọn trường, chọn ngành sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình.

tự chủ đh

Giải trình với xã hội, hầu hết các trường ĐH đều cho rằng nguyên nhân tăng học phí là do thực hiện tự chủ ĐH. Vậy thực hư, tự chủ ĐH đang tạo ra áp lực tăng thu ra sao đối với các cơ sở đào tạo?

Nhà nước chi cho giáo dục ĐH chỉ từ 0,25%-0,27% GDP. Đây là con số đáng chú ý trong báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị về Tự chủ đại học.

Ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Các nước trong khu vực Đông Nam Á tỷ trọng chi cho giáo dục đại học gấp nhiều lần so với Việt Nam".

Hiện hàng năm, nhà nước cắt giảm theo lộ trình 5%-15% chi thường xuyên. Trong khi đó, đa phần các trường chưa có nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ, nguồn thu từ các dịch vụ khác chiếm tỷ lệ rất thấp, chủ yếu nguồn thu của nhà trường đến từ học phí với tỷ lệ 70%-80%.

TS Phan Thanh Định, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM) cho rằng, đúng ra việc cắt kinh phí phải có lộ trình. Nhà nước yêu cầu việc tăng học phí phải có lộ trình nhưng kinh phí thì cắt ngay mà không có lộ trình.

Lý giải từ PGS- TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing, trường vẫn phải áp dụng Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước, đặc biệt với những trường tự chủ.

Với Nghị định mới của Chính phủ về học phí, các trường đại học tự chủ được phép thu tối đa gấp 2-2,5 lần trường chưa tự chủ. Thực tế, trong đề án tuyển sinh năm 2022, học phí của nhiều trường đại học tăng từ 30% - 70%.

Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, muốn nâng cao chất lượng đào tạo cần phải chi phí đủ, mà nếu đủ chỉ nghĩ trên đầu sinh viên thì sẽ tăng rất cao.

Rõ ràng, việc tăng học phí sẽ là một gánh nặng lớn với sinh viên nhưng không tăng học phí thì không thể có chất lượng cao trong đào tạo. Vì thế, dù mục đích tự chủ đại học là nâng cao chất lượng nhưng nguồn lực lại hạn chế là khó khăn, thách thức của nhiều cơ sở giáo dục đại học công lập.

Gia tăng số lượng sinh viên mong muốn được hỗ trợ chính sách

Nhiều chuyên gia cũng lo ngại mặt trái của việc tăng học phí trong các trường ĐH công lập tự chủ là giảm cơ hội được đến trường của sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Khảo sát vừa qua của ĐHQG TP HCM về tác động của Covid-19 với 39.000 sinh viên cho thấy, trên 52% các em đề nghị có chính sách hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn. 71,7% sinh viên của Trường ĐH Quốc tế lo lắng về khả năng đóng học phí, con số này của Trường Khoa học Tự nhiên là 57,6%.

Để gánh nặng tài chính không đè lên vai người học

Làm thế nào để gánh nặng tài chính không đè lên vai người học, làm thế nào để tăng học phí không có nghĩa là giảm công bằng xã hội? Nhiều kinh nghiệm, giải pháp đã được các trường đại học chia sẻ đề xuất.

Được mệnh danh là "vàng mềm" của Tây Tạng nhưng giờ đây nấm đông trùng hạ thảo hoàn toàn có thể sản xuất theo hình thức bán tự nhiên. Nhiều đề tài khoa học quy trình công nghệ cũng được ĐH Thái Nguyên chuyển giao cho doanh nghiệp và các địa phương. Nguồn thu ổn định từ công tác khoa học đang phần nào san sẻ gánh lo học phí cho sinh viên.

Là một trong những cơ sở giáo dục ĐH thực hiện tự chủ sớm nhất, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội thực hiện bài toán cân bằng tài chính trong phát triển.

Cùng với giải pháp đa dạng hóa nguồn thu, các chuyên gia cũng đề xuất nhà nước cần phải đẩy mạnh hơn nữa chính sách tín dụng cho sinh viên.

Hiện các cơ sở giáo dục ĐH trong giai đoạn hiện nay vẫn rất cần nhà nước tiếp tục đầu tư công thông qua các chương trình, dự án. Đã đến lúc, xã hội cần hiểu đúng về tự chủ ĐH, không xem tự chủ nghĩa là trường ĐH tự lo về tài chính để hệ quả là các trường chỉ còn cách tăng thu học phí.

Thay đổi xu hướng chọn ngành vào trường ĐH

Ngoài mối lo tăng học phí làm giảm công bằng xã hội thì các chuyên gia cũng cho rằng, học phí tăng khiến thí sinh thay đổi xu hướng chọn ngành vào trường ĐH. Cụ thể, với cùng một mức chi trả học phí, người học bắt đầu giảm lựa chọn học các ngành khoa học cơ bản để theo học các ngành có cơ hội nghề nghiệp phong phú hơn và thu nhập cao hơn. Ngay cả trong nhóm ngành khoa học cơ bản, lĩnh vực tự nhiên và xã hội cũng có sự chuyển biến.

Báo cáo thực hiện tuyển sinh năm 2020, năm 2021 và dự kiến năm 2022 tại ĐHQG TP HCM cho thấy, sinh viên đăng ký và trúng tuyển vào các ngành thuộc lĩnh vực khoa học nhân văn như các ngành văn học, lịch sử, địa lý…) nhiều hơn 2 lần so với các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (như các ngành Vật lý, Hóa học, Sinh học…).

Xu hướng này có thể là do sự quan tâm của xã hội, gia đình và bản thân người học đang thay đổi nhưng cũng có thể do mức học phí. Các xu hướng mới này có thể gián tiếp tạo ra "khủng hoảng thừa" và "khủng hoảng thiếu" về nhân lực của một số ngành khoa học cơ bản trong tương lai gần.

ĐH tư thục tăng lợi thế cạnh tranh

Không chỉ thay đổi xu hướng chọn ngành, học phí tăng cũng dự báo sự sự dịch chuyển trong xu hướng chọn trường. Khi mà mức học phí tại cơ sở đào tạo công lập cũng dần tiệm cận với mức học phí tại các trường đại học tư thục, nhiều sinh viên và gia đình các em đã lựa chọn trường tư.

Trải nghiệm không gian thực tế ảo là hoạt động các thí sinh quan tâm đến ĐH Phenikaa có thể tham gia. Sự chủ động trong việc tìm hiểu thông tin, đưa ra lựa chọn của thí sinh hiện nay, được trường ĐH này đánh giá là một thế mạnh khi cơ sở vật chất hiện đại là một yếu tố thu hút.

Chương trình đào tạo với đa dạng các chương trình liên kết quốc tế cũng sẽ là lợi thế của không ít trường ĐH tư hiện nay.

Đáng nói, khi người học cần sự chủ động học tập, trau dồi tại môi trường giáo dục mình lựa chọn như hiện nay, để cá nhân hóa học viên, tại Viện Quản trị và công nghệ FSB, phương pháp kiến tạo trong quá trình dạy và học đã được áp dụng nhiều năm nay.

Tạm bỏ qua yếu tố học phí, để thu hút thí sinh, một cách công bằng, gần như xác định bởi 4 yếu tố là cơ sở vật chất - đội ngũ giảng viên - chương trình đào tạo và cơ hội trải nghiệm cho sinh viên.

Theo VTV

Tin cùng danh mục

Xem thêm
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn
return to top